Nỗi lo chất lượng 'sữa học đường'

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020, triển khai với học sinh mầm non và học sinh tiểu học trên cả nước từ năm học mới 2018-2019. Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ.

Tuy nhiên, nhìn từ những vụ ngộ độc tập thể gần đây ở một số trường học, nghi có liên quan đến sữa, chúng ta thấy còn một số vấn đề bất cập cần được giải quyết. Chăm sóc tầm vóc cho trẻ là điều đáng quý, nhưng nếu với một quy mô rộng lớn mà quy trình sản xuất, giám sát, cung cấp bảo quản sữa không chuẩn, thì sữa có thể lại trở thành nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trong những bữa ăn tại trường của con em mình.

Con trẻ được uống sữa ở trường là một niềm vui, nhưng không ít phụ huynh vẫn tỏ ra chưa an tâm về chất lượng sữa.

Theo chương trình Sữa học đường đã được phê duyệt, trẻ học mẫu giáo và tiểu học sẽ được uống sữa tươi hàng ngày tại trường, mỗi ngày một hộp 180ml. Nghĩa là sẽ có 5 ngày/ tuần trẻ nhỏ được uống sữa. Chi phí cho việc uống sữa của trẻ được hỗ trợ theo tỷ lệ sau. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, còn lại 50% do phụ huynh đóng góp.

Những em nhỏ gia đình nghèo, khó khăn hay cận nghèo, người dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách thì sẽ được uống sữa miễn phí với sự trợ giúp 50% của ngân sách và 50% của doanh nghiệp cung cấp sữa. Đây là một chương trình hoàn toàn tự nguyện.

Cha mẹ của học sinh có thể lựa chọn tham gia cho con hoặc không. Tuy nhiên, Chính phủ và ngành Giáo dục khuyến khích các gia đình nên tham gia cho con em mình. Vì trong giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, trẻ rất cần được cung cấp đủ dưỡng chất để phát triển toàn diện. Giá sữa được thông báo tại các trường tiểu học sẽ là 6.800 đồng/ 1hộp.

Có thể thấy, ở những chương trình "Sữa học đường" giai đoạn trước, lợi ích thu nhận được rất khả quan. Phần lớn các em học sinh lứa tuổi mầm non và tiểu học, lưa tuổi vàng để phát triển thể chất cũng như trí tuệ đã được chăm sóc tốt hơn, nâng cao thể lực, tầm vóc. Giai đoạn đầu thử nghiệm chương trình Sữa học đường, nỗi lo lớn nhất chính là nguồn kinh phí.

Nỗi lo này dần được giải tỏa khi có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay. Ban đầu là một vài địa phương, rồi chương trình lan rộng ra nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phần lớn trẻ em đã được nhận nguồn sữa cung cấp thêm dinh dưỡng mỗi ngày.

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động của chương trình Sữa học đường, vấn đề lớn nhất hiện nay không nằm ở chuyện tài chính, mà là ở vấn đề khác, xem ra còn quan trọng hơn tài chính. Đó là chất lượng sữa cung cấp cho các trường học. Nói cụ thể hơn, đâu là quy chuẩn cho nguồn sữa học đường?

Sau vụ 73 em học sinh tiểu học bị ngộ độc sữa hồi tháng 3 vừa rồi, tỉnh Đồng Nai đã tạm ngừng chương trình Sữa học đường.

Trách nhiệm thuộc về ai, khi vẫn còn đâu đó những vụ ngộ độc với số lượng lớn trẻ nhỏ bị ảnh hưởng có nguyên nhân từ việc uống sữa chương trình Sữa học đường?

Nhìn lại những vụ ngộ độc nghi do uống sữa ở trường trong vài năm trở lại đây, phụ huynh học sinh không khỏi lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiếp tục cho con em mình tham gia chương trình Sữa học đường hay không. Cuối năm ngoái, một vụ ngộ độc tập thể gồm 500 em học sinh trường Tiểu học Lái Hiếu, tỉnh Hậu Giang đã gây chấn động dư luận.

Sau khi uống sữa ở trường, nhiều em có biểu hiện đau bụng, nôn ói phải đưa đến cấp cứu tại các trung tâm y tế. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng kết luận là ngộ độc sữa. Một vụ việc nghiêm trọng khác, 73 học sinh ở trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc (cùng đóng trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện khẩn cấp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi uống sữa Nutifood trong chương trình "Sữa học đường" đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra là những vụ ngộ độc nhỏ lẻ khác thỉnh thoảng được nhắc đến trên truyền thông, đã và đang đặt ra những dấu hỏi về nguồn gốc của sữa cũng như quy trình bảo quản sữa, cung cấp sữa còn hạn sử dụng cho học sinh liệu đã được đảm bảo hay chưa?

Đã có nhiều ý kiến bức xúc được nêu trên báo chí về chất lượng các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được đưa vào trường học. Chẳng hạn như sữa mà các em được uống trong chương trình không phải từ nguồn sữa tươi tiệt trùng. Tình trạng sữa pha từ các sản phẩm sữa bột kém chất lượng tràn vào trường học đã từng xảy ra.

Chẳng hạn, vụ việc 73 học sinh tiểu học, mầm non ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi uống sữa Nutifood, ngành Giáo dục của tỉnh đã phải chuyển từ nguồn sữa tiệt trùng sang sữa tươi để cung cấp cho các em nhỏ. Công ty pha chế sữa Nutifood đã bị xử phạt hành chính và phải trả tiền viện phí cho các em bị ngộ độc.

Năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Sữa học đường giai đoạn 2016-2018, cùng với đó ban hành quy định sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình này. Tập đoàn sữa TH là đơn vị đi đầu đóng góp xây dựng quy chuẩn Sữa học đường.

TH đã cho ra đời sản phẩm Sữa tươi học đường chế biến hoàn toàn từ sữa tươi sạch nguyên chất, với công thức chuyên biệt, bổ sung vi chất dinh dưỡng dựa theo tính toán khoa học, chất lượng cao. Các chất như Can-xi, Kẽm, Magie, I-ốt, A xít- Folic và hỗn hợp Vitamin A, C, D và nhóm B sẽ giúp thúc đẩy chiều cao, tăng cường thị lực và khả năng tập trung cho các em nhỏ lứa tuổi học đường.

Trẻ em miền núi phía Bắc uống sữa theo chương trình Sữa học đường.

Sản phẩm trước khi được đưa ra áp dụng rộng rãi trên toàn quốc đã được kiểm nghiệm lâm sàng trên 3.600 học sinh ở Nghệ An. Kết quả kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm khoảng 3%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%, tình trạng thiếu hụt một số vi chất cải thiện rõ rệt.

Không ai phủ nhận, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là cần thiết. Chương trình Sữa học đường thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ nhỏ. Các phụ huynh luôn sẵn lòng đóng góp để con em mình được hưởng những lợi ích thiết thực từ nguồn Sữa học đường.

Vấn đề chỉ là làm sao giải quyết được những băn khoăn liên quan đến chất lượng sữa. Thực hiện chương trình của Chính phủ, Ngành giáo dục các địa phương triển khai bằng cách cho đấu thầu. Hãng sữa nào trúng thầu đều phải cam kết đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng sữa đúng quy chuẩn.

Trong quá trình thực hiện chương trình, phải thường xuyên giám sát việc giao, nhận sữa của học sinh tại các trường học. Làm sao phải đảm bảo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, như bảo quản sữa ở nhiệt độ thích hợp, giám sát ngày hết hạn sử dụng của sữa.

Sữa học đường được xem là loại sữa chuyên biệt, có bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết phù hợp với sự phát triển của trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học, nên các đơn vị trúng thầu phải đảm bảo đúng các tỷ lệ dinh dưỡng theo quy chuẩn đã có.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, việc ngộ độc vẫn diễn ra ở một số trường. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Vụ việc ở Đồng Nai làm 73 em học sinh ngộ độc, trong đó có một số em rất nặng phải điều trị dài ngày, cho dù Sở Giáo dục có phạt hành chính hãng sữa Nutifood và bắt đơn vị này trả tiền viện phí cho các em, nhưng các bậc phụ huynh vẫn không yên tâm với cách làm đó của ngành giáo dục.

Vấn đề không phải làm sai thì nộp phạt. Cũng không phải chuyện trả tiền viện phí cho các em bị ngộ độc. "Chúng tôi không cần điều đó. Chúng tôi cần đầu tiên là một lời xin lỗi chính thức từ phía công ty sữa. Cần hơn hết là một cam kết không lặp lại những vụ việc nghiêm trọng như vậy"- Một phụ huynh viết trên mạng xã hội.

Thiết nghĩ, cần phải hết sức minh bạch chuyện đấu thầu sữa ở các địa phương. Việc hãng sữa nào trúng thầu, cam kết chất lượng ra sao cần phải được phổ biến rộng rãi đến cha mẹ các học sinh. Cần để các phụ huynh được tham gia vào công tác giám sát việc cấp sữa và uống sữa của con em ở trường, giúp họ yên tâm hơn.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, việc nhà trường thu vỏ hộp sữa cũng khiến họ khó kiểm soát chất lượng sữa con em mình uống ở trường, nhất là loại sữa cũng như hạn sử dụng. Ngoài ra, sự phối hợp của ngành Giáo dục và ngành Y tế cần nghiêm ngặt hơn trong khâu thanh, kiểm tra.

Nên định kỳ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tại các trường học bất kỳ. Khâu vận chuyển và lưu trữ sữa cũng không được xem nhẹ, vì đây là các yếu tố có thể tạo ra những biến đổi chất lượng sữa gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ.

Một chương trình mang tính quốc gia, nhân văn, cần các giải pháp đồng bộ để thực hiện. Bởi một vụ ngộ độc sữa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục, hàng trăm em học sinh và hậu quả rất khó lường.

Lệ Chiến

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/noi-lo-chat-luong-sua-hoc-duong-511536/