Nỗi lo tăng trưởng tín dụng khó cán đích

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những gì đã đạt được đến nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay vẫn là một nỗi lo.

Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013- 2019

Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013- 2019

Tạm ứng trước room tín dụng cuối năm

Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,33% so với cuối năm 2018. Đó quả là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.

Bởi việc tín dụng thường xuyên tăng thấp hơn cùng kỳ trong những tháng đầu năm không khỏi khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng 14% mà NHNN đề ra cho năm nay, cho dù mức tăng nay là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tín dụng tăng thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi mà hiện tăng trưởng vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tăng vốn.

Thế nhưng, nếu chiểu theo con số tăng trưởng tín dụng mà các cơ quan chức năng công bố mới đây, thì tín dụng đang bứt tốc rất nhanh. Còn nhớ tại Hội nghị thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm diễn ra hôm 13/6, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc NHNN Việt Nam cho biết, tính đến ngày 10/6 tín dụng mới tăng 5,75%.

Vậy mà chỉ 8 ngày sau, tức ngày 18/6, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tín dụng đã tăng thêm 0,47 điểm phần trăm lên 6,22%; và chỉ hơn chục ngày sau, tín dụng đã tăng thêm 1,11 điểm phần trăm lên 7,33%. Nếu tốc độ này được duy trì, tín dụng cả năm chắc chắn sẽ vượt xa con số 14% nếu như NHNN không có các biện pháp để “hãm phanh”.

Tuy nhiên, nhìn lại số liệu tăng trưởng tín dụng 6 tháng năm 2018 của NHNN Việt Nam lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Cụ thể tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 tăng tới 7,88%, cho dù cơn số này vẫn thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ của 2016 và 2017, lần lượt là 8,21% và 9,06%; song lại cao hơn tới 0,8 điểm phần trăm so với tốc độ tăng tín dụng của 6 tháng năm nay. Thế nhưng, tín dụng cả năm 2018 vẫn chỉ tăng có 13,99% nên người ta không khỏi lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.

Hơn thế, theo báo cáo sơ bộ của một số ngân hàng thì không ít trong số này đã xài tới 60-70% mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2019, cho dù mục tiêu mà các nhà băng đưa ra cao hơn nhiều hạn mức mà NHNN phân giao. Điều đó có nghĩa, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung có được phần nào cũng nhờ việc một số không nhỏ các ngân hàng đã “tạm ứng” trước tín dụng của những tháng cuối năm.

Chưa hết với diễn biến hiện nay, bức tranh tín dụng năm nay đang có nguy cơ lặp lại năm trước, tức là sẽ có không ít ngân hàng phải “ngồi chơi xơi nước” trong những tháng cuối năm nếu không được NHNN nới room tín dụng.

Có đạt mục tiêu cả năm?

Theo dự báo của MBS, tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại trong năm nay bởi lãi suất có xu hướng neo ở mức cao, cộng thêm các chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của Chính phủ và NHNN.

Đơn cử gần nhất, tại Dự thảo sửa đổi Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đề xuất 2 lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30%. Theo MBS, tín dụng với các ngân hàng mà ngân hàng này theo dõi cũng được dự phóng ở mức thấp hơn 12,5% (so với 13% của năm 2018).

Tuy nhiên theo MBS, việc giảm tốc tín dụng là cần thiết nhằm cân đối tăng trưởng dài hạn do tỷ lệ tín dụng trên GDP đạt xấp xỉ 130% trong 2018. Bên cạnh đó, mặc dù chênh lệch tín dụng trong năm 2018 vẫn ở mức an toàn, nhưng việc giảm tốc là cần thiết để kiểm soát chất lượng tài sản.

Trên thực tế, hiện tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cũng đang bị phân hóa rất mạnh và có thể phân thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm các ngân hàng đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel 2 đang tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh hoạt động. Đơn cử như TPBank, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng thêm 11,1 nghìn tỷ đồng lên 95,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng tới 13,17%) trong 6 tháng đầu năm 2019. Có nghĩa, nhà băng này đã xài tới gần 70% mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2019 là 20%. Hay như Vietcombank, theo một nguồn tin thì tín dụng của nhà băng này cũng tăng trên 9% trong 6 tháng đầu năm, tức đã “ăn” hết 60% hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% của cả năm.

Nhóm thứ hai là các nhà băng có nền tảng tài chính tốt, nhưng vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn Basel 2. Theo đó, nhóm này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12 – 13% trong năm nay.

Nhóm thứ 3 là các ngân hàng có hệ số an toàn vốn đang ở sát ngưỡng an toàn hoặc đang nằm trong diện tái cơ cấu. Theo đó, các ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn, khoảng 6-7% trong năm nay. Trên thực tế, không ít nhà băng trong nhóm này đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm trong quý đầu năm nay như VietinBank, Eximbank và dự báo tình hình khó có thể cải thiện trong quý 2.

Có lẽ phải chờ khi các nhà băng công bố báo cáo tài chính quý 2 để xem thực hư thế nào. Tuy nhiên với những gì đã có đến nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay vẫn là một nỗi lo.

Hà Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/noi-lo-tang-truong-tin-dung-2019-153389.html