Nỗi lo lớn nhất về đất nước của Thủ tướng là gì?

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt câu hỏi: Sau khi nghe Quốc hội thảo luận những ngày qua, Thủ tướng có thấy hài lòng với kết quả điều hành kinh tế của đất nước năm 2017 không? Trong những trăn trở thì Thủ tướng thấy nỗi lo lớn nhất là gì về đất nước hiện nay?...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt câu hỏi: Sau khi nghe Quốc hội thảo luận những ngày qua, Thủ tướng có thấy hài lòng với kết quả điều hành kinh tế xã hội của đất nước năm 2017 không?

"Thủ tướng thấy nỗi lo lớn nhất về đất nước hiện nay là gì? Tại sao Việt Nam chưa thể phát triển đột phá so với tiềm năng lợi thế của mình?", đại biểu Vân chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, “đây là câu hỏi hóc búa”.

Thủ tướng cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp, đất nước đã vượt qua khó khăn, đạt được thành công bước đầu quan trọng, là năm đầu tiên có thể hoàn thành 13/13 chỉ tiêu do Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao cho Chính phủ.

“Kết quả đó rất đáng phấn khởi, nhưng chúng tôi xác định đó là kết quả bước đầu”, Thủ tướng nhận định.

Theo Thủ tướng, chất lượng tăng trưởng có khá hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, trong điều kiện thiên tai, bão lũ xảy ra, gây nhiều thiệt hại, nhưng chúng ta vươn lên được. Nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiên tai liên tục xảy ra, khoa học công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế...

"Do vậy trả lời câu hỏi có hài lòng với kết quả điều hành không? Thhì tôi thấy chưa hài lòng. Chúng ta phải thẳng thắn như vậy. Cần làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa và đồng bộ hơn nữa thì kết quả tốt hơn”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng lo “trên nóng, dưới lạnh”, cán bộ “quan liêu, xa dân”

Tiếp tục trả lời câu hỏi "Thủ tướng lo lắng gì nhất" của đại biểu Vân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Đảng ta đã nhận định từ lâu các nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, gần đây theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Điều lo lắng nữa theo Thủ tướng, đó là hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân.

“Xa dân, quan liêu là điểm phải lo lắng”, Thủ tướng nói và cho rằng dù không phải tất cả nhưng điều đó rất nguy hiểm.

Do đó, Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Thủ tướng cho biết, quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” Đại hội Đảng ta đã chỉ ra, đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách, phát huy tiềm năng đất nước.

Thu hút FDI: Cần cái gì mới kêu gọi đầu tư

Về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thủ tướng cho biết, “đây là vấn đề tôi rất tâm huyết”. Thủ tướng cũng khẳng định rằng FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước.

Riêng xuất khẩu FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu kim ngạch của đất nước, giải quyết 3 triệu việc làm. Trong một số mô hình quản lý cũng rất tốt, và bước đầu đã kết hợp FDI với doanh nghiệp trong nước. Rất nhiều tấm gương tốt ở FDI đã phát triển ở Việt Nam.

“Chúng ta không nói một chiều rằng FDI không hay mà chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI. “Quan điểm là cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, không phải kêu gọi đầu tư mọi thứ và không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào. “Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa FDI và đầu tư trong nước. Hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi. Đặc biệt, việc tạo dựng môi trường đầu tư và nguồn nhân lực thật tốt của Việt Nam cũng chính là môi trường quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/noi-lo-lon-nhat-ve-dat-nuoc-cua-thu-tuong-la-gi-3420952.html