Nỗi lo sạt lở ven sông Bùi, sông Đáy

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến sông trên địa bàn Hà Nội đang bị sạt lở. Đặc biệt, tình trạng sạt lở ven sông Bùi, sông Đáy (đi qua huyện Chương Mỹ) đã được cảnh báo lên mức khẩn cấp, nếu không được xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, tính mạng cũng như tài sản của các hộ dân xung quanh.

Kỳ 1: Báo động tình trạng sạt lở ven sông

Những ngày đầu tháng 6, trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ lên đến hơn 40 độ, chúng tôi có mặt ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, một trong những địa phương đang được cảnh báo khẩn cấp về tình trạng sạt lở nghiêm trọng ven sông. Có thể thấy nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương khi mùa mưa lũ đang cận kề.

Nỗi lo hiện hữu trên những phần ruộng bãi còn lại bị dòng sông cuốn mất, những căn nhà trước đây nằm sâu trong đất liền thì nay chênh vênh cạnh bờ sông dựng đứng…

Trải qua quãng đường đất bụi mù mịt dài hàng chục km đầy ổ voi, ổ gà, chúng tôi tới xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ. Theo chân người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại phạm vi khu vực sạt lở từ bờ hữu sông Đáy thuộc xóm 8, xóm 9 (thôn Lưu Xá) đến đầu kè Hòa Chính bờ tả sông Bùi. Sự cố sạt lở đã làm nhiều bụi tre, cây cối, kiến trúc của 18 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có gia đình nhà chị Trần Thị Hanh (sinh năm 1986).

Chị Hanh cho biết không chỉ bị mất đất vườn mà khu bếp nhà chị cũng bị nứt nẻ qua mỗi mùa mưa bão

Chị Hanh cho biết không chỉ bị mất đất vườn mà khu bếp nhà chị cũng bị nứt nẻ qua mỗi mùa mưa bão

Về đây làm dâu đã hơn chục năm, năm nào cũng thế, khi mùa mưa bão cận kề, chị Hanh lại canh cánh một nỗi lo. “Cứ đến tầm tháng 8, tháng 9 nước dâng lên làm sạt lở một phần đất vườn, gây ngập úng, thậm chí làm nứt cả sân nhà. Khoảng 5 năm trước, gia đình gom góp tiền để xây được khu bếp cho khang trang, sạch sẽ thế nhưng đến nay đã nứt toác nhiều chỗ, phần sân thì sụt hẳn xuống. Tôi chỉ sợ đến một ngày, khu bếp rồi nhà phía trước cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sạt lún”, chị Hanh lo lắng.

Đáng nói, tại xã Hòa Chính, sự cố sạt lở cũng đã làm nứt và đổ nghiêng khoảng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá. Đình Lưu Xá nằm ở ngã 3 sông Bùi - sông Đáy, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố vào năm 1998. Lễ hội của đình với các tập tục có giá trị vô cùng sâu sắc, trong đó, nổi bật nhất là hội thi bơi chải, đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016...

Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, tuy nhiên, đình Lưu Xá cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở. Nghiêm trọng nhất là đoạn tường bao xung quanh với chiều dài khoảng 125 m đã bị nứt, đổ nghiêng. Những khối bê tông lớn bị kéo xuống dòng nước, đất đá nằm ngổn ngang.

Đoạn tường đê bao quanh khuôn viên đình Lưu Xã đã bị nứt, đổ nghiêng không còn nguyên vẹn

Ông Trương Đình Yên (Thủ từ đình Lưu Xá) cho biết, đoạn tường bao này vốn là công trình do nhân dân địa phương công đức, đóng góp sức người, sức của xây dựng nhằm bảo vệ khuôn viên đình trước diễn biến mưa lũ. Dù đã bỏ ra khoảng 500 triệu đồng để xây dựng nhưng công trình đã không đủ sức chống chịu với những con nước lớn những năm gần đây.

“Ngoài ra, tình trạng sạt lở cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến những vết rạn nứt trên công trình phụ của ngôi đình xuất hiện ngày một nhiều hơn. Thậm chí, một phần công trình đã bị nghiêng, đổ sập...”, ông Yên bày tỏ.

Ông Trương Đình Yên (Thủ từ đình Lưu Xá) chỉ cho chúng tôi một phần công trình phụ đã bị sụt lún, có nguy cơ sập

Theo cung đường, chúng tôi tiếp tục tìm đến xã Văn Võ (Chương Mỹ). Được biết, tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đáy cũng diễn ra trên địa bàn một số thôn. Ở thôn Cấp Tiến, sạt lở xảy ra tại vị trí cuối kè Nguyễn Trãi cũ đến nhà ông Nguyễn Văn Ca, chiều dài khoảng 500 m, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân. Sạt lở xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí các nhà ông Đỗ Văn Báo, ông Đỗ Văn Mai, bà Nguyễn Thị Hồng, các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông.

Còn tại thôn 6-8, tình trạng sạt lở xảy ra từ Bãi Yến đến giáp đầu kè Văn Võ 6-8 chiều dài khoảng 400 m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân ven sông. Sạt lở xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí các nhà ông Phạm Văn Thi, ông Phạm Văn Bằng, ông Phạm Văn Thoa, ông Nguyễn Văn Sự, ông Nguyễn Văn Thanh… gây sụt lún công trình phụ, cây cối của các hộ dân.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra ngay tại thôn 6-8 xã Văn Võ

Theo ghi nhận, sự cố sạt lở cũng xảy ra tại đê tả sông Bùi đoạn qua địa phận xã Tốt Động (Chương Mỹ). Đoạn từ đình Yên Duyệt đến Xóm mới chiều dài khoảng 980 m, dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông lên +4,0 m, mái sông dốc đứng, dòng chủ lưu thúc thẳng vào thân đê. Trên tuyến xuất hiện 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ 10 đến 65 m, chiều sâu cung sạt từ 1 đến 2 m.

Đoạn từ cầu Zét đến cầu sắt đầm kênh với chiều dài khoảng 650 m, dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông +4,0 m; mái sông dốc, dòng chảy áp sát và thân đê, trên tuyến xuất hiện 06 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ (10 đến 50 m, chiều sâu cung sạt từ (1 đến 1,5 m) tạo thành vách thẳng đứng.

Sạt lở bờ tả mái thượng lưu đê tả sông Bùi tại thôn 5 xã Quảng Bị có phạm vị sạt lở phía thượng lưu từ đầu cầu Đầm Mơ đến giáp kè cũ Đông Quang, xã Quảng Bị dài khoảng 300 m, xuất hiện 2 cung sạt dài khoảng 50m, chiều sâu từ (1 đến 1,5 m), cung sạt ăn sâu vào thân đê làm nứt, vỡ mặt đường bê tông trên mặt đê gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 20 hộ dân trong khu vực.

Tình trạng sạt lở diễn ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang phức tạp, khi năm 2020 được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, công tác phòng chống thiên tai sẽ lại gặp nhiều khó khăn. Mùa mừa lũ lại gần về, người dân Chương Mỹ lại tiếp tục thấp thỏm bên bờ sông sạt lở...

Kim Tiến - Hữu Minh

(Kỳ 2: Người dân nơm nớp lo "hà bá" nuốt nhà)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-lo-sat-lo-ven-song-bui-song-day-109130.html