Nỗi lo từ bữa cỗ đông người

Dịp cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều bữa cỗ cưới, khao họ, khao thọ, liên hoan, tân gia... ở nông thôn. Tuy nhiên, nỗi lo từ bữa cỗ đông người luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người

“Cỗ tự làm” là thực trạng chung diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn.

Tiềm ẩn nguy cơ

Gia đình ông N.V.H ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đang tất bật chuẩn bị lễ cưới cho con gái. Để phục vụ cho ngày trọng đại, gia đình đã chuẩn bị 2 con lợn, 80 con gà, vài chục kilôgam thịt bò, tôm, rau, củ, quả... để chế biến hơn 100 mâm cỗ. Theo ông N.V.H, trước và sau tiệc chính, gia đình ông sẽ làm khoảng 30 mâm cỗ, mời người thân trong gia đình, họ hàng làm giúp “bắc rạp” và ăn “lại mặt”. “Ở quê, tất cả cỗ bàn đều do người trong họ tới làm giúp ngay tại nhà” - ông N.V.H cho biết.

"Cỗ tự làm" là thực trạng chung diễn ra phổ biến ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Mùa cưới thường diễn ra vào các tháng cuối năm. Chẳng hạn, vào những ngày tốt, trên địa bàn xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) có từ 5 đến 7 đám cưới. Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Nguyễn Hữu Hoa, việc làm cỗ tại nhà trong điều kiện vệ sinh môi trường hiện nay là chưa bảo đảm. Nơi làm cỗ đều tận dụng không gian ngõ đi, sân, vườn của gia đình; thực phẩm dùng trong các đám cưới do gia đình tự sản xuất hoặc mua ở chợ nên khó kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, có tới 96,5% bữa cỗ tập trung đông người do gia đình tự làm, nên việc bố trí khu vực nấu, chia thức ăn, bảo quản thực phẩm của một số gia đình chưa phù hợp. Nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa kiểm soát được, điều kiện bảo quản thực phẩm chủ yếu ở nhiệt độ thường và phần lớn người chế biến thực phẩm đều do anh em họ hàng, làng xóm tham gia nên kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ bữa cỗ còn hạn chế. Trong khi đó, tại các bữa cỗ tập trung, ít gia đình lưu mẫu thức ăn do thiếu trang thiết bị bảo quản và nhận thức hạn chế... Theo thống kê từ năm 2007 đến 2017, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm, với tổng số 930 người mắc; trong đó có 13 vụ ngộ độc tại bữa cỗ đông người.

Để bữa cỗ văn minh hơn

Thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ đông người còn hạn chế. Hiện mới dừng ở việc tuyên truyền, ký cam kết giữa gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người với chính quyền địa phương; việc kiểm soát, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực hiện thường xuyên.

Việc làm cỗ tại nhà rất khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Hữu Hoa thừa nhận: Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ đông người đối với chính quyền địa phương là rất khó. Hầu hết cán bộ làm nhiệm vụ này đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thời điểm, trên địa bàn xã có hàng chục bữa cỗ đông người, nếu cử cán bộ đi giám sát thì không đủ lực lượng. Trong khi đó, cán bộ đi kiểm tra cũng chỉ bằng cảm quan, thiếu thiết bị hỗ trợ để đánh giá chất lượng thực phẩm...

Nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm tại các bữa cỗ đông người, nhiều địa phương đã chú trọng giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi làm cỗ, vận động người dân ký cam kết an toàn thực phẩm... Đơn cử, huyện Thanh Oai đã tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở tư vấn cho các gia đình tổ chức bữa cỗ đông người tuân thủ việc bố trí bếp trong điều kiện “dã chiến” - nấu ngoài trời, đun nấu ở vị trí tạm. Trước ngày tổ chức bữa cỗ, các gia đình phun hóa chất diệt ruồi, muỗi...

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương, nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm đã nâng lên. Nhưng với điều kiện làm cỗ ở nông thôn như hiện nay, các gia đình cần lưu ý nơi chế biến cỗ phải được phân khu rõ ràng: Nơi sơ chế, chế biến thực phẩm và nơi chia thức ăn chín. Thực phẩm chưa chế biến và thực phẩm đã chế biến phải để riêng biệt. Nơi làm cỗ phải bảo đảm điều kiện về diện tích, không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Thức ăn và thực phẩm chế biến xong phải được bảo quản trong phòng kín...

Bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, năm 2018, Sở Y tế Hà Nội thành lập 80 tổ làm nhiệm vụ giám sát, tư vấn cho 5.167 bữa cỗ đông người. Thông qua việc rà soát, thu nhận thông tin các hộ gia đình có tổ chức bữa cỗ tập trung đông người qua các kênh trưởng thôn, người đăng ký kết hôn tại UBND xã... các cán bộ sẽ tuyên truyền, tư vấn, giám sát về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại nơi làm cỗ, lưu mẫu thức ăn, vận động các hộ ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tuyên truyền, giám sát là chưa đủ, để bữa cỗ đông người ở nông thôn trở nên văn minh hơn, an toàn hơn, bản thân mỗi gia đình, mỗi người dân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc siết chặt quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, như vậy mới bảo đảm được sức khỏe chung của cả cộng đồng...

Nỗi lo từ bữa cỗ đông người

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/915493/noi-lo-tu-bua-co-dong-nguoi