Nỗi lo thực phẩm bẩn vào trường học

Mọi nghi vấn sau vụ việc hàng trăm trẻ nhiễm sán tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đều đang đổ dồn về nguồn thực phẩm đưa vào trường học không bảo đảm chất lượng. Dường như việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học đang là vấn đề 'cha chung không ai khóc'.

Nỗi lo thực phẩm bẩn vào trường học

THANH HUYỀN

Thứ Hai, 25-03-2019, 06:33

+ | Print

Mọi nghi vấn sau vụ việc hàng trăm trẻ nhiễm sán tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đều đang đổ dồn về nguồn thực phẩm đưa vào trường học không bảo đảm chất lượng. Dường như việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học đang là vấn đề “cha chung không ai khóc”.

Theo Luật ATTP, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải bảo đảm đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất...

Ngành giáo dục cũng thường xuyên nhắc nhở các trường về vấn đề bảo đảm ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Quy định là vậy, thế nhưng do lợi nhuận của bên cung cấp cùng với sự lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình tiếp tay của một số nhà trường, thực phẩm bẩn vẫn “chui” qua được lỗ hổng quản lý và vào dạ dày học sinh.

Sự việc xảy ra tại Trường mầm non Thanh Khương và rất có thể 20 trường mầm non, tiểu học khác trên địa bàn huyện Thuận Thành đã bị “tuồn” thịt gà thối, thịt lợn nhiễm sán vào bếp ăn từ bao giờ không ai hay. Nếu không phải ngày 5-3 vừa qua, phụ huynh đến trường và phát hiện ra sự việc thì chắc chắn con em họ sẽ vẫn tiếp tục phải ăn thực phẩm kém chất lượng hằng ngày.

Tại Hà Nội, vấn đề bảo đảm ATTP bếp ăn trường học luôn được quan tâm nhưng trong năm 2018 cũng đã xảy ra vụ việc ngộ độc tập thể tại Trường mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ bị ảnh hưởng.

Ở hầu hết các trường học hiện nay, mặc dù phụ huynh đóng toàn bộ chi phí (kể cả phí phục vụ bữa ăn bán trú) cho con mình nhưng hầu như họ không có quyền quyết định việc lựa chọn hay giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học. Rất nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng thì phụ huynh mới biết đến đơn vị cung cấp thực phẩm, thậm chí nhiều đơn vị bị phát hiện chưa được cấp chứng nhận an toàn, có đơn vị không trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm mà nhập hàng trôi nổi từ chợ đầu mối rồi dán mác thực phẩm an toàn… để cung cấp cho trường học kiếm lời.

Chị Nguyễn Thu Hoa có con đang theo học mầm non trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Trường công lập thiếu, gia đình tôi cố gắng lắm mới chen chân cho con vào học. Vậy nên tôi không thể đứng ra đòi hỏi đi kiểm tra đột xuất nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà trường. Nếu con tôi bị trù úm, không được theo học thì sao?”.

Ngay cả những đơn vị cung cấp thực phẩm vào các trường học đều đã được thẩm định hồ sơ năng lực, tuy nhiên, nhiều nhà trường vẫn luôn trăn trở khi phải tự kiểm định thực phẩm đầu vào hằng ngày bằng mắt thường. Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bày tỏ, tại trường, mặc dù khâu giao nhận thực phẩm đều có sự giám sát của ba bên là nhà trường, phụ huynh và doanh nghiệp, tuy nhiên việc giám sát vẫn chỉ là quan sát bằng cảm quan.

“Với mặt hàng rau, thịt chúng tôi cũng chỉ biết nhận thực phẩm theo đúng hồ sơ của doanh nghiệp, có nhãn mác, không dập nát, đổi mầu nhưng như vậy không thể biết được thực phẩm đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay kháng sinh không”, vị hiệu trưởng cho hay.

Thậm chí, theo nguồn tin từ một doanh nghiệp (DN) lớn chuyên cung cấp thịt lợn cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội, nhiều DN chỉ lo “làm đẹp” hồ sơ, còn thực phẩm thì không cung cấp đúng như cam kết ban đầu. Thậm chí, nhiều cơ sở sẵn sàng chi mạnh tay “hoa hồng” cho đối tác để lấy được hợp đồng cung cấp, song với giá trong hợp đồng khó có thể bảo đảm chất lượng nguồn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả ba bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay từ khâu lựa chọn DN cung cấp thực phẩm, nhà trường buộc phải chọn DN khi đã có thẩm định của cơ quan chức năng và thông báo đến phụ huynh. Khâu giao nhận thực phẩm hằng ngày cần có sự kiểm tra giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, nhà trường có thể hậu kiểm, truy xuất đến cùng nguồn thực phẩm đưa vào trường. Về phía phụ huynh, thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có những buổi kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, kịp thời phản ánh tới Ban giám hiệu những bất cập.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-vande/item/39609402-noi-lo-thuc-pham-ban-vao-truong-hoc.html