Nỗi lo cơm áo của đôi vợ chồng trẻ làm công nhân sau dịch COVID-19

Trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra, công việc của vợ chồng anh Bính ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi con. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến công việc của vợ chồng anh bấp bênh, cuộc sống của gia đình trở nên điêu đứng.

Mong bớt khổ nhưng lại càng khốn khó hơn

Có mặt tại nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) thời gian này, chúng tôi mới chứng kiến được nhiều hoàn cảnh khốn khó do dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống vốn dĩ yên bình của họ.

Thời điểm trước dịch, hầu hết các công nhân có việc làm đều, thậm chí thoải mái tăng ca kiếm thêm thu nhập. Nhưng thời gian này, nhiều người lại rơi vào cảnh khốn khó vì công việc bị trì trệ, giảm giờ làm, cắt giờ tăng ca. Tất cả những điều trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm, manh áo của mỗi người.

Một xóm trọ dành cho công nhân tại thôn Bầu - xã Kim Chung hiu hắt người ở sau dịch COVID-19.

Một xóm trọ dành cho công nhân tại thôn Bầu - xã Kim Chung hiu hắt người ở sau dịch COVID-19.

Vợ chồng anh Quan Văn Bính cách đây 4 năm đã rời Tuyên Quang xuống làm công nhân cho một công ty nước ngoài. Để công việc được thuận lợi, chuyên tâm làm việc, cả hai vợ chồng đã phải gửi con cái cho ông bà nuôi nấng ở quê. Do thời gian hạn hẹp nên mỗi năm hai vợ chồng chỉ dám về quê vài lần gặp con và gia đình.

Trong căn phòng trọ khoảng 10m2 thuê tại thôn Bầu (xã Kim Chung – huyện Đông Anh) chỉ đủ kê chiếc giường, tủ quần áo và một vài vật dụng, anh Bính không khỏi ngao ngán: "Mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng đến ngạt thở, nhưng dù sao chúng tôi cũng sống quen rồi nên có khổ cũng vẫn phải cố gắng vì con cái".

Anh Bính (trú tại Tuyên Quang) cùng vợ xuống Hà Nội làm công nhân đã 4 năm nhưng chưa bao giờ thấy cuộc sống khó khăn như hiện nay.

Anh Bính tâm sự, hai vợ chồng vốn sinh sống tại Tuyên Quang. Khoảng 4 năm trước, anh chị rời quê, khăn gói lên Hà Nội để làm ăn với mong muốn thoát ly khỏi cái nghèo. Từ đợt dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống của gia đình anh lại khó khăn trăm bề, đặc biệt vợ của anh lại bị bệnh nên tất cả khổ cực lại đổ lên đôi vai của người đàn ông 35 tuổi.

Anh buồn bã nói: "Vợ tôi đau tức ngực, khó khở tầm 10 ngày nay và được đưa đi khám tại BV Bạch Mai. Các bác sĩ chẩn đoán vợ tôi mắc bệnh lao phổi, được chuyển sang BV Phổi trung ương điều trị".

Căn phòng trọ khoảng 10m2 của vợ chồng anh Bính không có vật dụng đáng giá.

Anh Bính cũng ngậm ngùi nói: "Trước đây dịch COVID-19 chưa diễn ra, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra bình thường, các công nhân thoải mái đăng ký để tăng ca, kiếm thêm thu nhập nhưng do ảnh hưởng dịch, công ty phải nghỉ một thời gian dài dẫn đến không có thu nhập".

Dù hiện tại, công việc của công ty đã hoạt động trở lại nhưng việc không đều, không còn tăng ca sản xuất được như trước nên thu nhập của nhiều công nhân, trong đó có vợ chồng anh Bính, bị giảm sụt nghiêm trọng, vô cùng khó khăn.

Nhớ con nhưng chỉ biết… khóc

Căn phòng trọ chật hẹp, bừa bộn nhưng vợ chồng anh Bính vẫn dành vị trí trang trọng nhất để treo bức ảnh cậu con trai yêu dấu của mình. Chỉ lên bức hình, anh nói: "Ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ nên dù muốn gần con lắm nhưng cũng đành phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc. Hàng tháng, chúng tôi cố gắng kiếm tiền để gửi về quê cho con được ăn học tử tế".

Anh Bính ngậm ngùi nói thêm: "Cuộc đời mình khổ cực rồi nhưng không thể để con cái khổ theo mình được, thế nên mỗi lúc quá mệt mỏi, cả hai vợ chồng chúng tôi đều động viên nhau vượt qua vì con".

Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm khốn khó khi thu nhập giảm, vợ lại bị bệnh, ông bà ở quê đau ốm khiến ánh mắt người đàn ông 35 tuổi thấm sự mệt mỏi.

Anh nói: "Ngày nào tôi cũng gọi điện về cho con vì quá nhớ, cháu năm nay cũng lớn nên cũng biết nhiều. Hôm nào cháu đòi bố mẹ về quê chơi thì chúng tôi thương con, chỉ biết gạt nước mắt đi thôi".

Với nhiều công nhân, chưa khi nào họ cảm thấy khó khăn như thời điểm này.

Điều mong muốn lớn nhất của anh Bính thời điểm này là bệnh tình của vợ thuyên giảm, được chữa khỏi, việc làm và thu nhập ổn định để có thể tiếp tục làm việc, kiếm tiền lo cho gia đình.

Dấu khó khăn vậy nhưng anh Bính cũng cho rằng mình vẫn còn may mắn bởi nhiều công nhân đóng trên địa bàn đã bị mất việc, không có thu nhập: "Làm công nhân tại đây 4 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình hình khó khăn như thời điểm này. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đỉnh điểm, công ty không có đơn hàng nên tôi phải nghỉ ở nhà hơn 1 tháng. Giờ có việc nhưng cứ làm 1 tuần lại nghỉ 1 tuần, thậm chí tôi còn nằm trong nguy cơ bị cắt giảm nhân sự thời gian tới".

Nhiều công nhân khác, để có tiền trang trải cuộc sống đã phải chấp nhận tìm những công việc thời vụ như chạy xe ôm, shipper… Thậm chí, như trường hợp của chị Vũ Thị Thơm (27 tuổi trú tại Nghệ An): "Gần nửa tháng nay tôi ra Hà Nội để tìm việc tại khu công nghiệp này. Các công ty cũng có tuyển nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa tìm được việc ưng ý. Tôi sẽ ở lại đây tầm 5 - 7 ngày nữa nộp hồ sơ xem sao. Nếu không được tuyển, tôi sẽ quay về quê tìm việc".

Xóm trọ thôn Bầu có nhiều đôi vợ chồng từ các miền quê khác nhau tụ tập lại cùng ở, sinh sống và làm việc. Với họ, dù công việc vất vả, cực khổ và phải tăng ca ngày đêm nhưng chỉ cần có công việc làm, thu nhập ổn định để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hạnh phúc rồi.

Tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho biết: "Có rất nhiều công nhân chục năm không về thăm gia đình được, con cái đưa về quê để cho ông bà, cha mẹ nuôi. Có việc gì mà xót xa như vậy không. Cha mẹ không trực tiếp nuôi con được mà phải đi lao động, gửi con cái về cho cha mẹ, ông bà nuôi, cắt đứt tình cảm đó trong một chừng mực tương đối nhất định".

L.B - Lan Hương – Lê Cúc – Phạm Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/noi-lo-com-ao-cua-doi-vo-chong-tre-lam-cong-nhan-sau-dich-covid-19-20200720130009168.htm