Nỗi lo an toàn thông tin từ dịch vụ ngân hàng số

Gian lận, lừa đảo và đánh cắp tài khoản trong giao dịch ngân hàng số hiện đang trở nên phổ biến, nhưng việc phát hiện rất khó khăn do thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi. Điều này cho thấy, nếu không có giải pháp kịp thời, việc an toàn thông tin từ ngân hàng số khó đảm bảo.

Các ngân hàng đang tăng cường bảo mật trước rủi ro an ninh mạng. (Ảnh: LVB)

Các ngân hàng đang tăng cường bảo mật trước rủi ro an ninh mạng. (Ảnh: LVB)

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày cơ quan chức năng đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng.

Thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm nhóm tội phạm mạng trong nước và nước ngoài thực hiện hành vi hacker - tấn công vào tài khoản hoặc thẻ ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm triệu USD.

Các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của máy ATM để lắp đặt thiết bị Skimming, đánh cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Đại diện Vietcombank cho rằng, gian lận trong giao dịch ngân hàng số hiện đang trở nên phổ biến và rất khó khăn trong phát hiện, phòng chống gian lận do chính nhận thức của người dùng, việc mở thẻ dễ dàng trong khi các giao dịch, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng khẳng định, ngân hàng luôn là một trong những ngành được đầu tư mạnh nhất về công nghệ bảo mật và áp dụng mọi công nghệ mới nhất. Nhưng để bảo đảm an toàn khi giao dịch trực tuyến, vai trò của người dùng cũng vô cùng quan trọng.

Không một hệ thống bảo mật nào có thể ngăn chặn được gian lận nếu như khách hàng thiếu cẩn trọng hoặc vô tình làm lộ các thông tin về thẻ, tài khoản đăng nhập, thậm chí cung cấp cả OTP cho kẻ xấu.

Do đó, khách hàng cần thận trọng hơn trong việc cung cấp các thông tin cá nhân, cẩn trọng khi giao dịch trên môi trường mạng, không làm lộ các thông tin mật cho kẻ gian, người lạ... sẽ hạn chế được gian lận.

Thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động công nghệ thông tin trong ngành. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đầu tư nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tiên tiến như: tường lửa thế hệ mới, phần mềm ngăn chặn mã độc, giải pháp chống thất thoát dữ liệu, xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số; thanh toán sử dụng QR code trong giao dịch điện tử...

Tuy nhiên, hoạt động tấn công, xâm nhập nhằm vào hệ thống mạng, các hình thức gian lận, tội phạm mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng và người dùng.

Trước tình hình trên, TS. Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc xây dựng đề án: “Cổng không gian mạng quốc gia” sẽ cung cấp đầy đủ, toàn diện và là nơi để người dân, tổ chức khi tham gia vào không gian mạng có thể được hỗ trợ bảo vệ.

Ngoài ra, ông Lịch cũng nhấn mạnh định hướng đảm bảo an ninh thông tin chính là con người. An ninh thông tin là yếu tố sống còn, không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Con người chính là chủ thể của tất cả. Con người tốt mới vận hành hệ thống tốt, xử lý rủi ro tốt.

Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/noi-lo-an-toan-thong-tin-tu-dich-vu-ngan-hang-so/20201112034606291