Nỗi lo 'thủy thần nuốt mạng' trẻ em khi hè về

Chỉ 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Gia Lai đã có 27 học sinh bị đuối nước dẫn đến tử vong. Hè đến, từ ao hồ giữ nước, kênh mương thủy lợi cho đến sông suối, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ đuối nước ở trẻ em.

Bên cạnh những ao hồ, sông suối tự nhiên ở Gia Lai người dân còn đào thêm nhiều ao, hồ nhỏ giữ nước để chống hạn cho các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều...

Được biết, thời tiết ở khu vực Tây Nguyên vốn đã nắng gắt, cứ mỗi dịp hè về thời tiết lại càng oi bức và nắng nóng hơn nên các em thường rủ nhau đi tắm sông, suối, ao, hồ... Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước tập thể.

Những buổi trưa nắng nóng, nhiều em học sinh đã tới các con sông, suối tắm

Không khí tang thương vừa mới bao trùm xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vào ngày 10.3 khi 3 học sinh lớp 9 vừa mới tử vong do rủ nhau ra sông Ba (huyện Krông Pa) tắm. Không lâu sau đó (ngày 23.5), tại hồ nước tưới thuộc làng Plei DjRiêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) lại xảy ra vụ đuối nước khiến hai em học sinh lớp 7 tử vong.

Cụ thể, hai nam học sinh xấu số là em Đỗ Xuân H và Nguyễn Công V (cùng học lớp 7A3, Trường THCS Nguyễn Trãi thị trấn Nhơn Hòa). Vào khoảng 14h40 ngày 23.5, 5 học sinh gồm em Nguyễn Trường H, Lê Viết N, Trương Thành C, Đỗ Xuân H và Nguyễn Công V đi theo cửa phụ của trường ra hồ tưới nước cây trồng (cách trường khoảng 400m) để đi bắt cá. 2 học sinh gặp nạn, may mắn hơn 3 em là Nguyễn Trường H, Lê Viết N, Trương Thành C thoát chết vì chỉ xuống nơi nước nông.

Vụ đuối nước thương tâm ở huyện Chư Pưh khiến 2 em học sinh tử vong vào ngày 23.5

Cũng trong tháng 5, trên địa bà xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 4 em học sinh tử vong và 2 em bị thương. Theo xác nhận của lãnh đạo UBND xã Đắk Buk So, vào khoảng 13h cả nhóm có 5 em học sinh lớp 9 và 1 em học sinh lớp 8 của Trường THCS Đắk Buk So, xã Đắk Buk So rủ nhau xuống hồ nước tại thôn 1 để chơi.

Lúc này một em bị trượt chân, ngã xuống hồ và các em còn lại chạy vội lại kéo bạn lên, không may cả nhóm đã ngã xuống hồ. Đến khoảng 15h, 6 em cùng được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện huyện Tuy Đức nhưng không may có 4 em đã tử vong.

Vào kỳ nghỉ hè, các em học sinh thường ra những con suối, mương nhỏ để tắm

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã có 54 trường hợp bị đuối nước khiến 66 trường hợp tử vong. Đặc biệt, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có 17 trường hợp tử vong do đuối nước. Đây là một con số đáng báo động, khi thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài và con số sẽ tiếp tục tăng nhất là vào dịp hè khi các em học sinh được nghỉ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ em bị tử vong do đuối nước là nhiều ao hồ, sông suối, hố đào, công trình thủy lợi...không có biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn, thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình với trẻ em. Đa số trẻ em không biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Nhiều bể bơi đã được xây dựng để giảm thiểu tình trạng đuối nước

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Hải – Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, để tránh được những tai nạn thương tâm về đuối nước cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh các em học sinh.

Hiện UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cho các huyện thị phải có các biển cảnh báo, rào chắn ở tất cả các ao, hồ, sông, suối... Đối với trường học cần tăng cường phương pháp giáo dục kỹ năng bơi lội, xử lý các tình huống khi không may bị rơi xuống nước ở những buổi chào cơ, sinh hoạt đầu tuần....

Nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em nhất là những kì nghỉ hè, ở các huyện thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng các bể bơi để dạy bơi cho các em học sinh. Được biết, tổng số bể bơi trên địa bàn tỉnh hiện tại là 42 bể, trong đó có 2 bể ở huyện Chư Pưh đang xây dựng.

Trần Hiền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/noi-lo-thuy-than-nuot-mang-tre-em-khi-he-ve-879491.html