Nỗi lo người tâm thần gây án

Người bị bệnh tâm thần có chiều hướng tăng do áp lực công việc, cuộc sống, bị chấn thương... Nếu không được quan tâm để phát hiện, điều trị kịp thời, sẽ là mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cộng đồng bởi thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ án do người bị bệnh tâm thần thực hiện. Điều này khiến an ninh trật tự xáo trộn, người dân lo lắng.

Vừa qua, tại thôn Cảo Chòm, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, Lạng Sơn, đối tượng Dương Văn Quang (SN 1968) vô cớ dùng dao đâm chém liên tiếp vào một số người tại địa phương khiến 4 người bị thương. Sau khi gây án, Quang bỏ trốn lên rừng. Theo cơ quan điều tra, Quang được đánh giá là người không bình thường, có biểu hiện tâm thần.

Đối tượng Dương Văn Quang đang điều trị tại bệnh viên.

Đối tượng Dương Văn Quang đang điều trị tại bệnh viên.

Một vụ án khác xảy ra tại thôn Suối Lông, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, trong lúc ông L.V.T đang ngủ đối tượng Lương Văn Cối (là con trai ông T), sinh năm 1991 đổ dầu lên người và châm lửa đốt khiến ông T bị bỏng nặng, sau đó tử vong. Đối tượng Cối thường xuyên uống rượu, thời gian gần đây có dấu hiệu loạn thần.

Cách đây chưa lâu, ông T.T.Q (40 tuổi, trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh là người bị tâm thần) thoát khỏi sự quản lý của gia đình, cầm hung khí chạy từ trong nhà ra con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3), vung dao chém loạn xạ. Nhiều người đang ngồi uống cà phê hốt hoảng bỏ chạy. Sau đó, ông Q. dùng hung khí chém vào nhiều ôtô đang đậu trên lề đường gây hư hỏng phương tiện. Người nhà cho biết ông Q. bị tâm thần và đang được điều trị tại bệnh viện. Đến ngày điều trị, gia đình chưa kịp đưa đến bệnh viện thì ông bất ngờ thoát ra ngoài rồi gây họa. Gia đình ông Q. sau đó đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho các chủ ô tô.

Vụ án cháu giết bà ngoại ở thôn Bùng Dựa (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Theo đó, Vũ Văn Cương (30 tuổi) đang ở nhà thì có biểu hiện lên cơn động kinh, cầm dao rựa đi sang nhà bà N.T.L (bà ngoại Cương) chém bà tử vong tại chỗ và định chém luôn hàng xóm, người thân khi bị ngăn cản…

Thực tế nói trên cho thấy công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị tâm thần, có biểu hiện tâm thần trong mỗi gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập. Pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hiện nay, phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Đây cũng chính là nỗi lo của toàn xã hội.

K.VÂN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/noi-lo-nguoi-tam-than-gay-an-20210319140913516.htm