Nỗi lo mang tên thủy điện (Kỳ cuối: Phương án phòng chống lũ lụt, an toàn hồ đập còn nhiều bất cập)

Hiện nay, Quảng Nam là tỉnh có nhiều dự án thủy điện nhất miền Trung-Tây Nguyên với 46 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.726 MW.

Hiện nay, Quảng Nam là tỉnh có nhiều dự án thủy điện nhất miền Trung-Tây Nguyên với 46 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.726 MW. Tại cuộc họp với ngành chức năng vào đầu tháng 8-2018, ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt ra yêu cầu "làm thủy điện phải tính đến phương án xấu nhất như động đất, vỡ đập để xây dựng kế hoạch ứng phó với thảm nạn một cách nhanh nhất. Nếu không tính đến phương án xấu nhất thì việc ứng phó sẽ bị động và lúng túng...".

Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục có sự cố động đất khi tích nước gây hoang mang cho người dân.

Theo báo cáo của Sở Công thương Quảng Nam, trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có 10 dự án thủy điện bậc thang, trong đó có 8 dự án đã phát điện gồm: A Vương (210MW), Sông Côn (2,63MW), Sông Tranh 2 (190MW), ĐăkMi 4 (190MW), Sông Bung (57 MW), Sông Bung 6 (29MW), Sông Bung 4 (156 MW), ĐăkMi 3 (63MW). 2 công trình đang xây dựng là Sông Bung 2 (100MW), dự kiến tích nước phát điện vào cuối năm 2018 và ĐăkMi 2 (98MW). Toàn tỉnh có 36 thủy điện vừa và nhỏ, trong đó 12 công trình đã phát điện với tổng công suất 153, 96MW; 3 công trình đang thực hiện xây dựng với công suất thiết kế 140MW; 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công suất theo dự án đầu tư và quy hoạch 276,1 MW.

Việc quản lý vận hành của các nhà máy thủy điện, về quy trình vận hành hồ chứa được thực hiện theo Quyết định 285/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh đến nay có 21 hồ chứa thủy điện có quy trình vận hành được phê duyệt (Bộ Công thương phê duyệt 17 hồ chứa, UBND tỉnh phê duyệt 4 hồ chứa). Chủ đập hồ chứa có trách nhiệm quản lý, vận hành công trình theo đúng quy trình được duyệt; Sở Công thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ Công thương, UBND tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 6 hồ chứa thủy điện gồm, A Vương, ĐăkMi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, và Sông Bung 5 thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, theo Quyết định 1537 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành mực nước hồ chứa để đón lũ và vận hành giảm lũ của các hồ chứa thuộc quy trình 1537. Trong tình huống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định vận hành các hồ. Công tác vận hành đảm bảo an toàn đập và an toàn công trình thủy điện được thực hiện theo Nghị định số 72/2007 của Chính phủ và Thông tư 34/2010 của Bộ Công thương với những quy trình như: Đăng ký an toàn đập; Phương án bảo vệ đập; Báo cáo hiện trạng an toàn đập; Kiểm định an toàn đập; Kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và lắp đặt bổ sung hệ thống Quan trắc; Thực hiện nghiêm các quy định của chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích cho dự án thủy điện.

Nhiều hồ đập thủy điện ở Quảng Nam chưa có phương án phòng chống lũ bão.

Tuy nhiên, trong công tác an toàn đập hiện nay đã bộc lộ nhiều những tồn tại và hạn chế. Theo quy định, báo cáo hiện trạng an toàn đập có nội dung về kết quả kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ và thời gian kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ theo quy định là trong tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên các chủ đập thường lập và gửi báo cáo hiện trạng an toàn đập trước tháng 8, nên nội dung báo cáo chưa đảm bảo phù hợp. Các hồ có dung tích càng lớn thì càng có ảnh hưởng đến hạ du khi vận hành công trình. Tuy nhiên việc quy định thời gian kiểm định an toàn đập lần kế tiếp đối với hồ có dung tích trên 10 triệu m3 và 7 năm đối với hồ có dung tích dưới 10 triệu m3 là không phù hợp. Nghị định 72/2007 của Chính phủ quy định kết quả kiểm định an toàn đập phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt nhưng Thông tư 34/2010 của Bộ Công thương lại không quy định phải phê duyệt hay không, do đó không biết thực hiện theo văn bản nào? Theo quy định, các chủ đập có trách nhiệm thực hiện lắp đặt hệ thống cảnh báo điều tiết lũ và phát điện phía hạ du trong quá trình vận hành, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về số lượng, phương thức, hình thức cảnh báo. Đối với phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du các đập, đa số các chủ đập thuê tư vấn lập ban đầu, các năm sau chủ đập tự thực hiện và sử dụng lại hồ sơ cũ, chưa phối hợp với địa phương trong việc xây dựng, cập nhật phương án, nên chất lượng phương án chưa đảm bảo: Về số hộ dân, nhà cửa, hạ tầng, diện tích đất, loại đất... bị ảnh hưởng bởi các tình huống điều tiết hồ chứa, vỡ đập không đúng với thực tế (chưa có xác nhận của địa phương). Tại cuộc họp của ngành chức năng Quảng Nam đầu tháng 8-2018, ông Trương Xuân Tý-Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, chưa có chủ đầu tư hồ chứa thủy điện nào xây dựng phương án cho tình huống xấu nhất là vỡ đập để xây dựng kế hoạch ứng phó. Ông Huỳnh Tấn Đức-Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, quy trình vận hành liên hồ chứa bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai trên lưu vực hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được điều chỉnh. Sự an toàn ở các dự án thủy điện nhỏ là vấn đề cần rất lưu tâm, đề nghị rà soát thủy điện nhỏ, dự án nào chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực cho dừng hẳn, loại ra khỏi quy hoạch. Vấn đề này, ông BhLing Mia-Chủ tịch UBND H. Tây Giang cũng cho biết, tại địa phương ông hiện có dự án thủy điện Trhy, với công suất 30NW. Điều đáng nói là dự án này đã triển khai 10 năm, sau nhiều lần được gia hạn tiến độ thời gian hoàn thành nhưng vẫn "dậm chân tại chỗ", theo thiết kế, đường hầm dẫn nước của thủy điện dài 2,7 km, nhưng đến nay mới thi công được 1 km. Việc thi công kéo dài của dự án gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, mất an toàn trong mùa mưa lũ, chủ đầu tư cũng không cho địa phương biết, dự án sẽ ảnh hưởng bao nhiêu diện tích đất rừng, đất sản xuất của người dân và bao giờ dự án sẽ hoàn thành. 10 năm qua, quan hệ giữa chủ đầu tư dự án và địa phương hầu như trong tình trạng "bất hợp tác". Ông Nguyễn Xuân Anh-Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam cũng cho biết, qua theo dõi, thống kê từ đầu năm 2017 đến tháng 8-2018, tại các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn xảy ra 69 trận động đất với cường độ 2,5 đến 3,9 độ Richter. Trên địa bàn các địa phương này có các hồ chứa thủy điện như Sông Tranh, ĐăkMi... nguyên nhân của động đất là do các hồ thủy điện tích nước, tuy nhiên với cường độ nhỏ nên sẽ không gây thiệt hại. Nhưng để đảm bảo an toàn cần lắp đặt thêm trạm quan trắc để có những cảnh báo chính xác hơn. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo: Đối với các thủy điện trên địa bàn, phải khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án đã được phê duyệt và chưa phê duyệt để đảm bảo an toàn phòng chống bão lũ trong mùa mưa bão sắp tới và cho các năm sau.

HỒNG THANH-LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_194915_noi-lo-mang-ten-thuy-dien-ky-cuoi-phuong-an-phong-chong-lu-lut-an-toan-ho-dap-con-nhieu-bat-cap-.aspx