Nói 'không' với tinh bột có phải là cách giảm cân tốt?

Rất nhiều người đã dùng phương pháp giảm cân bằng cách cắt hoàn toàn tinh bột. Chuyên gia dinh dưỡng và thực hành lâm sàng khẳng định: Đó là phương pháp không tốt, thậm chí còn rất nguy hại.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để giảm cân, hãy theo chế độ ăn hạn chế tinh bột dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ để không vướng phải tác dụng phụ. Ảnh: TL

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để giảm cân, hãy theo chế độ ăn hạn chế tinh bột dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ để không vướng phải tác dụng phụ. Ảnh: TL

Vì sao khi đói rất hay bị chóng mặt, mất tập trung?

Bơ phờ sau hơn 1 tháng bỏ toàn bộ các món ăn có tinh bột như cơm, bún, phở, khoai, bánh mỳ… chị Ngọc Ánh (28 tuổi) bàng hoàng thề “từ nay chừa tiệt”. Hóa ra, để giảm cân, phòng ngừa các bệnh béo phì, tiểu đường, chị Ánh kiên quyết nói “không” với những món này, khẩu phần ăn hàng ngày gồm 3 bữa, chỉ quanh quẩn rau, thịt, hoa quả thì ăn xả láng không trừ loại nào. Vài ngày đầu, chị thấy rất nhẹ nhõm vì “nhẹ bụng”, “không bí bách”. Nhưng được 1 tuần, chị bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, cảm giác vừa ăn xong đã đói. Thậm chí, suy nghĩ tự nhiên “chậm lại”, mất tập trung, không linh hoạt như trước. Tệ hơn, cân nặng của chị không hề giảm, trong khi đó da dẻ bủng beo, mệt mỏi.

Không chỉ cắt tinh bột từ cơm, bún, phở như chị Ánh, một số người cũng đoạn tuyệt không dùng ngũ cốc và các loại hạt như: Bánh mì, khoai, ngô, đậu, hạt điều, mè, đậu phộng, đậu nành… Họ cũng tuyệt đối không dùng đường sữa, bánh ga-tô, kẹo, nước ngọt có gas và không gas, thậm chí chỉ ăn các loại hoa quả tươi.

TS Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, suy nghĩ và quan điểm như chị Ngọc Ánh chưa thật sự chính xác. Vị chuyên gia này cho hay, đúng là thừa cân, béo phì có một nguyên nhân do sử dụng quá nhiều chất bột đường. Vì khi cơ thể cung cấp nhiều chất bột đường sẽ làm tăng đường huyết và cơ thể sẽ lại phải tiết insulin để giúp đường huyết trở lại ngưỡng ổn định. “Nếu chúng ta cung cấp quá nhiều chất bột đường, kéo dài hơn nhu cầu khuyến nghị thì năng lượng dư thừa sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ và được tồn tại dưới da hoặc quanh các tạng”, TS Trọng Hưng nói.

Theo ThS.BS Trần Khánh Vân, Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hiện nay đang có trào lưu nhiều người cắt bỏ hoàn toàn tinh bột (cơm, khoai, ngô, sắn...) để giảm béo. Đây là một phương pháp phản khoa học, gây hại cho sức khỏe. Thậm chí việc cắt sạch tinh bột này trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

TS Trọng Hưng phân tích: Chế độ ăn của con người được cung cấp và cân đối từ 3 chất sinh nhiệt: Chất bột đường, chất đạm và chất béo. Nếu cắt giảm toàn bộ nguồn tinh bột từ các loại thực phẩm thì cơ thể sẽ mất đi một nguồn năng lượng lớn được cung cấp (khuyến nghị chất bột đường nên cung cấp từ 45-60% năng lượng/ngày cho người trưởng thành), nên việc người sử dụng có thể dễ bị hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, hạ đường huyết là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Nhiều người xảy ra tình trạng đói là hay choáng váng, đầu óc không tỉnh táo, đấy là do cơ thể không được cung cấp đầy đủ đường, đặc biệt là những cơ quan và tổ chức chỉ sử dụng đường làm năng lượng hoạt động như tế bào não, hồng cầu và một số tế bào khác”, TS Trọng Hưng cho biết.

Ảnh hưởng đến não, gan và các bộ phận khác

BS Khánh Vân cho hay, trên nhiều tạp chí quốc tế, người ta đã đưa ra những nghiên cứu kỳ công theo chiều dọc, cho thấy tuổi thọ nhóm người loại bỏ tinh bột khỏi bữa ăn thấp hơn người dùng tinh bột trong bữa ăn hàng ngày.

Tháng 8/2018, một nghiên cứu thực nghiệm ở Đan Mạch cho thấy chế độ ăn low carb (loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi bữa ăn) sẽ không đảm bảo năng lượng cân đối theo nhu cầu của cơ thể. Khi giảm tinh bột, cơ thể sẽ sử dụng mỡ cơ thể để chuyển hóa thành năng lượng sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hóa mỡ thừa trong cơ thể sẽ sinh ra chất gây hại cho gan, khiến gan bị nhiễm mỡ.

BS Khánh Vân khẳng định, việc tăng và giảm cân luôn phải theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lương tiêu hao. Theo nghiên cứu, mỗi ngày chúng ta chỉ dư thừa 30kcal năng lượng tiêu hao so với năng lượng nạp vào, lâu dần cũng tích mỡ gây lên cân.

Phân tích thêm về vai trò của tinh bột đối với cơ thể, TS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, tinh bột giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể: 1g tinh bột cho 4kCal, chiếm khoảng 45-60% năng lượng. Tinh bột giúp cung cấp những chất tham gia cấu trúc tế bào như: Glucose, ribose, galactose… giúp nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, hồng cầu… Tinh bột cũng có vai trò trong kích thích nhu động ruột nhờ cung cấp nguồn chất xơ của cơ thể.

Để xác định chính xác lượng tinh bột cho một người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Tuổi, giới, cân nặng, chiều cao, tình trạng bệnh tật đi kèm. Theo TS Trọng Hưng, với một người có cân nặng trong giới hạn bình thường (không gầy hoặc thừa cân-béo phì), mức độ lao động nhẹ thì có thể chỉ cần ăn mỗi bữa một bát cơm là có thể cung cấp đủ nhu cầu tinh bột cho cơ thể.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), khi nhịn ăn theo “bài” detox hay low carb, cơ thể phải tiêu hủy các mô dự trữ như mô mỡ, mô cơ và phải sử dụng các sản phẩm chuyển hóa độc hơn như ketonic để sinh năng lượng. Đồng quan điểm này, BS Khánh Vân cho hay, thực tế đã chứng minh rằng: Nếu thực hiện chế độ ăn không bảo đảm nhu cầu năng lượng hay chế độ giảm cân low carb mà khá nhiều người đang thực hiện thì cơ thể buộc phải huy động protein, mỡ tự thân để bảo đảm năng lượng cho các hoạt động.

“Não thiếu năng lượng, giảm chuyển hóa nên người ta thấy suy nghĩ chậm lại, người ăn kiêng tự cảm thấy thanh thản. Và theo phản ứng bản năng sinh tồn của cơ thể phải tìm kiếm nguồn thức ăn khi thiếu năng lượng nên một số giác quan bị huy động tối đa: Mắt tinh hơn, tai thính hơn... vì thế nhiều người lầm tưởng cơ thể được thanh lọc khỏe khoắn hơn. Quá trình nhịn ăn nếu kéo quá dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ phải tiêu hủy các mô quan trọng để sinh năng lượng như mô cơ, thậm chí cả cơ tim và não thì con người có thể tử vong. Ngoài ra, chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan”, ThS Trung Cấp phân tích.

Cũng theo ThS Trung Cấp, thông thường trong điều kiện nghỉ ngơi, cơ thể con người vẫn cần khoảng 30 kcal/kg/24h. Trong đó não tiêu thụ khoảng 18% tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Nhịn ăn kéo dài rất nguy hiểm, dù tử vong do thiếu năng lượng xảy ra chậm hơn so với tử vong do thiếu nước và điện giải.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, hãy theo chế độ ăn hạn chế tinh bột dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ để không vướng phải tác dụng phụ. Đặc biệt, không cắt bỏ hoàn toàn tinh bột, bởi đây là cách giảm cân phản khoa học. Ngoài ra, tinh bột phải hạn chế cả bữa chính và bữa phụ, không ăn bù vào lúc khác. Bên cạnh đó, muốn giảm cân không chỉ “giao phó” cho việc giảm tinh bột mà phải tích cực hoạt động cơ thể đều đặn. Không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi ngày nên tập 30 phút, tập 5 ngày/tuần ở mức độ trung bình hoặc tùy tình trạng sức khỏe.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/noi-khong-voi-tinh-bot-co-phai-la-cach-giam-can-tot-20181017213631181.htm