Nỗi lo của châu Âu khi ông Tập có thể kéo dài thời gian cầm quyền

Châu Âu thêm dè chừng trước tham vọng của Trung Quốc vì ông Tập sẽ có nhiều thời gian để thực hiện các chính sách dài hạn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Quốc hội Trung Quốc dự kiến tuần này thông qua đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước, động thái được coi là mở đường để ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau năm 2023.

Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hiệp hội Châu Á, nói rằng việc ông Tập có thể kéo dài thời gian nắm quyền cho Trung Quốc cơ hội lên kế hoạch và thực hiện những chính sách dài hạn với tham vọng đạt được vị thế cường quốc, theo NYTimes.

Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu đã trở nên thận trọng trước các ý định của Trung Quốc. Tháng trước, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng Bắc Kinh đang theo đuổi mô hình thế giới riêng của mình và cố "dán một con tem Trung Quốc lên thế giới".

Ông Gabriel đặc biệt lo ngại về sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ do ông Tập khởi xướng để mở rộng quyền lực của Trung Quốc bằng cách phát triển các tuyến thương mại mới, trong đó có châu Âu. Để đẩy nhanh tiến trình này, Bắc Kinh đã tạo ra nhóm "16 +1", gồm Trung Quốc với 16 quốc gia châu Âu, 11 trong số đó là thành viên của EU.

"Nếu chúng ta không thành công trong việc phát triển một chiến lược thống nhất đối với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu", ông Gabriel nói.

Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái là 230 tỷ USD, đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss vẫn không ngại ngần công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc, đây là thay đổi lớn so với sự im lặng trong những năm trước của Đức. Nước này và EU đều lo ngại rằng sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ mang mục đích kinh tế mà mang cả ý đồ chính trị.

Các công ty Trung Quốc cũng làm dậy sóng dư luận khi mua lại công ty máy móc lớn của Đức là Kuka và sau đó cố gắng mua công ty chất bán dẫn Aixtron. Thương vụ thứ hai bị chặn do vấp phải sự phản đối của Mỹ vì lo ngại về mặt an ninh. Việc 10% cổ phần của nhà sản xuất ôtô Đức Daimler được Geely, một công ty ôtô Trung Quốc nhỏ hơn, mua lại cũng làm dấy lên câu hỏi số rằng họ lấy ở đâu ra số tiền 9 tỷ USD để thực hiện thương vụ đó.

Những vụ việc này đã "dẫn đến những cuộc thảo luận công khai về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đức", Angela Stanzel, một chuyên gia về châu Á tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nói.

Cả Đức và Pháp đều đang thúc đẩy Ủy ban châu Âu xây dựng các quy định về sàng lọc và đầu tư chặt chẽ hơn để bảo vệ tốt hơn các công ty và an ninh châu Âu. Stanzel nói thêm rằng châu Âu sẽ phải tìm ra chiến lược mới để đối phó với Trung Quốc vì họ sẽ phải làm việc với ông Tập trong thời gian dài.

Susan Shirk, chuyên gia về chính trị Trung Quốc từng phục vụ trong chính quyền Clinton, nói rằng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa quen đối phó với Trung Quốc. "Ông Tập muốn được tôn trọng như một nhà lãnh đạo toàn cầu. Ông ấy không cố gắng phá bỏ các cấu trúc hiện tại. Nhưng gần đây, ông ấy đã bắt đầu xây dựng cấu trúc của riêng mình", bà nhận xét.

Đối với châu Âu, việc Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ chiến lược và chính trị là một thách thức lớn. "Châu Âu giờ bị chia rẽ. Các lãnh đạo ở châu Âu không có suy nghĩ họ là lãnh đạo nước lớn và phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Mỹ trước đây luôn có suy nghĩ đó, nhưng hiện giờ Trump không còn mặn mà", Schell đánh giá.

Với việc ông Tập có thể kéo dài thời gian nắm quyền, "phương Tây giờ đây hiểu rằng chúng ta phải nhìn nhận việc Trung Quốc muốn tiến vào trung tâm thế giới nghiêm túc hơn nhiều so với trước kia", Schell nói thêm.

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/noi-lo-cua-chau-au-khi-ong-tap-co-the-keo-dai-thoi-gian-cam-quyen-3438277.html