Nỗi lo biển xâm thực: Biển 'ngoạm' đất liền!

Một trong những tác động rõ rệt nhất do BĐKH đối với Quảng Bình là vấn đề biển xâm thực gây sạt lở đất, vỡ đê, kè đe dọa tính mạng và tài sản của cư dân ven biển.

Mất đất, mất công trình

Khí hậu ở Quảng Bình nhìn chung khắc nghiệt. Mùa mưa trùng với mùa bão. Theo số liệu thống kê, tính trung bình mỗi năm, Quảng Bình có 1 - 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào bờ biển, tần suất xuất hiện và cường độ bão ngày càng gia tăng.

Khu vực dọc theo bờ biển và các nhánh sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão với tốc độ gió >30m/s, làm xói lở bờ rất nghiêm trọng. Triều cường dâng cao, kéo theo hiện tượng “biến lấn”.

Công trình dân sinh dọc bãi tắm Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) được bê tông vững chắc cũng bị sóng đánh gãy đổ

Đơn cử trường hợp xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có diện tích khoảng 1,53 km², với hơn 2.000 hộ dân sinh sống. Người dân Cảnh Dương vốn đã quen ở nơi đầu sóng, ngọn gió bấy lâu. Trong những tháng nửa cuối năm, khi thời tiết bất thường, giông gió ầm ầm kéo đến, sóng biển cùng với bão tố tiến thẳng vào bờ: con người thực sự nhỏ bé và mỏng manh.

Cứ mỗi mùa mưa bão đến, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ. Trước tình trạng nước biển xâm thực, sạt lở bờ biển, gãy đổ công trình xảy ra hàng năm, nhiều phương án cũng đã được tỉnh Quảng Bình tính đến như: sơ tán người dân ở vùng sạt lở, xây dựng hệ thống đê biển tại những vùng xung yếu.

Khi có mặt tại đây, chúng tôi dễ nhận thấy quang cảnh vắng vẻ, hoang sơ hơn trước. Nhiều công trình trơ khung, siêu vẹo, có nhiều điểm đất sạt lở; hệ thống cừ tạm và hàng rào chắn sóng bằng bê tông bị sóng lớn đẩy sâu vào đất liền, nằm gọn trên cồn cát… Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng biển lấn vào đất liền ngày càng phức tạp; theo chỉ dẫn của cư dân bản địa, chạy dài 1km ven biển, qua các thôn Duyên Hải, Trung Vũ, Đông Cảng có nhiều điểm công trình bị tàn phá, nước biển xâm thực mạnh. Không chỉ mất đất, mất công trình, sinh kế của người dân cũng không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh.

Nguy cơ thiên nhiên xóa sổ làng biển Cảnh Dương trong nay mai đã là điều trước mắt. “Đợt này, biển lấn sâu khoảng 20m so với năm 2016, biển lấn hẳn vào đất liền chứ không phải là tình trạng nước biển dâng một thời gian rồi rút” - ngư dân Nguyễn Văn Tú chia sẻ.

Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Vì không có kinh phí nên việc xây dựng tuyến đê biển rất khó, nhưng UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý trích ngân sách để làm kè chắn sóng với kinh phí 9 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018. Với kè chắn sóng này sẽ hạn chế được tình biển xâm thực, đỡ thiệt hại và lo lắng cho nhân dân.

Công trình dân sinh dọc bãi tắm Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) được bê tông vững chắc cũng bị sóng đánh gãy đổ

…đến mất cảnh quan du lịch

Biển Nhật Lệ được đánh giá là 1 trong 10 bãi biển du lịch đẹp nhất Việt Nam, cũng là trung tâm du lịch của TP. Đồng Hới. Và biển này đang cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Nơi bị sạt lở nặng nhất là tại khu vực tại bãi tắm Nhật Lệ 2, thuộc phường Hải Thành, cung sạt lở chạy dài khoảng 400m. Hàng quán, nhà dân dọc bãi tắm Nhật Lệ 2 có nguy cơ bị biển “nuốt trọn”.

Một số đoạn đã có bờ kè, nhưng sóng biển vẫn đánh vỡ bê tông. Một số hàng quán của người dân xây dựng khá kiên cố dọc bờ biển này cũng đã bị sóng đánh gãy đổ. Có nhà đã bị sóng biển khoét sâu phần móng. Người dân phải dùng cọc gỗ, trụ bê tông chống đỡ phía dưới.

Ông Phạm Xuân Khánh, cư dân vùng sạt lở chia sẻ rằng, đã lâu lắm rồi, mới thấy tình trạng sạt lở bờ biển bãi Nhật Lệ nghiêm trọng như hiện nay. Khối lượng sạt lở quá lớn.

Với ánh nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho rằng: Ảnh hưởng của cơn bão số 10 và 11 vừa qua, kết hợp với thời tiết bất lợi những ngày gần đây, khiến khu vực ven biển Nhật Lệ sạt lở, chạy dài gần 3km, rộng hàng chục mét.

Việc khắc phục sự cố sụp đổ công trình và hoàn trả cảnh quan bãi biển Nhật Lệ như xưa rất khó. Bởi hàng quán dọc biển do người dân thuê đất, rồi tiến hành bê tông hóa, xây kè, bờ bao trong khuôn viên đó, tạo mặt bằng kinh doanh. Việc này đã làm mất đi một diện tích rừng phi lao chắn cát.

Bão biển năm 1985, từng gây xói lở khu vực bờ biển Nhật Lệ. Hơn 30 năm bình yên, cảnh quan phục hồi, thời điểm từ năm 2013 - 2017 lại tái diễn câu chuyện sạt lở.

Giải pháp đề ra như san gạt, gia cố kè cửa sông thì đã có, nhưng khó lòng triển khai. Bởi kinh phí để khắc phục, gia cố tuyến kè Nhật Lệ này ước chừng 100 tỷ đồng, trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công hiện nay, không thể đáp ứng được.

Hiện nay, chỉ có thể đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, UBND TP. Đồng Hới hỗ trợ một phần kinh phí để san gạt một phần bờ bãi, phục vụ kinh doanh du lịch.

Nhất Linh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201711/noi-lo-bien-xam-thuc-bien-ngoam-dat-lien-2866460/