Nỗi lo sau lan can trường học

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ nhiều học sinh Trường Tiểu học Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) đã bị ngã từ tầng hai xuống đất do sập lan can và hiện vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Trước đó ngày 12/12, lan can tầng hai của trường này đã bị sập khiến 19 học sinh bị thương, trong đó 16 học sinh ngã từ tầng hai xuống, ba học sinh khác đang đứng dưới. Vụ tai nạn đã tạo ra tiếng động rất lớn. Bảo vệ chạy đến đã thấy hơn chục học sinh rơi từ độ cao 4m nằm đè lên nhau, người xây xát, chảy máu. Vôi vữa, mảnh vỡ bê tông bắn xung quanh, có học sinh thì tự bò dậy, có học sinh thì nằm bất động. Ngay sau đó, số học sinh này đã được đưa đến trạm y tế sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Theo thông tin từ hiện trường vụ sập, đoạn lan can đã vỡ vụn, trơ ra lõi sắt duy nhất nhỏ bằng chiếc đũa. Biên bản ghi nhận hiện trường của Công an huyện Yên Phong cũng cho thấy, lan can kết cấu hoàn toàn bằng gạch trát vôi vữa, được liên kết bằng 18 con tiện; không thấy có dấu vết kết nối phần lan can này với kết cấu của tòa nhà.

Sự việc đang khiến không ít phụ huynh hoang mang vì theo quan sát khu nhà còn khang trang hơn rất nhiều những ngôi trường khác. Quan sát mặt cột phía liên kết với với phần lan can bị sập, tại vị trí liên kết cột và lan can chỉ là 1 lớp vữa. Trong khi theo các chuyên gia lĩnh vực xây dựng thì nguyên tắc cấu tạo kết cấu phải là một liên kết cốt thép. Ở đây rõ ràng liên quan đến thiết kế, thi công và giám sát, không phải vấn đề tuổi thọ công trình.

Các trường xây thời Pháp thuộc đến nay hơn 100 năm mà có lan can nào đổ đâu. Dù nói cách gì thì cũng là lỗi ở khâu thẩm định thiết kế, thi công, giám sát. Cần xem xét lại cách xây lan can, không có đà giằng bê tông cốt thép đổ neo vào cột, chỉ xây gạch không, làm sao chịu nổi lực đẩy ngang(?). Cùng một lúc nhiều em đứng tựa vào đây, sập là cái chắc.

“Thần may mắn vẫn còn ở bên các em, thương quá. Mấy cái chân bằng xi măng này chỉ có tác dụng làm đẹp một thời gian ngắn, nó không có ý nghĩa chịu lực bởi nó không phải đúc bằng bê tông mà đúc bằng vôi vữa. Bên trong chỉ có một que thép rất nhỏ nên rất yếu và dễ bị vỡ sau một thời gian sử dụng. Đáng tiếc đồ giả này lại được đặt tại vị trí cao và nguy hiểm nên mới gây ra họa”, nickname Huyền Minh xót xa.

Ở Mỹ, thường 6 tháng, có người đến kiểm tra định kỳ thang máy, chất lượng lớp học, ngoài đường cũng có kỹ sư cầu cống xem mặt đường đo đạc, nước ta cũng nên học hỏi điều này. Đã đến lúc nhìn lại chất lượng xây dựng rồi.

Trước đây, là nỗi lo con đến trường không được an toàn, lo bạo hành, lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bây giờ lại thêm nỗi lo phía sau lan can trường học thật đáng suy ngẫm. Nên chăng mỗi năm một lần, Bộ GD&ĐT cho kiểm tra các trường học trên toàn quốc về chất lượng công trình, vệ sinh môi trường, ăn uống, phòng chống tai nạn, cháy nổ…

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/noi-lo-sau-lan-can-truong-hoc-20171214090553104.htm