Nỗi lo dịch tay chân miệng mùa tựu trường

Mùa tựu trường - khi trẻ nhập học là giai đoạn bệnh tay chân miệng dễ bùng phát. Vì vậy để phòng ngừa dịch bệnh, phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ tránh lây nhiễm từ lớp học, đặc biệt là các bé mẫu giáo hay ngậm đồ chơi và đưa tay vào miệng.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả phòng chống dịch tay chân miệng.

Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả phòng chống dịch tay chân miệng.

Số ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh miền Trung như Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số người mắc tại các địa phương do học sinh tập trung trở lại vào năm học mới.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biêt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh tay chân miệng đã và đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm, sốt có thể từ 1- 3 ngày hay 5- 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, kèm theo trẻ nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.

Khi trẻ có dấu hiệu nặng như quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được cần ngay lập tức đưa tới điều trị tại các cơ sở y tế.

Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Trước diễn biến của dịch, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.

Về phía các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/noi-lo-dich-tay-chan-mieng-mua-tuu-truong-110467.html