Nỗi lo mất trộm cổ vật: Tăng cường trách nhiệm cộng đồng

Theo các chuyên gia về di sản văn hóa, để giải quyết vấn nạn mất trộm cổ vật cần có một giải pháp tổng thể từ chính sách, pháp luật đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) Trần Đình Thành về vấn đề này.

 Ông Trần Đình Thành

Ông Trần Đình Thành

Xin ông cho biết, trước thực trạng các vụ việc mất trộm cổ vật gia tăng trong thời gian qua, Cục Di sản văn hóa đã có giải pháp gì?
- Thực tế, trong nhiều năm gần đây, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý. Qua đó, trách nhiệm quản lý di tích, di sản được giao cụ thể cho từng cá nhân. Từ việc kiện toàn bộ máy, giao trách nhiệm cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành ra những quy định, nguyên tắc, nội quy để phân cấp quản lý. Tuy nhiên, cần phải có một giải pháp tổng thể để tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm.
Theo đó, tôi cho rằng, Ban Quản lý di tích và Sở VHTT&DL các địa phương cần tăng cường kiểm kê các di sản văn hóa của mình. Ví dụ, trong di sản có các hiện vật, di vật như bát đĩa, đồ thờ… thì cần phải tư liệu hóa tất cả. Để khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng có bộ hồ sơ gốc để phục vụ cho việc quản lý và xử lý các vụ việc.
Đồng thời, mối quan hệ giữa Ban Quản lý di tích và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể cần được nâng cao hơn. Chính quyền địa phương cần sớm ban hành các quy chế quản lý ở địa phương mình một cách cụ thể, rõ ràng hơn để các Ban Quản lý di tích, chính quyền có công cụ để thực hiện. Trước những vụ việc xảy ra, các địa phương cầnt rao đổi kinh nghiệm tại các lớp tập huấn để chia sẻ, nâng cao hiểu biết, nhận thức của các cơ quan quản lý. Thời gian qua, Cục Di sản đã đưa vấn đề này vào trong nội dung các cuộc tập huấn rất nhiều.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các dự án tu bổ di tích luôn có phương tiện phòng cháy, chữa cháy và các biện pháp liên quan đến đảm bảo an toàn, trật tự như hệ thống tường rào, bảo vệ di tích.
Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, phục vụ việc bảo vệ hiện vật. Bộ đang hoàn thiện hệ thống giám định cổ vật, giám định tư pháp phục vụ việc giám định các hiện vật đưa qua cửa khẩu nghi ngờ là cổ vật. Cùng với đó, sắp tới Luật Di sản văn hóa được nghiên cứu sửa đổi sẽ bổ sung nhiều điểm mới. Các Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực vi phạm về di sản văn hóa sẽ bổ sung nhiều yếu tố liên quan đến trộm cắp hoặc làm sai lệch di sản văn hóa.
Hiện vật đã là tài sản và ngày càng có giá trị thì việc mất cắp rất dễ xảy ra. Chúng ta chỉ có thể tăng cường các biện pháp để hạn chế tối đa.
Ông đánh giá thế nào về công tác bảo vệ hiện vật, di vật ở các địa phương hiện nay?
- Để giải quyết, hạn chế dần những tác động tiêu cực đến di sản, tôi nghĩ là nhận thức của người dân, cộng đồng và đặc biệt là các cơ quan quản lý ở đại phương cần tăng lên rất nhiều. Trước đây, tại các địa phương có hiện tượng tự ý trùng tu, sửa chữa, bổ sung hiện vật… không tuân thủ quy định pháp luật, về khoa học nhưng hiện nay đã giảm đi nhiều.
Các địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ, chống trộm cắp tại các di tích. Bởi việc phát huy các giá trị của di tích đã mang lại cho địa phương, đời sống người dân có thêm kinh tế. Từ đó đã góp phần thay đổi nhận thức của họ nhiều hơn trước. Chính vì vậy, tôi cho rằng sự tham gia, giám sát của cộng đồng với di sản là vấn đề quan trọng và là cốt lõi.
Xuất phát từ những chuyển biến tích cực đó, những vụ việc vi phạm 5 năm trở lại đây so với 5 -10 năm trước giảm đi nhiều. Có một số vụ việc phát sinh, chúng tôi nghĩ rằng là bối cảnh hiện tại xuất hiện hình thái mới. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang có nghiên cứu để thay đổi cho phù hợp trong quản lý.
Nên khi đề cập đến các vấn đề về di sản, không ai là không biết chúng cần phải được bảo vệ trên cơ sở pháp luật. Từ nhận thức đó sẽ điều chỉnh những quan hệ khác, hoạt động khác liên quan đến di tích.
Xin ông cho biết, luật pháp hiện nay đã đủ sức răn đe đối với hành vi trộm cắp hiện vật ở các di tích hay chưa?
- Tôi nghĩ rằng nếu cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương làm đúng thì đảm bảo. Năm 2017 khi Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên tham dự mội hội nghị với ngành di sản đã đánh giá hệ thống di sản pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản là tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, tổ chức UNESCO đã đi khảo sát việc thực thi pháp luật ở các nước về thực hiện công ước 1972 về di sản, họ đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang quản lý và có công cụ quản lý về di sản của mình đầy đủ từ trên xuống dưới. Từ Bộ VHTT&DL đến 63 tỉnh thành đều có Sở VHTT&DL để quản lý di sản.
Xin cảm ơn ông!

Lại Tấn (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/noi-lo-mat-trom-co-vat-tang-cuong-trach-nhiem-cong-dong-401025.html