Nỗi lo mang tên thủy điện (Kỳ 1: Thủy điện 'giành' nước của vườn Quốc gia)

Ngày 7-8-2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 22, về việc khẩn cấp tăng cường quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc trước và trong mùa mưa bão.

Ngày 7-8-2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 22, về việc khẩn cấp tăng cường quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc trước và trong mùa mưa bão. Giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT... trong công tác này. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng vừa có chuyến đi thực tế tại một số tỉnh miền Trung-Tây Nguyên để ghi nhận tình hình thực tế tại các địa phương nơi đây...

Kênh dẫn nước thủy điện Serepok 4A chặn dòng sông Serepok vùng lõm vườn quốc gia YokĐôn, mất an toàn hồ đập trong mùa mưa bão.

Cuối tháng 8-2018, Tây Nguyên đang giữa mùa mưa. Y Phan Nia-Trạm Trưởng Trạm Kiểm Lâm số 4, Ban Quản lý rừng Quốc Gia Yok Đôn, Đắc Lắc dẫn chúng tôi ra bờ sông Serepok, đoạn chảy qua vùng lõi của rừng quốc gia, bảo: "Đang mùa mưa, sông còn có chút nước, chứ đến mùa khô, đoạn sông này cạn trơ đáy, tình trạng này xảy ra mấy năm gần đây... Nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện đắp đập chặn dòng phía thượng lưu, đã "giành" hết nước của vườn quốc gia...!". Còn nhớ, vào năm 2013, khi chúng tôi đi thực tế để thực hiện loạt bài viết về các dự án thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên, đã có một dự án thủy điện "suýt" được phê duyệt để xây dựng giữa vùng lõi của rừng quốc gia YokĐôn. Rất may UBND tỉnh Đắc Lắc đã nhận thấy sự nguy hại khôn lường, xâm hại đến những cánh rừng duy nhất còn sót lại ở Tây Nguyên nên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay dự án này. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, cả địa phương và ngành chức năng lại không nhận thấy sớm, khi xây dựng 2 nhà máy thủy điện Serepok 4 và 4A phía thượng lưu dòng sông Serepok, đã chặn dòng sông, đưa nguồn nước của sông chảy theo một con kênh khác qua các xã vùng Đông, huyện Buôn Đôn. Việc chặn dòng lấy nước phục vụ nhà máy thủy điện đã làm hơn 22km dòng sông chảy qua vùng lõi vườn quốc gia và khu du lịch văn hóa-sinh thái Buôn Đôn bị cạn kiện nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái động thực vật vườn quốc gia và hoạt động kinh doanh phát triển khu du lịch này. Năm 2017, Sở Công thương Đắc Lắc đã đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng một con đập, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, chặn ngang dòng sông tại khu vực Buôn Trí A, Krong Ana, Buôn Đôn để giữ nước cho đoạn sông bị khô kiệt, nhưng xem ra "ý tưởng" này không khả thi...

Ông Nguyễn Ngọc Thông-Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn-Môi trường Sở Công thương Đắc Lắc cho biết, đến nay, tỉnh Đắc Lắc đang vận hành 24 nhà máy thủy điện với tổng công suất 758NW, trong đó 7 nhà máy có công suất lớn hơn 30NW, 17 nhà máy vừa và nhỏ có công suất dưới 30NW. Chỉ riêng trên lưu vực sông Serepok đã có 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 841NW, theo ông Thông, hầu hết các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đều có độ dốc lớn, nên lượng nước tích trữ ở các hồ đập thủy điện không lớn. Các nhà máy thủy điện đều được xây dựng theo mô hình bậc thang trên các dòng sông như sông Serepok, sông Ba... Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận, việc xây dựng các nhà máy thủy điện dày đặc đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy các dòng sông. Năm 2013-2014 đã xảy ra sự cố về thủy điện như việc vỡ bờ kênh thủy điện Serepok 4A tại khu vực buôn YangBông, xã EaHuar, Buôn Đôn gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân. Từ năm 2014, các chủ đầu tư công trình thủy điện trên địa bàn Đắc Lắc đã xây dựng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ quản lý trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, theo quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện trên lưu vực sông Serepok, sông Ba và các công trình thủy điện nhỏ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tuy nhiên qua đánh giá, bên cạnh các mặt tích cực về kinh tế-xã hội, các dự án thủy điện đã có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của các lưu vực sông suối, gây ngập úng tạm thời một số diện tích đất canh tác của người dân tại một số địa phương. Trong thời gian qua, các nhà máy thủy điện đã chiếm trên 7 nghìn ha đất nông nghiệp và đất rừng, sự biến đổi khí hậu, thời tiết, lượng mưa thay đổi bất thường có nguy cơ gây mất an toàn về hồ đập tại những địa phương có dự án thủy điện. Ngay từ đầu năm 2018, Sở Công thương Đắc Lắc đã tiến hành thanh, kiểm tra 6 nhà máy thủy điện về an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện những hạn chế, sai phạm, đơn cử như: Tại nhà máy thủy điện Serepok 4, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, chưa đảm bảo theo quy định của Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường-Bộ Công thương. Việc cắm mốc vùng phụ cận bảo vệ đập. phạm vi không được xâm hại đập chưa đúng theo quy định, không thực hiện công tác quản lý, sửa chữa mốc giới phạm vi bảo vệ đập thủy điện. Tại công trình nhà máy thủy điện Buôn TuaSrah và Drây Hlinh cũng có những sai phạm tương tự...

Dự án thủy điện Krel 2 ở Gia Lai nhiều lần bị vỡ đập, buộc phải thu hồi dự án.

Cùng với các công trình nhà máy thủy điện, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hiện có 605 hồ thủy lợi với tổng dung tích 650 triệu m3, qua kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ NN-PTNT ngày 22-8-2018, có 95 hồ đập công trình bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao. Mặc dù tỉnh Đắc Lắc đã có nghị quyết về an toàn hồ chứa từ năm 2014, cần 2.343 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 307 hồ chứa. Tuy nhiên đã qua 4 năm, từ nguồn vốn ODA và vốn cấp bách phòng chống khắc phục thiên tai do Trung ương hỗ trợ, tỉnh mới thực hiện được 528 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại cần 1.815 tỷ đồng vẫn chưa có kinh phí thực hiện.

Tìm hiểu về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện tại tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh này cho biết, Sở đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn đối với 37/44 đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh và thực hiện các quy định về công tác quản lý an toàn đập của các chủ đập thủy điện trước mùa mưa lũ năm 2018, theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Công thương. Ngày 9-8-2018, UBND tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án thủy điện Krel 2, tại xã Iadom, Đức Cơ, Gia Lai, đây là dự án thủy điện nhỏ có công xuất 5,5NW, được triển khai từ năm 2008, nhưng đã xảy ra nhiều sai phạm, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện như đã cam kết, đã xảy ra hai lần sự cố gây vỡ đập, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn.

Do tình hình biến đổi khí hậu và hiện nay trên lưu vực các dòng sông ở Đắc Lắc cũng như Gia Lai có nhiều công trình thủy điện được xây dựng đưa vào vận hành, đã làm thay đổi cơ bản về lưu lượng dòng chảy, các thông số tính toán, việc đánh giá hiện trạng các dự án thủy điện không còn phù hợp thực tế. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương này đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các dòng sông cho phù hợp thực tế.

HỒNG THANH-LÊ HÙNG

Kỳ tới: Dòng sông "Kỷ lục"

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_194747_noi-lo-mang-ten-thuy-dien-ky-1-thuy-dien-gianh-.aspx