Nỗi lo về theo mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ năm nay trong diễn biến bất thường của thời tiết đem theo nhiều lo âu. Nhất là khi hệ thống đê điều Bắc Bộ thời gian qua bộc lộ không ít bất cập, từ việc xâm phạm hành lang bảo vệ đê cho tới chiếm dụng mặt đê, khai thác cát những dòng sông ngày càng gần bờ, tình trạng xe quá tải băm nát mặt đê… Và, Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ.

Tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ đê vẫn tái diễn.

Tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ đê vẫn tái diễn.

Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng đê đi qua khu đô thị, khu dân cư khiến nhiều đoạn đê bị bức hại. Biến đổi khí hậu khiến mưa nắng thất thường cũng tác động đến các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội. Bảo vệ đê, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân quanh đê là việc cấp bách phải làm trong mùa mưa lũ này.

Nhiều tuyến đê sạt lở và nỗi lo của người dân

TP Hà Nội hiện có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 469,913 km. Thời gian qua, để đối phó với vấn đề sạt lở bở sông có thể tác động trực tiếp đến sự an toàn của đê, chính quyền TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp.

Mới đây nhất Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở tại bờ sông Đáy, sông Bùi (huyện Chương Mỹ và Quốc Oai), sông Đà (huyện Ba Vì), sông Cà Lồ (huyện Đông Anh). Cụ thể, sạt lở bờ sông Đà qua địa bàn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) dài khoảng 655m có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân sinh sống, các vị trí sạt lở đang có xu hướng mở rộng và cách nhà dân 3-5m gây nguy hiểm cho các hộ dân.

Còn tại bờ hữu sông Cà Lồ (huyện Đông Anh) từ đền Ba Voi đến cầu Phủ Lỗ xuất hiện lún sụt ở bờ sông. Các công trình phụ của di tích đền Ba Voi đã xuất hiện nhiều vết nứt xé, lún nền như: Nứt, lún ở khu vực sân, các vết nứt xé trần bêtông...

Sạt lở bờ sông, tác động trực tiếp vào thân đê khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Trần Thị Hanh (34 tuổi) người dân ở thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) cho biết, sự cố sạt lở hồi giữa năm đã làm nhiều bụi tre, cây cối, kiến trúc của 18 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có gia đình nhà chị.

Năm nào cũng thế, khi mùa mưa bão cận kề, chị Hanh và các hộ dân nơi đây lại canh cánh một nỗi lo. Lo là bởi tầm tháng 8, tháng 9 nước dâng lên làm sạt lở một phần đất vườn, gây ngập úng, thậm chí làm nứt cả sân nhà. Khoảng 5 năm trước, gia đình gom góp tiền để xây được khu bếp cho khang trang, sạch sẽ thế nhưng đến nay đã nứt toác nhiều chỗ, phần sân thì sụt hẳn xuống. “Tôi chỉ sợ đến một ngày, khu bếp rồi nhà phía trước cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sạt lún”- chị Hanh lo lắng.

Đáng nói, tại xã Hòa Chính, sự cố sạt lở cũng đã làm nứt và đổ nghiêng khoảng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá. Đình Lưu Xá nằm ở ngã 3 sông Bùi - sông Đáy, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố vào năm 1998.

Cũng là một di tích, đền Ba Voi cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt lở. Ông Nguyễn Văn Luân- Trưởng ban Quản lý di tích đền Ba Voi, cho biết vào tháng 7/2019, khoảng 200m bờ sông Cà Lồ cạnh đền xuất hiện tình trạng sạt lở khiến quần thể di tích bị ảnh hưởng.

“Đến đầu tháng 3/2020, sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều hạng mục nứt toác, chúng tôi đã báo cáo lên xã Nguyên Khê. Ngày 15/5, TP Hà Nội đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu di tích, đến ngày 19/5, chính quyền đã phải cho căng dây, đặt biển cảnh báo và đóng cửa khu di tích để đảm bảo an toàn” - ông Luân nói.

Ông Luân cho biết vừa qua, đoàn khảo sát của TP đã về khoan địa chất để tính toán, lên phương án xử lý sự cố sạt lở ở đền Ba Voi. Việc khắc phục sự cố sạt lở đang thực hiện và sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.

Sạt lở bờ tả sông Bùi của huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).

Trả lời về việc khắc phục sự cố sạt lở đê tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, Chương Mỹ là huyện nằm trong vùng phân lũ, thoát lũ của thành phố Hà Nội. Chương Mỹ là nơi có 3 con sông chảy qua, hiện tại đê hữu Đáy, tả Bùi có dự án tu bổ nâng cấp, đã được Thành ủy Hà Nội cho chủ trương triển khai chuẩn bị công tác đầu tư và đang trình phê duyệt để đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định của người dân. Riêng với sự cố sạt lở 2 bên bờ sông khu vực đê của xã Hòa Chính và xã Văn Võ, TP Hà Nội đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông xử lý cấp bách sự cố gây sạt lở các công trình đặc biệt các công trình liên quan đến nhà dân. Đến nay huyện đã xử lý được khoảng 50% so với kế hoạch thành phố giao.

Đó là xử lý cấp bách liên quan đến sự cố sạt lở còn giải pháp lâu dài theo ông Hùng cần củng cố nâng cấp đê hữu Bùi, tả Bùi để vùng trũng Chương Mỹ có thể “chịu” được với những trận mưa có cường độ trên 400 mm.

“Chúng tôi vẫn đang chờ thành phố phê duyệt cải tạo, nâng cấp đê là vấn đề cấp bách để khi nước dâng lên, cuộc sống dân vẫn an toàn chứ không lâm vào cảnh lụt lội đảo lộn cuộc sống của người dân”- ông Hùng nói.

Muôn kiểu bức hại đê

Trong khi không ít tuyến đê ở Hà Nội đang phải gồng mình chống chọi với biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến bất thường nắng lắm, mưa nhiều thì yếu tố nhân tai tác động đến “sức khỏe” của đê mới là điều đáng lo ngại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Luận-Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng đê đi qua khu đô thị, khu dân cư. Vi phạm phổ biến nhất là tình trạng xe quá tải trọng (nhất là xe tải trọng từ 20-30 tấn) đi trên đê; trong khi đó, phần lớn đê hiện nay dù đã được đầu tư nâng cấp cũng chỉ chịu được tải trọng tối đa 12 tấn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây hư hỏng, ảnh hưởng tới an toàn đê và phòng, chống lũ lụt.

Vấn nạn xe quá tải chạy cày nát đường và bức hại thân đê là một thực tế tồn tại nhiều năm ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Mới đây nhất, người dân xã Xuân Dương, Cao Dương (huyện Thanh Oai) và xã Viên An, Viên Nội (huyện Ứng Hòa) đã rất bức xúc vì xe ô tô quá tải chở vật liệu xây dựng trốn chốt trực của lực lượng chức năng chạy rầm rập qua đường đê tả Đáy (đường 429) gây ra nhiều hệ lụy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đường đê tả Đáy đi qua 4 xã của huyện Thanh Oai và Ứng Hòa vừa được duy tu, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đầu năm 2019 với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian đã có hàng chục vị trí mặt đường bị xuống cấp do phải “cõng” xe ô tô chở vật liệu xây dựng quá tải. Đáng nói, 8km đường đê tả Đáy này có tới hàng chục khúc cua, hai bên đường là khu dân cư và gần 10 trường học thường xuyên có học sinh qua lại nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Xe quá khổ, quá tải đang bức hại đê.

Chủ tịch UBND xã Xuân Dương Hoàng Bá Long cho biết, mặc dù UBND xã đã đề nghị Công an huyện, Đội Thanh tra Giao thông vận tải vào cuộc, tuy nhiên vẫn không hiệu quả. “Nếu các đơn vị chức năng không quyết liệt vào cuộc, chẳng mấy chốc đường đê tả Đáy vừa cải tạo xong sẽ lại bị xuống cấp và nguy cơ Nhà nước tốn kém tiền của để tiếp tục duy tu là điều dễ hiểu” - ông Long nói.

Không chỉ tình trạng xe quả tải chạy trên các tuyến đê; tình trạng vi phạm hành lang đê cũng diễn biến rất phức tạp, nhất là một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng, thậm chí san lấp tạo thành các khu tái định cư, giãn dân. Tình trạng vi phạm đê điều kéo dài lâu nay là do các địa phương xử lý thiếu kiên quyết ngay khi phát sinh dẫn đến ngày càng khó xử lý; thậm chí, có địa phương còn che giấu các sai phạm. Việc chậm xử lý, hoặc xử lý thiếu kiên quyết đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có động cơ gì sau câu chuyện đó ở các địa phương?!

Liên quan đến vấn đề bảo vệ đê, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Thách thức lớn nhất là công tác bảo đảm an toàn cho một số tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, lún, sụt, sạt trượt hiện nay. Vì vậy, Bộ NNPTNT đề nghị chủ tịch UBND các huyện thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý đê điều đã được pháp luật quy định.

Việc nâng cao ý thức của người dân và cả lãnh đạo chính quyền trong việc bảo đảm an toàn đê điều là quan trọng nhất. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm đê điều nghiêm trọng, nhằm răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn các tuyến đê, phòng, chống lũ lụt hiệu quả.Nguyên Khánh

Sạt lở thân đê nguy hiểm mùa mưa bão.

Bà Phạm Thị Minh (thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Do đường đê tả Đáy rộng 5 - 6m chỉ đảm bảo tải trọng cho xe ô tô dưới 15 tấn đi qua nhưng phải cõng xe ô tô 30 - 40 tấn thường chạy với tốc độ cao khiến người dân lo lắng. Điều đặc biệt, tuyến đường này vừa mới được Nhà nước đầu tư cải tạo được một năm nhưng đến nay một số đoạn đã bị xuống cấp do các “hung thần xe tải” gây ra”.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/noi-lo-ve-theo-mua-mua-lu-507210.html