Nỗi lo từ những đoạn đê xung yếu
Nhiều năm gần đây, khu vực các xã: Thạch Định, Thành Kim và thị trấn Kim Tân của huyện miền núi Thạch Thành đều trở thành 'rốn lũ' khi nước sông Bưởi dâng cao.
Những vết sạt dài hàng trăm mét ăn sâu vào đất nông ngh iệp xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa).
Trong đợt lũ lớn hồi tháng 10-2017, đoạn đê tả sông Bưởi từ K0+850 đến K0+900 thuộc địa bàn xã Thành Kim bị thẩm lậu nước trong mái và chân đê phía đồng. Đáng nói, trên mái và thân đê xuất hiện nhiều lỗ rò rỉ có đường kính từ 2 đến 10 cm, đe dọa sự an nguy của hàng chục nghìn hộ dân nếu đê vỡ. Sau đợt lũ, mực nước sông Bưởi xuống thấp, không còn tình trạng thẩm lậu, rò rỉ nói trên. Mùa mưa lũ năm ngoái, khi nước sông dâng cao, tình trạng rò rỉ, nước thẩm lậu qua thân đê lại tái diễn. Một thực tế trong phòng chống thiên tai là, khi một tuyến đê đã bị nước ngấm hay rò rỉ qua, rất dễ gây sạt hoặc vỡ đê nếu xảy ra lũ lụt lớn. Mối nguy ấy càng lo ngại hơn khi mùa mưa lũ nữa sắp đến.
Tại huyện Nga Sơn, dòng sông Hoạt uốn lượn qua địa bàn, có vai trò lớn trong việc tiêu thoát lũ. Tuy nhiên, khoảng 15 km đê tả phần cuối của dòng sông này vẫn là đê đất, thấp, nhỏ và yếu. Quan sát thực tế, nhiều đoạn đê sông cấp IV này chẳng khác những... bờ mương. Đoạn qua các xã Nga Thắng, Ba Đình, Nga Trường, Nga Vịnh và Nga Thiện mặt đê chưa được cứng hóa, nhiều đoạn đê chưa có kè bảo vệ. Tương tự, đê tả sông Càn qua các xã Nga Phú và Nga Thái chưa đủ cao trình thiết kế. Đoạn đê tả sông Càn qua xã Nga Điền chưa được làm kè, có thể sạt trượt bất cứ lúc nào. Các mùa mưa bão gần đây, huyện Nga Sơn đều phải xây dựng các phương án phòng chống thiên tai riêng cho các đoạn đê xung yếu nói trên, trong đó có cả phương án di dân. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các ngành liên quan cấp tỉnh, song hiện tại chưa có vốn để kiên cố nhiều đoạn đê sông này.
Trên toàn tuyến sông Chu qua huyện Thiệu Hóa, tại nhiều xã bị sạt lở bãi bồi, nhiều vết sạt ăn sâu vào các vùng sản xuất nông nghiệp, tiến sát chân đê, nhất là tại xã Thiệu Nguyên và Thiệu Đô. Trên nhiều diện tích đất canh tác của bà con nông dân xã Thiệu Đô, từng vết sạt thành vách cao 3 – 5m dựng đứng và vẫn có hiện tượng sạt. Nhiều ruộng ngô, ruộng dâu và hoa màu của nhân dân xã Thiệu Nguyên đang mất dần. Nếu mùa mưa lũ, nước dâng cao, dòng chảy xiết thì khả năng sạt lở càng lớn hơn.
Nhiều người dân ở xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn cũng không khỏi lo lắng bởi đoạn đê tả sông Nhơm từ K11 đến K11+600 qua địa bàn quá thấp nhỏ, “yếu ớt” trước thiên tai. Hiện, bề rộng mặt đê có đoạn chỉ hơn 1,2m, chỗ rộng nhất đoạn này cũng khoảng chừng 5m. Tuy nhiên, đây là đoạn sông cong, dòng chủ lưu chủ yếu chảy sát bờ. Mái đê phía sông từng bị sạt lở nghiêm trọng, phía đồng lại có nhiều ao sâu sát chân đê nên đoạn đê thiếu sự vững chãi cần thiết. Được biết, trong đợt mưa lũ hồi tháng 10-2017, chính đoạn đê này đã bị tràn cục bộ và sủi nước qua thân đê đoạn sát một ao cá ở phía đồng. Do đặc thù dòng sông Nhơm khá nhỏ, mỗi đợt lũ về thì mực nước dâng rất cao, thậm chí cao hơn cả những công trình của nhiều hộ dân sống sát đê nên đoạn đê yếu và nhỏ này tiềm ẩn khả năng nguy hiểm cao. Tương tự, trên địa bàn huyện Nông Cống, còn rất nhiều đoạn đê yếu và thấp, chưa đủ cao trình phòng chống lũ. Đê hữu sông Hoàng đoạn từ K0+600 đến K2+600 thuộc xã Tế Nông có đỉnh đê thấp hơn cả mực nước thiết kế chống lũ (từ 0,77 đến 0,79m). Tháng 10-2017, tại vị trí K1+700 đã từng xảy ra vỡ đê, tuy nhiên hiện trạng toàn đoạn đê này đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.
Qua kiểm tra sơ bộ từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, ngoài các ví dụ trên, còn hàng chục điểm/đoạn đê xung yếu trên địa bàn tỉnh, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2019. Trong nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này, các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã và đang tiến hành kiểm tra các công trình đê điều, làm việc với các địa phương, yêu cầu có phương án bảo đảm an toàn riêng cho từng vị trí đê xung yếu.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/noi-lo-tu-nhung-doan-de-xung-yeu/103492.htm