Nói không với việc đưa hối lộ của doanh nghiệp

Chiều nay 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các ý kiến của ĐBQH liên quan đến lĩnh vực thuộc Chính phủ phụ trách…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của ĐBQH

Trả lời câu hỏi của ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) về sự chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội đang diễn ra. Trong kinh tế thị trường, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn quan điểm và biện pháp khắc phục vấn đề này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các hệ thống chính trị đời sống của nhân dân từ miền núi tới vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể. Cái đói, cái thiếu được đẩy lùi, giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào xa xôi, hải đảo, thu nhập của người ở nông thôn chưa bằng một nửa so với thành thị. Đặc biệt ở vùng núi chỉ đạt 44%.

Chính vì vậy, để giải quyết được vấn đề này chúng ta phải tiến hành nhiều việc như đẩy mạnh, ổn định, tái cơ cấu kinh tế tăng theo chất lượng, hiệu quả. Đào tạo việc làm cho những người nông dân ở miền núi tốt hơn, an sinh xã hội tốt hơn, nhất là tín dụng cho người nghèo.

Cần phải tạo điều kiện cho người dân làm chủ, đó cũng là một trong những biện pháp giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Về mặt xã hội, cần tiếp tục tiếp cận dịch vụ chủ chốt của các ngành kinh tế, sẽ giảm được khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn, thành thị và miền núi.

Vấn đề tiếp theo được ĐB Tô Văn Tám nêu, liên quan đến giải pháp giải quyết kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vấn đề này tại Nghị quyết Trung ương 5 đã ban hàng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và đưa ra những giải pháp trong đó, hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân là rất cần thiết.

Đối với việc hỗ trợ nhà đầu tư, tiếp tục giảm chi phí, lệ phí nhất là lệ phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo. Đặc biệt là nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tạo ra không gian cho kinh tế tư nhân phát triển…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) về chất lượng tăng trưởng hiện nay và những ý kiến khác nhau đánh giá về các dự án BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng khá của Việt Nam được duy trì trong một thời gian dài. Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu tăng trưởng tích cực, giảm nông nghiệp, tăng trưởng dịch vụ. Chỉ số năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc.

Đối với những ý kiến khác nhau về các dự án BOT giao thông, có thể thấy, tầm quan trọng của việc xã hội hóa nguồn lực, đây là tinh thần của Nghị quyết Trung ương khóa XIII. Những năm qua, chúng ta có bước phát triển hạ tầng vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Đến nay, chúng ta đã BOT các dự án giao thông đến 200.000 tỷ đồng.

BOT là một chính sách cần thiết, hiệu quả trong việc phát triển hạ tầng. Nhưng qua kiểm toán cho thấy, việc triển khai BOT giao thông nhiều bất cập. Cụ thể, quy hoạch hệ thống BOT chưa tốt, còn chồng chéo. Có những tuyến đường đặt trạm BOT chưa hợp lý khiến dư luận bất bình.

“Có thể thấy, cơ chế, thể chế BOT còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu giám sát, kiểm tra dẫn đến nhiều sai phạm. Do vậy, cần hoàn thiện thể chế pháp luật; kiểm soát được tổng mức đầu tư, chi phí… để không làm ảnh hưởng hiệu quả BOT giao thông và có những công trình BOT tốt hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/noi-khong-voi-viec-dua-hoi-lo-cua-doanh-nghiep/748507.antd