Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ mầm non

Một trong những vấn đề được nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm trong thời gian qua chính là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi gửi con vào trường mầm non cũng như các nhóm trẻ.

Buổi ăn trưa tại một nhóm trẻ mầm non ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.THIẾT

Buổi ăn trưa tại một nhóm trẻ mầm non ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.THIẾT

TP.Biên Hòa hiện có hơn 100 trường mầm non và gần 500 nhóm trẻ ngoài công lập với tổng số gần 70 ngàn trẻ nên để kiểm tra, giám sát vấn đề ATVSTP thực sự là một áp lực không nhỏ của ngành GD-ĐT thành phố.

Nhóm trẻ Ngọc Thạch tại phường Long Bình Tân có gần 300 trẻ. Để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, nơi đây đã đầu tư khu vực chế biến thức ăn khá khang trang, sạch sẽ với 5 nhân viên cấp dưỡng chuyên chế biến thức ăn cho trẻ. Tuy vậy, điều quan trọng nhất được chủ nhóm trẻ này quan tâm là nguồn gốc đầu vào của các loại thực phẩm có uy tín, chất lượng. Bà Lại Thị Tươi, Trưởng Nhóm trẻ Ngọc Thạch cho biết cơ sở này có hợp đồng thực phẩm từ những công ty có uy tín và khi chế biến đảm bảo quy trình.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, số nhóm trẻ thực hiện được như nhóm trẻ Ngọc Thạch là không nhiều. Thực tế tại đa số các nhóm trẻ ngoài công lập hiện nay ở Biên Hòa, mức đóng phí từ phụ huynh vẫn còn thấp, từ đó dẫn đến chất lượng bữa ăn của trẻ chưa cao, chưa đảm bảo an toàn.

Qua giám sát của Ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Biên Hòa tại một loạt nhóm trẻ và trường mầm non trên địa bàn thành phố mới đây cho thấy, đa số chủ các nhóm trẻ đều phân công nhân viên trực tiếp đi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống. Mặc dù vẫn lựa chọn những cửa hàng uy tín nhưng rõ ràng các thực phẩm chưa được kiểm tra đầu vào về ATVSTP một cách chặt chẽ. Nhiều nhân viên cấp dưỡng cũng chưa qua một trường lớp nào về nấu ăn, thậm chí chưa được tập huấn về kiến thức ATVSTP.

Anh Phạm Văn Lộc, một phụ huynh có con gửi tại nhóm trẻ L. trên địa bàn phường Long Bình cho biết, do vợ chồng cùng làm công nhân nên không có điều kiện gửi con vào các trường có điều kiện tốt, đành phải gửi vào nhóm trẻ tư thục. Theo anh Lộc, phía chủ nhóm trẻ không dán thực đơn công khai ở bảng thông báo nên phụ huynh không thể biết hằng ngày con mình ăn gì, uống gì và cũng không biết nguồn thực phẩm được mua như thế nào, ở đâu. Khi anh hỏi cô giáo của con thì cô bảo có dán thực đơn trong bếp để các cô cấp dưỡng chế biến.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Trảng Dài cho biết, do phường có dân số đông, chị phải cho con học ở nhóm trẻ tư thục H. Nhiều lần đi chợ tại một chợ tự phát ở phường Trảng Dài chị đã gặp nhân viên cấp dưỡng của nhóm trẻ H. đi mua thực phẩm về chế biến thức ăn cho trẻ khiến chị không khỏi lo lắng về chất lượng ATVSTP.

Theo cô Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, mặc dù ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tập huấn, tuyên truyền cũng như ký cam kết về đảm bảo ATVSTP cho trẻ tại các nhóm trẻ, nhưng với số lượng nhóm trẻ lớn thực sự là áp lực đối với ngành GD-ĐT thành phố trong việc kiểm tra, giám sát vấn đề về ATVSTP cho trẻ.

Khắc Thiết

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201905/noi-lo-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-cho-tre-mam-non-2947462/