Nói 'không' với thực phẩm kém chất lượng

'Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm nay (15-4 đến 15-5), TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát nguồn gốc của nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn trường học, bệnh viện, công ty, nhà hàng… Kết quả xử lý vi phạm sẽ được công khai' – Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại buổi phát động hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2019.

Khoảng 4 giờ sáng, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Các cán bộ chuyên môn nhanh chóng kiểm tra nhiều mặt hàng, lấy mẫu xét nghiệm và đối chiếu hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm; chấn chỉnh những sai sót của bộ phận quản lý và chủ sạp hàng khi phát hiện thực phẩm chưa đạt chuẩn. Cuối buổi kiểm tra, đại diện đoàn đánh giá chợ Bình Điền cơ bản chấp hành nghiêm quy định an toàn, nhiều tiểu thương có ý thức tốt trong việc bảo đảm thực phẩm sạch, có chất lượng. Theo số liệu thống kê, năm 2018, Ban quản lý chợ đã phối hợp với Ban Quản lý ATTP thành phố tập huấn cho 1.500 lượt tiểu thương về kiến thức ATTP, tổ chức 4 đợt thi về kiến thức ATTP cho hơn 800 tiểu thương và đối tác; lấy 569 mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, test nhanh 200 mẫu hàn the trong cá và thịt xay…. Kết quả kiểm tra, các chỉ số phần lớn nằm trong giới hạn cho phép. Nhiều chợ đầu mối khác, như: Hóc Môn, Thủ Đức, An Đông… cũng thường xuyên chịu sự kiểm tra chặt chẽ của lực lượng chức năng để bảo đảm chất lượng thực phẩm, ngăn chặn hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh kiểm tra ATTP tại chợ Bến Thành.

Theo ông Đoàn Văn Nhứt, Đội trưởng thuộc Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối có lượng hàng hóa tiêu thụ hằng ngày rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ hàng kém chất lượng. Do vậy, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng hóa không rõ nguồn gốc. Khi kiểm nghiệm nếu thấy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay chất cấm, cơ quan quản lý có thể truy xuất nguồn gốc để phong tỏa lô hàng, xử lý thích đáng theo pháp luật. Trong tháng ATTP năm nay, Ban Quản lý ATTP tiến hành kiểm tra, thẩm định điều kiện ATTP hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, ở chợ truyền thống và điểm bán hàng lẻ vẫn xảy ra tình trạng buôn bán hàng chưa bảo đảm vệ sinh, ATTP. Quý 1-2019, thành phố kiểm tra 22.530 cơ sở, thì phát hiện 8.505 cơ sở vi phạm (chiếm gần 38%). Theo Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), người tiêu dùng luôn có tâm lý thích của rẻ và tiện lợi nên nhiều người dù có tiền nhưng vẫn chọn mua hàng vỉa hè, hàng trôi nổi. Cho nên, cần tuyên truyền làm thay đổi suy nghĩ, thói quen tâm lý này để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Biện pháp này đã được thành phố triển khai sâu rộng trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động hướng dẫn bộ phận thuộc quyền ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng; phối hợp kiểm tra nguồn gốc thực phẩm.

Mới đây, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố gửi văn bản yêu cầu các trường học tăng cường thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP tại bếp ăn bán trú, kiểm tra căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhà trường để phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Sở Công Thương đẩy mạnh đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm. Sở Y tế phối hợp kiểm tra tại bệnh viện, khu dân cư để kịp thời tuyên truyền vệ sinh, ATTP cho người dân. Hội đồng nhân dân thành phố cũng thành lập các tổ công tác giám sát thực phẩm an toàn tại các chợ có lượng tiêu thụ hàng hóa lớn. Các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố và đoàn thể xã hội tích cực tuyên truyền tác hại của thực phẩm không an toàn… Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Để người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cần tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; đồng thời xử lý thích đáng những trường hợp cố tình sai phạm, coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bằng những chế tài thật nghiêm khắc”.

Bài và ảnh: YẾN LONG-HÙNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-khong-voi-thuc-pham-kem-chat-luong-573058