Nỗi lo... giá dầu giảm

TGTTO Câu chuyện giá dầu tăng mạnh và rồi lao dốc thu hút sự chú ý gần đây. Nhiều nhà đầu tư trở nên lo ngại vì sự biến động quá mạnh của thị trường này, và những tác động lây lan của nó sang các thị trường khác.

Vì sao giá dầu lao dốc?

Diễn biến giá dầu lao dốc mạnh gần đây, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán đã khiến không ít người lo ngại. Trong ngày hôm qua, giá "vàng đen" một lần nữa chìm sâu 2,5%, theo đó giá dầu thô WTI của Mỹ rớt trở lại xuống gần 50 USD/ thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm xuống còn 58,7 USD/ thùng trên sàn giao dịch Luân Đôn.

Nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh vào hôm qua đến từ việc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng thêm 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/11/2018, chuỗi leo dốc 10 tuần liên tiếp dài nhất kể từ mùa thu năm 2015, cao hơn dự báo tăng 3,5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ.

Với 450,5 triệu thùng, dự trữ dầu tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tuần Lễ Tạ ơn năm 2017 và vọt hơn 56 triệu thùng kể từ giữa tháng 9/2018. Giá dầu cũng sụt gần 30% kể từ khi dự trữ dầu bắt đầu tăng mạnh cách đây 10 tuần.

Dĩ nhiên giá dầu giảm thời gian qua cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn cung dầu đá phiến tăng đột biến tại Mỹ, sản lượng khai thác của Nga và các nước thành viên OPEC tăng lên mức kỷ lục nhằm mục đích giành lấy thị phần mà Iran để lại, cũng như chính sách bất ngờ của Mỹ trong lệnh trừng phạt Iran, khi vẫn cho 8 nước tiếp tục nhập khẩu dầu từ quốc gia Trung Đông này.

Đừng quá lo

Tuy nhiên, việc giá dầu giảm mạnh không phải là một điều gì quá bi kịch và khủng khiếp, thực tế giá dầu cũng đã từng có lúc rớt về dưới 30 USD/ thùng. Ở một góc nhìn khác, việc giá dầu giảm cũng mang lại những hiệu ứng tích cực.

Thứ nhất là giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát vốn đang rất căng thẳng tại các nền kinh tế, khi bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng mạnh của giá dầu trong những tháng vừa qua. Việc giá dầu tăng đẩy lạm phát tại các quốc gia, đặc biệt là những nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu xăng dầu, đã là điều không còn lạ gì trong nhiều năm qua. Nay với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát cũng có cơ hội được kiểm soát “dễ thở” hơn.

Như tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 mới công bố đã giảm nhẹ 0,29% so với tháng trước, chấm dứt chuỗi 3 tháng đi lên liên tiếp. Nguyên nhân chính là nhờ nhóm hàng giao thông giảm nhiều nhất với 1,81% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/11/2018 và 21/11/2018. Thực tế cước phí giao thông giảm nhờ giá xăng dầu giảm cũng có ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều ngành nghề, mặt hàng khác trong xã hội.

Thứ hai là khi giá dầu giảm cũng có thể góp phần tác động tích cực lên lãi suất. Một số chuyên gia kinh tế gần đây nhận định rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể chậm lại quá trình tăng lãi suất nếu lạm phát hạ nhiệt nhờ giá dầu giảm. Và thực tế là Chủ tịch FED Jerome Powell hôm qua cũng mới có bài phát biểu mới nhất về lãi suất, với giọng điệu nhẹ nhàng và có khuynh hướng “bồ câu” hơn, khi cho rằng lãi suất hiện tại đã ở ngay dưới mức trung lập, chứ không còn quá xa như nhận định đưa ra hồi đầu tháng 10.

Thứ ba là giá dầu giảm ảnh hưởng không tốt đến doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác trong lĩnh vực này, từ đó tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu, nhưng toàn bộ nền kinh tế nói chung và đa số các doanh nghiệp nói riêng đều được hưởng lợi. Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đều phải phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu, với giá nguyên nhiên liệu giảm sẽ giúp các doanh nghiệp này tiết giảm được chi phí đầu vào và có cơ hội nâng cao lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh doanh.

Thực tế ít ai được lợi khi giá dầu tăng cao

Thứ tư là nếu giá dầu quá cao sẽ làm hạn chế tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, khi giá nguyên liệu chủ yếu này lên cao quá mức, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do giá nguyên nhiên liệu tăng cao sẽ khiến các chi phí đắt đỏ hơn, doanh nghiệp e ngại rủi ro và giảm động lực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sản xuất dầu.

Theo lịch sử cho thấy nếu giá dầu tăng cao, bắt đầu từ ngưỡng 90 USD/thùng trở lên, thì sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã liên tiếp kêu gọi các nước OPEC cần phải tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống thấp hơn, và có vẻ như nguyện vọng của ông đang thành hiện thực.

Ông Trump liên tục hối thúc OPEC phải tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống

Trước đó, trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng 10, ông Trump cũng đã từng gây hấn với OPEC, yêu cầu OPEC phải tăng sản lượng khai thác dầu mỏ hàng ngày để điều tiết giá dầu thế giới, nếu không nước Mỹ sẽ ngừng bảo vệ an ninh cho một số nước thành viên của OPEC, như lời ông đe dọa.

Thực tế cho thấy, giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh đều tác động tiêu cực đến cả các nước khai thác và xuất, nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới. Theo lý thuyết, giá dầu tăng có lợi trực tiếp cho các nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng mặt trái của nó là các nước nhập khẩu sẽ hạn chế sử dụng và tìm nguồn năng lượng khác thay thế. Bởi vậy, các nước xuất khẩu dầu sẽ tìm cách duy trì giá dầu thế giới không quá cao.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/noi-lo-gia-dau-giam-19194.html