Nơi ký ức phân biệt chủng tộc và biểu tượng bình đẳng đan xen

Bước từng bước chậm rãi, cô hướng dẫn viên trẻ Keitu dẫn chúng tôi qua từng căn phòng tối tăm trên Đồi Hiến pháp, nơi từng là những căn xà lim chật hẹp giam giữ các tù nhân da màu trong những ngày đen tối của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi, trước khi chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc nhất trong lịch sử thế giới này chính thức bị xóa bỏ vào ngày 30/6/1991.

Bên trong Tòa án Hiến pháp Nam Phi, tòa án cao nhất trong nước về các vấn đề hiến pháp. Ảnh: TTXVN phát

Bên trong Tòa án Hiến pháp Nam Phi, tòa án cao nhất trong nước về các vấn đề hiến pháp. Ảnh: TTXVN phát

“Chị biết không, sẽ chẳng có nơi nào có thể kể câu chuyện về quá khứ đầy biến động của Nam Phi và sự chuyển đổi phi thường của đất nước này sang nền dân chủ như ở Đồi Hiến pháp”. Ở tuổi 26, cô gái da màu Keitu đã có thâm niên 4 năm làm hướng dẫn viên tại Đồi Hiến pháp - một di sản quốc gia nằm ở Khu trung tâm thành phố Johannesburg nhộn nhịp và sầm uất. Khu vực này được xây dựng năm 1893 và khởi đầu là một nhà tù dành cho người da trắng. Đến năm 1902, nhà tù Pháo đài cổ (Old Fort) được mở rộng thêm 2 khu Số Bốn (Number Four) và Số Năm (Number Five) làm “nhà tù của người bản xứ” – giam giữ những tù nhân không phải da trắng, bao gồm người da màu, da đen và người gốc Ấn. Năm 1909, nhà tù dành cho nữ cũng được xây dựng thêm vào khu phức hợp.

Ngày nay, đây là nơi tọa lạc của Tòa án Hiến pháp Nam Phi, tòa án cao nhất trong nước về các vấn đề hiến pháp. Nhưng trong quá khứ, nơi đây từng chứa đựng những câu chuyện bất công và tàn bạo, nơi các nhà hoạt động chính trị hàng đầu của Nam Phi, bao gồm cố Tổng thống Nelson Mandela, vợ cũ của ông Winnie Madikizela-Mandela và cả anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, bị giam giữ.

Một góc phòng giam cá nhân tại khu nhà giam tại Đồi Hiến pháp. Ảnh: TTXVN phát

Chuyến tham quan của chúng tôi bắt đầu bằng một câu trích dẫn từ cuốn sách "Long Walk to Freedom" (Hành trình dài đến tự do) của Nelson Mandela được khắc trên mái của lối đi: "Không ai thực sự hiểu một quốc gia cho đến khi sống trong nhà tù của quốc gia đó”. Keitu dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà tù Số Bốn và kể cho chúng tôi nghe sự khủng khiếp của cuộc sống trong nhà tù này. Đây từng là nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân chính trị và cả tù nhân phi chính trị da màu. Bên trong khu nhà tù đã được khôi phục và các khu xà lim tái hiện lại đầy đủ những câu chuyện như khi nhà tù còn đang hoạt động. Keitu đưa chúng tôi vào phòng giam chung và chỉ cho chúng tôi những sàn bê tông, nơi hơn 30 người đàn ông phải tranh giành chăn và một chỗ ngủ.

Các dụng cụ dùng để tra tấn các tù nhân nam da màu và da đen tại khu trại giam Số Bốn. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi

Ngay tại đây, các tù nhân cũng phải chịu những bất công về chủng tộc. Những tù nhân da đen và da màu đã bị làm nhục, bị tra tấn, bị hành hạ về thể xác và tinh thần. Ngày Giáng sinh, các tù nhân da trắng nhận được gần nửa cân bánh ngọt, trong khi các tù nhân da màu chỉ có một tách cà phê với gần 30ml đường. Minh chứng rõ nét nhất của chế độ phân biệt chủng tộc trong nhà tù là khu vực phát thực phẩm. Các nồi đựng thức ăn hiển thị các lựa chọn thực đơn đầy tính phân biệt cho các tù nhân khác nhau trong nhà tù. Nồi đầu tiên, được đánh dấu là “Congress One”, chứa những khối thịt bò hoặc thịt lợn nấu chín dành cho tù nhân da trắng. Chiếc nồi thứ hai “Congress Two”; dành cho tù nhân da màu và tù nhân gốc Ấn, đựng cháo hoặc rau luộc, bên trên nổi vài miếng thịt mỡ có lẽ là phần thịt bỏ đi từ khẩu phần của tù nhân da trắng. Chiếc thứ ba "Congress Three" dành cho tù nhân da đen, luôn không có thịt mà chỉ có chút cháo đặc trộn với bột và đậu luộc.

Một góc khu biệt giam Emakhulukhuthu, "hố sâu tăm tối", là nơi dành cho những hình phạt khắc nghiệt nhất với nền là tòa án Hiến pháp, tòa án cấp cao nhất Nam Phi. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi

Giọng của Keitu trầm xuống khi kể cho các phóng viên TTXVN về những cực hình tra tấn tàn bạo và những bản án, thường là bất công, mà các tù nhân da màu phải chịu đựng. Bầu không khí rùng rợn, phòng giam tối tăm, chật chội và nguy cơ bệnh tật rình rập vì điều kiện ăn ở mất vệ sinh là những gì các tù nhân phải đối mặt hằng ngày.

Một trong những trải nghiệm mất nhân tính nhất trong nhà tù là “tausa” – hoạt động các tù nhân da màu phải thực hiện hằng ngày để đảm bảo họ không giấu thứ gì bị cấm. Mỗi ngày, các tù nhân da màu hoàn toàn khỏa thân phải nhảy lên không trung, xoay người và mở rộng hai chân trong khi vỗ tay trước sự khám xét của người quản giáo.

Mô hình các tù nhân da màu và da đen ở chung trong khu nhà giam Số Bốn. Ảnh: TTXVN phát

Emakhulukhuthu, “hố sâu tăm tối” là nơi dành cho những hình phạt khắc nghiệt nhất. Đây là những phòng giam cách ly, nơi giam giữ “người mất trí, trẻ vị thành niên và những người mắc bệnh truyền nhiễm”. Các tù nhân bị nhốt 23 giờ mỗi ngày trong ngục tối và chỉ được cấp chút nước gạo cầm hơi. Đứng dưới lớp thép gai của khu biệt giam vẫn sừng sững đâm lên nền trời xanh, Keitu xúc động nói: “Chính trong những phòng giam tối tăm và chết chóc này, rất nhiều tù nhân chính trị đã nung nấu ý chí phản kháng và hun đúc lòng dũng cảm”.

Ngọn lửa dân chủ tại Quảng trường Hiến pháp, nơi hai cầu thang dẫn đến khu nhà chờ xét xử dành cho tù nhân trước đây vẫn được giữ lại. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi

Dẫn chúng tôi đi dọc Quảng trường Hiến pháp, nơi hai cầu thang dẫn đến khu nhà chờ xét xử dành cho tù nhân trước đây vẫn được giữ lại, cô hướng dẫn viên trẻ cho biết khu nhà tù đóng cửa năm 1983 và đến khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid bị xóa bỏ, chính phủ mới của Nam Phi đã chọn nơi đây là địa điểm cho Tòa án Hiến pháp. Ngày 21/3/2004, nhân Ngày Nhân quyền Nam Phi và tròn 10 năm sau khi Nam Phi thiết lập nền dân chủ, Tòa án Hiến pháp được khánh thành tại Đồi Hiến pháp. Chỉ một ngày sau, khu vực này cũng mở cửa cho công chúng như một bảo tàng tập trung vào di sản, giáo dục và du lịch.

Bên trong Tòa án Hiến pháp, một tấm kính mỏng trong suốt bao quanh bức tường phòng xử, tượng trưng cho sự minh bạch. Mười một chiếc ghế da màu đen, mỗi chiếc ghi tên một thẩm phán. Ghế dành cho công chúng ngang tầm với ghế của các thẩm phán, thể hiện sự bình đẳng. Tại đây, có một sự đảo ngược thú vị, nơi mà nhân quyền và phẩm giá của người dân từng bị chà đạp, nay đã được biến thành nơi bảo vệ quyền lợi của người dân.

Các hiện vật trưng bày tại Đồi Hiến pháp. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi

Ở tuổi 26, Keitu không chứng kiến những ngày tháng lịch sử của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc trên đất nước Nam Phi, bao gồm cả chiến thắng ngày 30/6/1991, khi những đạo luật đưa ra để củng cố sự thống trị của người da trắng chính thức bị xóa bỏ, hay cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở nước này từ 26-29/4/1994. Tất cả những gì Keitu biết và kể cho chúng tôi là những điều cô được ông, bà, bố, mẹ kể lại cũng như tìm hiểu trong sách báo. phim ảnh...

Tuy nhiên, với Keitu, được làm hướng dẫn viên tại Đồi Hiến pháp, kể lại câu chuyện của Đồi Hiến pháp là điều cô thực sự rất tự hào. Cô chia sẻ: “Đồi Hiến pháp kể lại một câu chuyện hấp dẫn, thường là bi kịch, về lịch sử có thật của Nam Phi; một lịch sử trong đó những bất công tràn lan ở các cấp độ xã hội, văn hóa và chính trị. Tuy nhiên, đây cũng là một câu chuyện chiến thắng, vì Nam Phi đã giành lại tự do và hiện bảo vệ quyền và phẩm giá của mỗi công dân”.

Kết thúc chuyến tham quan Đồi Hiến pháp, chúng tôi có cảm giác như đang chia tay quá khứ đen tối với một bên là di sản của chế độ phân biệt chủng tộc và chào đón hiện tại tươi sáng với những giá trị tự do, bình đẳng và nhân phẩm. Đó chính là lịch sử cuộc đấu tranh cho bình đẳng và xóa bỏ phân biệt chủng tộc ở đất nước Cầu Vồng, đất nước có niềm tự hào lớn trong việc biến quá khứ đau thương thành một tương lai tươi sáng.

Hồng Minh (PV TTXVN tại Nam Phi)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/noi-ky-uc-phan-biet-chung-toc-va-bieu-tuong-binh-dang-dan-xen-20220630174737103.htm