Nỗi lo nền kinh tế bị Trung Quốc kiểm soát ở Zambia

Chính phủ Zambia, một quốc gia với khoảng 17 triệu dân ở Đông Phi, đang hứng các chỉ trích của phe đối lập trong nước cho rằng chính phủ đang giấu mức vay nợ khổng lồ từ Bắc Kinh và có thể sắp phải bàn giao các tài sản nhà nước cho Trung Quốc.

Nghi ngờ giấu nợ

Theo số liệu chính thức, từ năm 2014-2017, Zambia vay gần 3 tỉ đô la từ Trung Quốc. Ảnh: Lusaka Times

Gần đây, James Lukuku, lãnh đạo một đảng nhỏ ở Zambia, bị cảnh sát bắt và tạm giữ trong vài giờ sau khi ông xuống đường biểu tình ở thành phố Lusaka (miền trung Zambia) để phản đối Bắc Kinh gia tăng kiểm soát nền kinh tế Zambia. Song ông không phải là người duy nhất phản đối sự hiện diện của Trung Quốc tại Zambia và đặc biệt đối với chương trình cho vay lớn của Bắc Kinh dành cho Lusaka.

Thực tế, những chỉ trích của ông cũng là mối lo ngại chung ở nhiều nước châu Phi, nơi đang có những tiếng nói ngày càng gia tăng, cảnh báo các đại dự án do Trung Quốc tài trợ vốn vay có thể đẩy các nền kinh tế vốn đã "mong manh" của họ vào tình trạng thậm chí tồi tệ hơn.

“Tôi muốn gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế về ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như tình trạng tham nhũng ở Zambia”, Lukuku, nói.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở Zambia cũng như ở nhiều nước châu Phi khác thông qua những khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) “vô điều kiện” nhưng hầu hết các dự án đấu thầu công khai ở các nước này đều được trao cho các nhà thầu Trung Quốc.

Tại Lusaka và trên khắp đất nước Zambia, các công ty Trung Quốc xây dựng sân bay, đường xá, nhà máy... mà chi phí phần lớn đều dựa vào vốn vay từ Trung Quốc. “Trung Quốc sắp lấy mọi thứ từ Zambia. Họ có thể tiếp quản nền kinh tế chúng tôi thông qua những khoản nợ tồi tệ này. Chính phủ Zambia đang ký kết vay nợ từ Trung Quốc mà không thông qua sự tán thành của quốc hội”, Lukuku nói.

Nợ công chính thức của Zambia khoảng 10,6 tỉ đô la nhưng trong những tháng gần đây, có những nghi ngờ cho rằng, chính phủ đang che giấu mức nợ thực tế, giống như trường hợp của nước láng giềng Mozambique từng buộc phải thừa nhận vào năm 2016 rằng, nước này che giấu khoản nợ 2 tỉ đô la.

Vì lo ngại Zambia có thể giấu nợ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có lúc phải trì hoãn các cuộc đàm phán giải ngân khoản vay 1,3 tỉ đô la cho Zambia. IMF cảnh báo Zambia đang đối mặt rủi ro căng thẳng nợ.

Đồng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Zambia, giảm giá mạnh trong những tháng gần đây, dẫn đến những lo ngại cho rằng, Lusaka có thể phải chật vật trả lãi cho khoản nợ khổng lồ hiện nay.

Chính phủ phản bác

Lukuku và những người ủng hộ ông giờ đây đang tin rằng, chính phủ Zambia đang chuẩn bị giao quyền kiểm soát công ty điện lực quốc gia Zesco, sân bay ở Lusaka và đài phát thanh nhà nước ZNBC cho Trung Quốc.

Tổng thống Zambia Edgar Lungu đã đáp trả những người chỉ trích nói rằng, ông đang bán tài sản đất nước cho Trung Quốc. “Tôi kêu gọi các bạn hãy phớt lờ những dòng tít báo chí sai lệch tìm cách phỉ báng mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc”, ông nói với các nghị sĩ Zambia hôm 14-9.

Bộ trưởng Tài chính Zambia, Margaret Mwanakatwe, cho biết, trong quí 1-2018, Zambia đã trả lãi 342 triệu đô la cho các chủ nợ và Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 30% tổng nợ nước ngoài của Zambia. Bà khẳng định, chính phủ Zambia không đề nghị giao quyền kiểm soát của bất cứ công ty nhà nước nào bao gồm Zesco cho Trung Quốc để làm tài sản thế chấp nợ.

Amos Chanda, người phát ngôn chính phủ Zambia thừa nhận, Zambia có những vấn đề về kinh tế nhưng chưa đến mức gọi đó là cuộc khủng khoảng kinh tế. Ông cũng bác bỏ các thông tin nói các công ty Trung Quốc đang tiếp quản các tài sản nhà nước của Zambia.

Dù ít phát biểu với báo chí nhưng gần đây, Lie Jie, Đại sứ Trung Quốc tại Lusaka, phải lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh. “Tôi cảm thấy lạ lùng khi nghe nói rằng, chúng tôi muốn thuộc địa hóa châu Phi”, ông nói. Ông phủ nhận thông tin nói rằng, Trung Quốc đang tìm cách mua lại các công ty nhà nước của Zambia.

Nick Branson, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Phi, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường Nghiên cứu châu Phi và phương Đông ở Đại học London (Anh) cho rằng, rất khó để thẩm định tính xác thực thông tin từ những nước giống như Zambia. Song ông cho rằng, dù không muốn bán tài sản nhà nước, chính phủ Zambia không hoàn toàn kiểm soát tình hình tài chính. Ông nói Zambia đang phải xoay sở kiểm soát nợ nước ngoài gia tăng trong 3 năm qua.

Phe đối lập gây sức ép về vấn đề nợ công

Tổng thống Zambia, Edgar Lungu, bắt tay một công nhân Trung Quốc đến từ Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc hôm 15-9 tại thủ đô Lusaka. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Đảng Phát triển quốc gia thống nhất (UPND), phe đối lập chính ở Zambia, đang đặt vấn đề vay nợ quá lớn từ Trung Quốc vào trọng tâm của cuộc vận động lật đổ chính phủ. Hồi tháng 3, đảng UPND đã nộp đơn ra quốc hội, kiến nghị luận tội Tổng thống Lungu về nhiều sai phạm bao gồm việc gia tăng nợ công vượt khả năng chi trả của đất nước.

Tổng thư ký UPND, Stephen Katuka, phản đối việc chính phủ Zambia chấp thuận để các công nhân Trung Quốc thay thế các lao động địa phương trong các dự án mà Trung Quốc tài trợ vốn vay. Ông xem hiện tượng này, thường thấy ở các dự án có vốn vay từ Trung Quốc và do các công ty Trung Quốc thực hiện, giống như “một quả bom hẹn giờ”.

Tại Zambia, từng xuất hiện nhiều vụ việc ồn ào, trong đó, các quản lý người Trung Quốc bị cáo buộc ngược đãi các công nhân Zambia. "Trong một số trường hợp, người Trung Quốc đánh đập người Zambia ở nơi làm việc chỉ vì không tuân thủ các yêu cầu của họ”, Katuka nói. Ông cảnh báo, nếu tình hình này chuyển biến xấu thêm, nó có thể dẫn đến các vụ tấn công nhằm vào các kiều dân nước ngoài.

Nhà kinh tế Yosuf Dodia, Chủ tịch Hiệp hội phát triển khu vực tư nhân của Zambia, nói rằng, đầu tư của Trung Quốc nên được xem là cơ hội, chứ không phải gánh nặng. “Các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc có giá trị khoảng 10 tỉ đô la và đó là điều tốt. Chưa có nước nào cung cấp những cơ hội như vậy”, ông nói. Song những lời nhận định về mức đầu tư khổng lồ đó không phải luôn luôn được cảm nhận trong thực tế.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279095/noi-lo-nen-kinh-te-bi-trung-quoc-kiem-soat-o-zambia.html