Nỗi lo mất an toàn thang máy chung cư

Liên tiếp xảy ra sự cố thang máy tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây khiến cư dân sinh sống ở chung cư không khỏi lo lắng. Để tránh tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng', bảo đảm an toàn thang máy, bên cạnh việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, rất cần người sử dụng nêu cao ý thức bảo vệ tài sản chung; cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý, vận hành chung cư.

Để bảo đảm vận hành an toàn, thang máy tại các chung cư cần được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên theo quy định.

Thường trực nguy cơ mất an toàn

Ngày 29-11 vừa qua, thang máy chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chở 11 người từ tầng 10 xuống thì gặp sự cố rơi tự do khiến 3 người bị thương. Trước đó, tháng 7-2020, thang máy tòa B chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cũng bị rơi tự do. “Rất may, thời điểm thang máy rơi, không có ai bên trong, chứ nếu có thì hậu quả không biết sẽ thế nào”, anh Nguyễn Anh Thơ, cư dân tòa B chung cư Athena Complex cho biết.

Ngoài hai sự cố nói trên, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới, hiện nhiều chung cư vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thang máy. Tại chung cư B10C Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), thang máy số 2 đã được đặt biển cảnh báo dừng hoạt động hơn 1 tháng nay. Ông Phạm Đắc Hiểu, ở tầng 11, chung cư B10C cho biết, thang máy liên tục xảy ra trục trặc, người dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần với đơn vị quản lý tòa nhà nhưng không được cải thiện... Trong khi đó, do thang máy liên tục gặp sự cố nên từ 2 năm nay, cư dân các tòa nhà N4A, N4B, N5A Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) đã phải tự đóng từ 30.000 đến 50.000 đồng/hộ/tháng để bảo trì, bảo dưỡng thang máy…

Lý giải về tình trạng trên, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải Đăng cho biết, thang máy tại các tòa nhà tái định cư Nam Trung Yên liên tục trục trặc, một phần do thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì, phần khác do ý thức người sử dụng còn kém. Chung nhận định, ông Phạm Ngọc Sơn, cư dân tòa nhà N4A, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, trong khi đơn vị quản lý tòa nhà chưa bảo trì, bảo dưỡng thang máy thì một bộ phận người sử dụng không tuân thủ quy định khi đi thang máy như giữ nút chờ quá lâu, chở hàng cồng kềnh, phá hỏng phím bấm điều khiển...

Về vấn đề trên, đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đơn vị quản lý vận hành Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, nhiều nhà tái định cư xây dựng trước năm 2005 không có quỹ bảo trì, những nhà xây dựng sau năm 2005 có quỹ bảo trì ít do giá bán nhà thấp, dẫn đến việc thiếu kinh phí để bảo dưỡng các thang máy theo đúng quy định…

Cần các giải pháp đồng bộ

Thang máy số 2 tại chung cư B10C Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đặt biển cảnh báo dừng hoạt động hơn 1 tháng nay. Ảnh: Ngân Thùy

Ông Phạm Hồng Thoại, Bí thư Chi bộ tòa nhà N1 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND (ngày 23-8-2018) quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, từ khi có quyết định đến nay, chưa thấy đơn vị quản lý vận hành các tòa chung cư này thông báo kế hoạch triển khai kiểm định, bảo dưỡng thang máy. Vì vậy, cư dân đã phải tự đóng góp kinh phí để sửa chữa, bảo trì thang máy…

Để giải quyết tình trạng trên, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải Đăng cho biết, UBND phường đang yêu cầu ban quản trị các tòa nhà chung cư trên địa bàn kiểm tra hiện trạng các hạng mục sở hữu chung thuộc danh mục được nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo trì để đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện bảo trì, sửa chữa. Cùng với đó, các ban quản trị tăng cường tuyên truyền cư dân thực hiện nội quy nhà chung cư, lắp đặt thêm các biển cảnh báo, biển hướng dẫn tại thang máy.

Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của các cư dân chung cư trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, quận kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo và giám sát các đơn vị quản lý vận hành khẩn trương rà soát, kiểm tra và kịp thời bảo trì, sửa chữa những hạng mục được nhà nước hỗ trợ bảo trì theo quy định.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Văn Tiến, thực hiện Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, Sở đã có Hướng dẫn số 03/SXD để các đơn vị quản lý vận hành thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thang máy chung cư theo đúng yêu cầu, quy định. Cùng với các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong sử dụng thang máy; thường xuyên giám sát công tác bảo trì, kiểm định chất lượng thang máy, kịp thời yêu cầu đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện theo quy định. Khi phát hiện thang máy có vấn đề bất thường, hư hỏng, cư dân cần thông báo ngay cho đơn vị quản lý tòa nhà thực hiện phong tỏa không để người khác sử dụng thang máy; đồng thời phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, khắc phục sự cố.

Thùy Ngân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/985932/noi-lo-mat-an-toan-thang-may-chung-cu