Nỗi lo thiếu lao động

Việc tiến tới bình thường hóa với dịch Covid-19, tạo điều kiện cho F0, F1 làm việc sẽ gỡ 'nút thắt' trong thiếu hụt lao động mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA), đến nay, gần 100% nhà máy, doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều nhưng đang thiếu hụt lao động. Tình trạng thiếu hụt xuất phát từ việc cạnh tranh trong thu hút lao động của các doanh nghiệp. Không chỉ lao động có tay nghề, kỹ năng, lao động phổ thông cũng bị cạnh tranh, thu hút lớn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nhựa An Phú Việt - cho biết, công ty phải thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Tuy nhiên, đơn hàng ùn ứ, trong khi không thể hoãn trả hàng và vẫn phải đảm bảo sản lượng, do vậy, 20% đơn hàng phải chuyển sang các công ty cùng hệ thống.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam cũng vừa trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn khi từ đầu tháng 2, công ty liên tục có số người nhiễm Covid-19, chiếm 20 - 25% tổng lao động, có thời điểm tỷ lệ nghỉ F0 lên đến 70%. Trước tình hình thiếu quá nhiều lao động cho sản xuất, công ty đã kêu gọi, khuyến khích F0 bị nhẹ, ít biểu hiện, sớm quay lại đồng hành cùng doanh nghiệp...

Theo bà Phạm Thị Hương - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam, để ứng phó, công ty tìm biện pháp kết hợp, có được quy trình làm việc ổn định nhất; thúc đẩy nhân sự tăng sản lượng; phải ứng biến, đa nhiệm, bổ trợ lẫn nhau giữa các bộ phận, có đối sách ứng phó tạm thời cũng như trung và dài hạn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân sự, công ty chấp nhận đào tạo nhân sự lại từ đầu; trong đó, chú trọng đào tạo kỹ năng, nâng cao hiệu suất, linh hoạt vị trí công việc trong dây chuyền sản xuất, phát triển đội ngũ kế cận. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tập trung đổi mới công nghệ, tự động hóa, cải tiến hiệu suất.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung - cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm; triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-lo-thieu-lao-dong-174231-174231.html