Nỗi kinh hoàng ở hồ bơi: Vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập vào mắt

Việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia - một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt.

Hồ bơi thu hút người dân mùa hè. Ảnh minh họa.

Hồ bơi thu hút người dân mùa hè. Ảnh minh họa.

Mùa hè là thời gian lý tưởng cho các hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như bơi lội, dã ngoại…. Nhiều hồ bơi chật kín, quá tải do người dân tìm đến tránh nóng. Nhưng các chuyên gia cảnh báo: Bể bơi bẩn, nước xử lý không đạt tiêu chuẩn sẽ trở thành nỗi kinh hoàng đối với sức khỏe, nhất là mắt.

Ghi nhận của PV cho thấy, gần đây tại các bệnh viện mắt gặp khá nhiều bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc, có cả trẻ con và người lớn.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 - cho biết: Thời gian gần đây, các bệnh về mắt có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. Trong đó, viêm kết mạc có thể do trong hồ bơi có chất chlorine làm mắt đỏ kích ứng kéo dài.

"Việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng"- BS Nguyên cho biết.

BS Phạm Xuân Nguyên trả lời PV. Ảnh: BVCC

Đồng quan điểm này, BS Hoàng Cương- Bệnh viện Mắt Trung ương - cho biết: "Đau mắt đỏ khi đi bơi tại các bể bơi công cộng lại là nguy cơ tiềm tàng. Người đi bơi có nguy cơ nhiễm vi khuẩn có tên là chalamydia - đây là vi khuẩn cùng họ với vi khuẩn gây ra bệnh mắt hột. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Các bác sĩ Pháp còn gọi bệnh là viêm kết mạc bể bơi hay viêm kết mạc thể vùi trên người lớn".

Theo BS Cương, biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, giác mạc có thể bị ảnh hưởng: Viêm giác mạc chấm và thẩm lậu giác mạc vùng rìa, viêm dưới biểu mô và màng máu. Một chu kỳ bệnh diễn tiến từ 3 đến 12 tháng. Chính vì vậy bệnh nhân nên đi khám để lấy đơn thuộc điều trị đặc hiệu và phải kiên trì điều trị theo đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, BS Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết, BV cũng gặp một số bệnh nhân dị ứng mắt do khói bụi và các dị nguyên như phấn hoa, lông súc vật... Tình trạng dị ứng có thể gây ngứa, đỏ mắt kèm theo cảm giác nóng rát. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm: Màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng.

Để phòng bệnh về mắt trong mùa hè, các BS khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý tìm cho trẻ bể bơi đảm bảo chất lượng vệ sinh. Sau khi trẻ bơi xong, nên cho trẻ rửa mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Nếu không may trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bác sỹ chuyên khoa thăm khám, để được tư vấn điều trị, không nên tự ý dùng thuốc, sẽ tăng nguy cơ khiến bệnh nặng nề hơn.

Thùy Linh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/noi-kinh-hoang-o-ho-boi-vi-khuan-bo-phan-sinh-duc-xam-nhap-vao-mat-615645.ldo