Nỗi lo suy kiệt nguồn lợi thủy sản

Dân gian có câu: 'Yêu anh, em cũng muốn vô; sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang'. Bây giờ, người ta sợ phá Tam Giang không phải là phá to, sóng lớn mà là sợ nguồn lợi thủy sản trong đầm phá này trong một tương lai gần sẽ cạn kiệt.

Những con số đáng lo ngại...

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích gần 21.600ha, gồm 1 phá và 4 đầm. Hệ đầm phá này được đánh giá không chỉ rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mà còn là nơi có các loài động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Nơi đây đang lưu giữ một nguồn gene gồm hơn 600 loài, trong đó, 43 loài có thể khai thác dùng cho công nghiệp, sản xuất phân bón; 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loại thân mềm khác. Đặc biệt, trong đầm phá này có đến 223 loài cá, với 20 - 25 loài có giá trị kinh tế cao như: Cá hanh, sạo chấm, dìa, dầy, mòi chấm... Ngoài ra, còn có hơn 300 loài thực vật phù du, thực vật nhỏ bùn đáy, thực vật bậc cao, động vật phù du, động vật đáy...

Phun chất tẩy không rõ nguồn gốc để làm sạch cheo, lừ.

Phun chất tẩy không rõ nguồn gốc để làm sạch cheo, lừ.

Thời gian gần đây, việc phát triển công cụ đánh bắt, phương tiện đánh bắt tự phát ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai quá nhanh, trong khi mức sản xuất tự nhiên của đầm phá lại có hạn, dẫn đến hiện tượng suy giảm trữ lượng. Thêm vào đó là sự thiếu hiểu biết, hoặc do đời sống khó khăn của một bộ phận cư dân sống trong vùng, nên họ đã sử dụng các phương tiện, hình thức đánh bắt không hợp lý, gây hủy hoại môi trường và các thảm thực vật, vốn là nơi cư trú của các loài thủy sản. Sự phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt cũng là nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Nếu năm 2000, diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng chỉ có khoảng 2.000ha, thì đến nay tăng lên 5.000ha. Điều này làm cho nguồn nước nghèo chất dinh dưỡng và độ mặn, nhạt cũng bị thay đổi đột ngột. Chính vì vậy, sản lượng khai thác vùng đầm phá Tam Giang trước đây có đến 4.500 tấn/năm (theo địa phương chí tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1966, sản lượng khai thác là 4.045 tấn, năm 1973 là 4.516 tấn), thì đến nay ước chừng còn khoảng trên dưới 2.500 tấn/năm. Đặc biệt, qua các chuyến khảo sát của các nhà khoa học, hiện trên phá Tam Giang, một số loài cá và tôm, cua đặc thù và cho giá trị kinh tế cao như cá que hương, cá me, cá sơn, cá móm, cá liệt, tôm bạc đang ngày một ít đi và có loài gần như không đánh bắt được. Gần đây nhất, cá rò (còn gọi là cá kình con), loài cá hiếm chỉ có ở vùng Tam Giang - Cầu Hai không hiểu vì sao đã trở nên cực hiếm.

"Đầu độc" đầm phá

Hiện tại, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang cung cấp "lộc trời" cho khoảng trên 300 nghìn người dân của 5 huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh Trương Văn Hải, ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc là một trong những người trong số đó. Gia đình anh có 6 miệng ăn nhưng chỉ có vài ba sào ruộng, cả nhà tập trung làm nông cũng chỉ 2-3 tháng là xong. Vậy là anh làm thêm bằng cách đi đánh bắt thủy sản bằng cheo, lừ - hai loại ngư cụ chủ yếu mà người dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sử dụng làm "cần câu cơm". Trước đây, sau mỗi vụ đánh bắt trên đầm phá, anh Hải phải xịt nước để giặt lừ, mất khá nhiều thời gian. Giờ đây, thay vì giặt bằng tay với "nước chay", anh ngâm cheo, lừ với một loại hóa chất nên cheo, lừ rất nhanh sạch, lại đỡ tốn công. "Loại hóa chất ni lạ lắm! Nó có màu trắng, dạng bột, cứ trộn với tỷ lệ 1kg/1m3 nước là tẩy được 100 cheo, lừ. Trước đây, tui phải đem cheo, lừ ra phá giặt rửa, bây chừ chỉ cần bỏ loại hóa chất này vào ngâm 30 phút là trắng bóc..." - Anh Hải tiết lộ. Khi được hỏi có biết nguồn gốc của loại hóa chất này hay không, anh Hải lắc đầu quầy quậy: "Mình không biết chi mô. Thấy bà con mua về dùng thì mình cũng bắt chước ra quầy tạp hóa mua với giá 32 ngàn đồng/kg mang về sử dụng. Nghe người ta nói loại hóa chất này có xuất xứ từ Trung Quốc".

Anh Hải không biết cũng là chuyện không lạ, vì ngay cả những cửa hàng tạp hóa có bán loại hàng đặc biệt này cũng không ai biết rõ thành phần hóa học cũng như công dụng chính của nó. Chỉ biết rằng, nếu sử dụng hóa chất này để tẩy rửa lừ nhiều sẽ bào mòn da tay, cheo, lừ tẩy nhiều cũng mau bị mục, hư hỏng. Về hiện tượng đáng nghi ngờ này, ông Phan Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Lộc Bình bày tỏ lo ngại: "Quá trình tích tụ hóa chất này chắc chắn không chỉ gây ô nhiễm đầm phá, mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản. Thời gian qua, sản lượng khai thác trên địa bàn xã Lộc Bình, nơi tập trung số lượng lớn cheo, lừ đã giảm gần 50%...". Sự sụt giảm này là có lý do. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, cứ 100 cheo, lừ sử dụng khoảng 1kg hóa chất độc hại nói trên, toàn vùng Tam Giang - Cầu Hai hiện có khoảng 15.000 cheo, lừ thì có 1,5 tạ hóa chất độc hại được sử dụng hằng ngày, đang đầu độc nghiêm trọng vùng đầm phá…

Cheo, lừ sau khi đã được làm sạch bằng hóa chất, sẵn sàng cho một chuyến đánh bắt mới.

Cần một giải pháp toàn diện

Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, về mặt tổng thể, nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ngày một cạn kiệt là do trên đầm phá hiện có quá nhiều cơ quan tham gia quản lý với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Khai thác và quản lý nghề cá; thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp; giao thông đường thủy, môi trường... Chính điều này đã dẫn đến sự không thống nhất, chồng chéo trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các nhà khoa học cho rằng, ngoài việc giải quyết cho được sự chồng chéo trên, Tam Giang - Cầu Hai đang cần một giải pháp toàn diện để chấm dứt ngay việc khai thác theo kiểu hủy diệt, lập lại trật tự trong đánh bắt hải sản. Vấn đề lâu dài là cần một chiến lược phát triển. Hiện tại, Dự án Imola thường xuyên phối hợp với các địa phương ven biển và đầm phá, như: Quảng Công, Quảng Phước (Quảng Điền); Hải Dương, Hương Phong (Hương Trà); Vinh Phú, Phú Xuân (Phú Vang)… để mở các lớp tập huấn giúp người dân nâng cao ý thức về quản lý đầm phá theo hướng bền vững; đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính tạm thời. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được chiến lược vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để ứng dụng sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Chỉ như vậy thì những người nặng lòng với vùng đầm phá đã đi vào huyền thoại thơ ca không phải tự nhủ lòng: "Liệu có một ngày, Tam Giang - Cầu Hai sẽ vắng bóng cá, tôm?".

Khánh Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-lo-suy-kiet-nguon-loi-thuy-san/