Nỗi lo việc làm của sinh viên ngành Sư phạm

Tìm việc làm luôn là nỗi trăn trở của sinh viên sau khi rời ghế nhà trường, đặc biệt là sinh viên ngành Sư phạm. Thấu hiểu nỗi lo ấy, các giảng viên Khoa Sư phạm (Trường Đại học An Giang) đã tổ chức hội nghị cơ hội việc làm và khởi nghiệp, với sự góp mặt của các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp nhằm khơi gợi, định hướng việc làm cho sinh viên.

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học An Giang tại các trường THPT trong tỉnh, nhiều em học sinh đã có cùng một câu hỏi đến Ban Tư vấn tuyển sinh: “Em rất thích được trở thành thầy, cô giáo đứng trên bục giảng để truyền trao tri thức cho các thế hệ học sinh. Thế nhưng, em nghe nói sinh viên ngành Sư phạm ra trường phải thi tuyển viên chức với tỷ lệ chọi cao mới có việc làm, nếu không trúng tuyển phải chịu cảnh thất nghiệp và khó khăn khi đi xin việc làm khác vì bằng cấp không phù hợp. Nếu em vẫn chọn ngành Sư phạm thì phải làm thế nào mới có cơ hội việc làm?” Câu hỏi ấy được Ban Tư vấn trả lời: “Các em vẫn cứ chọn ngành Sư phạm theo sở thích và phấn đấu học tập thật giỏi, khẳng định được năng lực, phẩm chất của bản thân thì vẫn có nhiều cơ hội cho các em phía trước”.

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc và khởi nghiệp cho sinh viên

Dù được động viên, khuyến khích nhưng thực tế sinh viên ngành Sư phạm vẫn đau đáu nỗi lo việc làm, bởi thực trạng nhiều sinh viên ngành Sư phạm ra trường không có việc làm, buộc phải làm công việc trái nghề hoặc lao động phổ thông, phụ tiếp công việc gia đình. Bạn Nguyễn Thị Thanh (sinh viên ngành Giáo dục tiểu học) băn khoăn: “Nếu sinh viên nỗ lực cho ngành học của mình mà ra trường không có cơ hội đi dạy thì là một sự lãng phí kiến thức, trong khi đó phải bắt đầu ở một lĩnh vực khác liệu có thành công?”. Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh (TP. Long Xuyên) Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: “Bản thân tôi học ngành Sư phạm Ngoại ngữ nhưng đứng lớp không được bao lâu thì cuộc đời đưa sang ngã rẽ khác, trở thành hướng dẫn viên du lịch. Hơn 20 năm trong ngành du lịch, cuối cùng tôi tạo dựng được công ty du lịch tư nhân, từng bước khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Do vậy, các em không nên lo lắng thái quá về việc phải làm trái nghề, dù làm ở lĩnh vực nào nếu chịu khó, năng nổ vẫn có thể thành công”.

Chia sẻ từ anh Nguyễn Thanh Sử (Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ nhà thông minh An Giang) càng khẳng định thêm lời động viên ấy. Anh Sử cho biết: “Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là học nghề mình yêu thích và được làm nghề mình yêu thích. Thế nhưng, khi may mắn không mỉm cười với bạn thì bạn hãy mạnh dạn bước sang một lĩnh vực khác. Đừng lo lắng lãng phí kiến thức mà chính những năm tháng trên ghế nhà trường là kiến thức nền để bạn tiếp tục học hỏi, dấn thân sang các ngành nghề khác. Chính bản thân tôi cũng không ngờ mình học chuyên ngành xã hội, ra trường công tác trong ngành báo chí nhưng sau đó tôi sang Hàn Quốc du học, về làm việc trong lĩnh vực công nghệ và hiện tại khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ nhà thông minh. Cuộc sống muôn màu, muôn nghề nghiệp để bạn lựa chọn, không bao giờ là bế tắc nếu bạn có đủ ý chí và nghị lực để dấn thân”.

Thông tin từ thiếu tá Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Viettel An Giang càng làm các bạn sinh viên yên tâm hơn: “Ở Viettel An Giang, nhân viên đang làm việc có đến 32 bạn học ngành Sư phạm, 19 bạn học ngành Công nghệ thực phẩm và một số bạn ở các chuyên ngành khác. Các em không cần phải lo lắng về việc bằng cấp ngành Sư phạm có được nhà tuyển dụng chọn hay không, quan trọng là các em chứng minh được năng lực, phẩm chất cá nhân, thay đổi quan điểm từ “xin việc” sang “tìm việc” để bản thân tự tin hơn, rèn luyện những kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian để thích nghi với nhiều môi trường làm việc. Đồng thời, các em không nên chạy theo cảm xúc, ảo vọng về công việc nhàn hạ mà lương cao để nhảy việc hoặc khởi nghiệp ở lĩnh vực không sát với nhu cầu thực tế của xã hội”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/noi-lo-viec-lam-cua-sinh-vien-nganh-su-pham-a243941.html