Nỗi lo về động lực của nền kinh tế

Nguồn lực lao động qua đào tạo ví như động lực của nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ đã đề ra hàng loạt chiến lược đào tạo nghề cho người dân ở miền núi, nông thôn và thành thị. Một số trường cao đẳng nghề đang nhập giáo trình, máy móc ở nước ngoài về để đào tạo lao động chất lượng cao. Tỉnh Khánh Hòa đang 'cháy' nguồn lực lao động, nếu như không giải được bài toán lao động, nhiều công trình xây dựng hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ không tuyển được lao động làm việc.

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Gian nan đào tạo nghề nông thôn

Bài 2: Dân “sợ” Trường Trung cấp nghề

Sau một thời gian, tỉnh Khánh Hòa đổ tiền ngân sách ra “đua nhau” mở trường nghề, đến nay, gần như huyện nào cũng có trường trung cấp nghề công lập “hoành tráng”. Suốt nhiều năm, mỗi trường chỉ có số lượng ít học sinh theo học, một tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh được đầu tư 43 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích rất rộng, có hai mặt tiền Quốc lộ 1A và bờ biển vịnh Vân Phong. Bà N.T.H, nhà ở sát trường nói sự thật: “Nhà nước đổ vào Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh một đống tiền, hằng ngày chỉ có mấy học sinh tóc nhuộm đỏ chót theo học. Chúng quậy phá lắm, nhưng mấy thầy cô cũng phải chiều hết cỡ, để có người mà dạy. Chút nữa em đi ra mà xem, cái cần cẩu to tướng để học sinh thực tập, bao nhiêu năm nay tui chẳng thấy có học sinh nào tới đó”.

Thầy cô “dân vận” để học sinh vào lớp

Theo số liệu thống kê của Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh, khóa học năm 2011, trường chỉ tuyển sinh được 105 học sinh; khóa học năm 2013, tuyển sinh 98 học sinh; khóa học năm 2014, tuyển sinh 108 học sinh. Ngoài ra, trường đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vạn Ninh đào tạo một số lớp sơ cấp nghề lao động nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh, chia sẻ: “Trường đã làm mọi cách để kéo học sinh về học. Chẳng hạn, gần tổng kết năm học, các thầy cô xuống xã treo băng rôn ở trụ sở UBND các xã, các trường trung học cơ sở, gặp các thôn trưởng phối hợp để mở những “hội thảo” tại thôn, giải thích, quảng bá để phụ huynh đưa con em đến Trường Trung cấp học nghề”.

Các thầy cô Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh dẫn tôi đi tham quan trường, 3 dãy nhà 2 tầng là nơi học lý thuyết và thực hành, hàng loạt máy học cơ khí, máy may, điện cơ nằm chỏng chơ vì... ít người học, thật uổng phí. Bà Vũ Thị Kim Trinh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vạn Ninh, người đã theo dõi mảng dạy nghề trên địa bàn huyện từ ngày khởi đầu đến nay, chia sẻ: “Thấy Trường Trung cấp nghề to lớn, đủ các loại máy móc cho thực hành, thế mà ít học sinh đến học, phụ huynh cứ cho con lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh đi làm thuê, làm mướn cho mệt. Lớp học 35 em, tuyển được 20 em, tốt nghiệp 16 em. Học Trường Trung cấp nghề ra, được cấp 2 cái bằng: Tốt nghiệp Trung học phổ thông và Trung cấp nghề. Suốt quá trình học, các em không phải đóng học phí”.

Các trường Trung cấp nghề thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm, Diên Khánh... cũng chung cảnh ngộ như ở huyện Vạn Ninh. Ông Nguyễn Xuân Tạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cam Lâm nói đã triển khai nhiều cách:

- Tôi đã lập đường dây nóng để học sinh trực tiếp gọi đến Hiệu trưởng khi cần, không phải qua phòng, ban nào. Tôi cũng thường xuyên xuống khu dân cư ngồi với phụ huynh để lắng nghe những nguyện vọng, đề đạt của phụ huynh. Họ bảo nhà ở xa trường quá, đi lại khó khăn. Thế là nhà trường phải thuê xe ô tô để đưa đón các em từ nhà đến trường. “Chiều” hết cỡ luôn rồi đó.

- Vì sao học sinh không mặn mà đến học trường nghề tại huyện?

- Lâu nay, trong xã hội ít chú trọng đến học nghề. Học xong Trung học phổ thông, cả phụ huynh và học sinh cứ nhăm nhăm vào đại học công lập và dân lập. Trường đại học mở ra nhan nhản, kiểu nào cũng vào học được. Kẹt lắm thì xuống học cao đẳng, dẫn đến xã hội ta “thầy” nhiều hơn “thợ”. Khi nghe nói đến trường trung cấp nghề ở huyện, người ta không mấy thiện cảm, bởi chưa có thương hiệu, bởi công tác phân luồng học sinh ở cấp trung học cơ sở chưa tốt.

- Tôi thấy trường đã xây dựng to “hoành tráng”, đồ dùng học tập nhiều. Vấn đề còn lại là đội ngũ giáo viên phải có “tay nghề cao, chủ yếu dạy thực hành là chính?

- Bản thân các giảng viên ngoài trình độ đại học trở lên, kiến thức sư phạm thì phải đi học nghề thực tế ở doanh nghiệp và thi lấy chứng chỉ nghề quốc gia, khi đó mới đứng lớp được.

Thầy Hiệu trưởng “đi tiếp thị”

Trường Trung cấp nghề Cam Lâm nằm sát với Khu du lịch Bãi Dài, đang xây dựng gần 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, kế bên sân bay quốc tế Cam Ranh, thu hút hàng nghìn lao động đủ các lĩnh vực. Khách sạn không tuyển được lao động qua đào tạo, trường nghề thì không có người học. Một mâu thuẫn rất đơn giản, nhưng thiệt hại về kinh tế không nhỏ.

- Lẽ nào các trường bó tay với một thị trường sử dụng lao động khổng lồ đang nằm trong “sân nhà” - Tôi hỏi thầy Tạo.

- Khi mới về nhận chức Hiệu trưởng, việc đầu tiên là tôi đến các khách sạn hỏi họ nhu cầu sử dụng lao động như thế nào? Ai cũng kêu thiếu nghiêm trọng. Tôi nói với họ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường cùng đào tạo, khách sạn nào cũng đồng ý ngay.

Công nhân da giày của Công ty An Phú làm việc trong nhà xưởng của Trường Trung cấp nghề Cam Lâm, Khánh Hòa do công ty thuê. Ảnh: Hải Luận

Việc đầu tiên của ông Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cam Lâm là cho các giảng viên đi tham quan các khách sạn hạng 5 sao, một số người lần đầu tiên bước chân vào khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, về nhà bắt đầu trầm trồ khen ngợi. Sau đó, đến lượt học viên đi tham quan khách sạn. “Mấy anh ở doanh nghiệp hứa sẽ cử người đến trường giảng dạy giúp trường khâu thực hành, cho học viên xuống khách sạn thực tập, họ cho cơm ăn và có chút tiền công nữa. Ra trường, họ tuyển vào làm việc luôn. Trong khách sạn họ sử dụng nhiều ngành: Điện công nghiệp, điện lạnh, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng, quản lý lữ hành... Tập trung đào tạo chừng đấy thôi cũng quá trời học viên học” - Thầy Tạo hào hứng chia sẻ.

Theo thầy Tạo, để tạo ra một thương hiệu tốt trong cộng đồng dân cư, nhà trường phải thay đổi căn bản từ nội dung giảng dạy, cảnh quan môi trường, tác phong và ứng xử của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Khi bản thân anh tốt, thì mọi người sẽ tự lan tỏa, giới thiệu rộng ra công chúng.

Thành phố Nha Trang và huyện Cam Lâm có hàng trăm khách sạn đã và đang xây dựng. Riêng hệ thống khách sạn Vinpearl Nha Trang và Cam Lâm sử dụng hàng nghìn lao động qua đào tạo nghề. Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã phải thốt lên: “Ở Khánh Hòa, xây dựng xong một khách sạn 3-5 sao rất dễ, nhưng tuyển đủ lao động làm ở trong khách sạn là một điều vô cùng khó khăn”. Lâu nay, trường trung cấp nghề các huyện không để ý tới hay lãng quên mảng đào tạo nghề cho ngành du lịch. Cứ mải mê và loay hoay gò hàn, may mặc. Đào tạo theo nhu cầu thị trường là điều cốt yếu nhất.

Bài 3: Dạy theo “đặt hàng” của Chính phủ

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-lo-ve-dong-luc-cua-nen-kinh-te-gsn/