Nỗi lo thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Không kể ra nhưng chắc ai cũng biết nỗi vất vả của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật (TKT). Không bảng đen, không phấn trắng, công việc của giáo viên dạy TKT là sự nhẫn nại, tình yêu thương đối với con trẻ và những nỗi niềm 'đặc biệt'.

Hơn cả tình yêu thương

Từ một Tổ bộ môn Giáo dục đặc biệt (GDĐB) thuộc Khoa Tâm lý giáo dục, 17 năm qua, Khoa GDĐB (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trở thành “chiếc nôi” đào tạo và bồi dưỡng những giáo viên đặc biệt. Gọi là những “giáo viên đặc biệt” bởi đối tượng học sinh mà sinh viên Khoa GDĐB giảng dạy sau khi ra trường là những trẻ bị khuyết tật cần được can thiệp. Vì vậy, mỗi sinh viên quyết định đến với nghề đều xuất phát từ tình yêu dành cho những em nhỏ có số phận thiệt thòi.

Nguyễn Thị Hoa Xuân, sinh viên K67, Khoa GDĐB, tâm sự, em gái của Xuân không may mắn như bao đứa trẻ khác vì khi sinh ra, em đã bị khiếm thị. Từ nhỏ, Xuân phải giúp đỡ bố mẹ chăm sóc em. Chính vì tình yêu thương em gái đã thôi thúc Xuân quyết tâm thi đỗ vào Khoa GDĐB. Sau hai năm chính thức là sinh viên của khoa, Xuân thấy sự lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn. Kiến thức học được trên giảng đường được Xuân vận dụng vào việc chăm sóc em gái. Đến nay, em gái của Xuân đã có thể tự phục vụ bản thân.

Sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thi thiết kế đồ dùng dạy học tại Hội thi nghiệp vụ sư phạm.

Một trong những yếu tố phải có ở giáo viên dạy TKT là tình yêu với con trẻ, bởi vậy mà Đỗ Thị An, sinh viên K65 đến với Khoa GDĐB như một “cái duyên”. Các chị của An cũng là giáo viên dạy TKT nên An thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với những đứa trẻ thiệt thòi. Tình thương dành cho các em nhỏ khuyết tật cứ thế lớn dần và ngay từ những ngày học phổ thông, An đã nuôi hy vọng theo học Khoa GDĐB. Chuyên ngành An đang theo học là Giáo dục TKT trí tuệ và trẻ tự kỷ. An kể về kỷ niệm lần đầu đi thực tập tại một lớp dạy trẻ tự kỷ: Một em nhỏ bị tăng động, giảm tập trung, liên tục có hành vi la hét, trèo lên bàn, lên cửa sổ và giành đồ chơi của các bạn cùng lớp. Thấy vậy, An liền chạy tới ôm em bé, nhưng bất ngờ An bị em cắn vào tay. Lúc đó, An vô cùng sợ hãi, nhưng nhìn em bé, An lại thương rớt nước mắt.

GDĐB là một ngành học đặc thù, vì vậy theo TS Hoàng Thị Nho, Phó trưởng khoa GDĐB, mỗi sinh viên của khoa đến với ngành này đều có một lý do riêng. Với số lượng sinh viên đào tạo mỗi khóa dưới 40 sinh viên, 17 năm qua, Khoa GDĐB hoạt động với nhiệm vụ là “chiếc nôi” đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên, nhân viên về GDĐB cho các chuyên ngành học, cấp học, bậc học ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Khoa gồm 26 người, trong đó có 23 giảng viên, chia theo 4 tổ bộ môn, gồm: Tổ Giáo dục TKT trí tuệ và trẻ tự kỷ; Tổ Giáo dục trẻ khiếm thị và TKT học tập; Tổ Giáo dục trẻ khiếm thính và TKT ngôn ngữ, Tổ Thực hành GDĐB. Ở Khoa GDĐB, sinh viên không chỉ học cách dạy, nắm bắt tâm lý của trẻ bình thường mà các em còn phải tiếp cận các phương pháp dạy học đặc thù cho từng loại tật.

Cung không đủ đáp ứng cầu

Trên thực tế, số lượng TKT ngày càng gia tăng với đa dạng loại tật, đặc biệt là số trẻ có biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ thì nguồn đào tạo giáo viên dạy TKT lại rất ít. PGS, TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GDĐB (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay cả nước chỉ có hai trường đại học (Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) và 3 trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương (Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh) đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh Khoa GDĐB của các trường trên năm nào cũng thuộc diện thấp nhất, dao động từ 30 đến 50 sinh viên.

Cung không đủ cầu nên các cử nhân GDĐB luôn có việc làm ngay sau khi rời ghế nhà trường. Theo PGS, TS Phạm Minh Mục, cả nước hiện có 105 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho TKT, 14 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Các cơ sở giáo dục này luôn rộng cửa cho các cô giáo dạy TKT. Song, chỉ có các sinh viên theo bậc mầm non dễ dàng được tiếp nhận vào các trường mầm non công lập, còn số sinh viên bậc tiểu học và THCS có việc làm tại các trung tâm, cơ sở giáo dục công lập rất hạn chế vì chương trình đào tạo đại học giống đào tạo chuyên gia mà không phân cụ thể theo từng cấp học.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy TKT, đã đến lúc ngành giáo dục phải thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển dụng; bồi dưỡng chuyên sâu GDĐB cho đội ngũ giáo viên, bởi hiện nay trong các trường mầm non, trường phổ thông đều có TKT, rối loạn phát triển… Trò chuyện với chúng tôi, TS Hoàng Thị Nho không giấu nỗi trăn trở về vấn đề này. Cô tâm sự: “Món quà ý nghĩa nhất với những “giáo viên đặc biệt” là được quan tâm nhiều hơn để các em yên tâm bám trụ với nghề”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/noi-lo-thieu-giao-vien-day-tre-khuyet-tat-557640