Nói không với thịt chó: Chờ tiếng nói của bộ trưởng

Mấy hôm nay, báo chí dồn dập đăng tin nhiều nước nói không với thịt chó, mèo. Nào là Hạ viện Mỹ vừa thông qua luật cấm giết mổ chó, mèo lấy thịt.

Trước đó, tòa án nọ ở Hàn Quốc đã mở ra một trang mới cho việc cấm ăn thịt chó ở quốc gia này bằng việc xử phạt một chủ trại nuôi chó đã giết mổ chó để lấy thịt bất hợp pháp. Rồi từ giữa tháng 4-2017, Đài Loan đã ban hành luật cấm mọi hành vi giết mổ, buôn bán và ăn thịt chó, mèo…

Trước đó, tòa án nọ ở Hàn Quốc đã mở ra một trang mới cho việc cấm ăn thịt chó ở quốc gia này bằng việc xử phạt một chủ trại nuôi chó đã giết mổ chó để lấy thịt bất hợp pháp. Rồi từ giữa tháng 4-2017, Đài Loan đã ban hành luật cấm mọi hành vi giết mổ, buôn bán và ăn thịt chó, mèo…

Thì ra cớ sự nhìn ra thế giới nói trên là do UBND TP Hà Nội vừa có văn bản khuyến cáo người dân thôi ăn thịt chó, mèo. Hai nguyên nhân chính để chính quyền nơi đây đưa ra ý kiến đó: Tránh mắc các bệnh truyền nhiễm như dại, xoắn khuẩn, tả... khi giết mổ, buôn bán, ăn thịt chó, mèo; nên đối xử nhân đạo với súc vật.

Từ chỗ Hà Nội là nơi đầu tiên ở Việt Nam đánh tiếng “không nên ăn” chứ không phải là “không cho ăn” thịt chó như cách mà nhiều quốc gia đang làm nên dư luận đang năm người mười ý. Có lẽ vì không muốn cãi hoài mắc mệt, nhất là khi thấy đất nước của thầy Park Hang-seo - nơi có khoảng 17.000 trang trại nuôi chó lấy thịt - mà giờ đã mạnh dạn từ chối thịt chó, nhóm không chấp nhận việc ăn thịt chó đã đề xuất nhà nước ra ngay luật cấm đoán.

Vậy cơ quan phụ trách các loại động vật là Bộ NN&PTNT có thể sớm xem xét đề nghị này để tự mình hoặc để Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách mới điều chỉnh sự việc được không?

Cơ quan chức năng phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM đang kiểm tra các điểm bán thịt chó. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo quy định hiện tại của Bộ NN&PTNT thì chó, mèo là loại gia súc phải được kiểm dịch động vật khi được vận chuyển đến tỉnh khác hoặc xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng không phải là loại động vật dùng làm thực phẩm để buộc phải được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Cách sắp xếp này xuất phát từ chỗ chó, mèo được người Việt nuôi với mục đích chủ yếu là để giữ nhà. Thông tin mới nhất từ UBND TP Hà Nội cho thấy rõ điều này: Với khoảng 5.000 con chó, mèo đang có trên địa bàn thì có khoảng 87,5% giữ nhà, còn lại là để làm cảnh, làm thực phẩm và kinh doanh.

Tuy nhiên, khi trên thực tế có việc giết mổ, bán thịt và còn được những người ăn xem là món “quốc hồn quốc túy” thì vì ít nên tiếp tục mặc kệ? Hay dẫu ít cũng phải được chính thức thừa nhận như Bộ NN&PTNT đang làm với ngựa, lừa, la dù chưa hẳn thịt của con vật này phổ biến hơn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm?

Có lẽ bộ trưởng Bộ NN&PTNT nên chọn trước phương án siết việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y vì đúng thẩm quyền nên sẽ nhanh hơn mà cũng hiệu quả. Khi thịt chó có nguồn gốc rõ ràng từ những con chó khỏe mạnh chứ không phải là chó xà mâu, trúng bả… dẫn đến giá sẽ đắt hơn thì người mua cũng sẽ cân nhắc để ít chọn hơn. Còn việc cấm tiệt (cấm giết mổ, cấm ăn) do khó hơn về nhiều thứ, như về quan điểm bảo vệ động vật, về quyền hạn ban hành chính sách mới… nên có thể tính sau.

Chưa kể là việc kiểm soát miếng thịt còn góp phần giảm nạn trộm chó gây ra nhiều bi kịch. Lâu nay, tiếng là để bảo vệ một con vật đáng yêu mà nhiều người đã đối xử bất nhẫn, dã man với những người trộm chó. Thay vì để các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm, họ đã nhốt kẻ trộm vào chuồng chó, đánh đập tơi tả…

Do chó, mèo luôn gắn với bệnh dại khá nguy hiểm nên Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại 2017-2021. Từ đó các tỉnh, thành đã ban hành chương trình cụ thể để thực hiện trên địa bàn và khi triển khai thì UBND TP Hà Nội đã đánh động người dân “dần thay đổi thói quen, nhận thức khi sử dụng thịt chó, mèo” (nguyên văn trong văn bản).

Điều đáng nói là Hà Nội và nhiều địa phương khác lại không đề cập nhiều đến việc giết mổ, bán thịt để ai ai cũng dễ dàng biết như thế nào là trái phép, là vi phạm để không mắc lỗi.

Vậy nên một lần nữa xin được đề nghị rằng: Khi chưa có luật cấm thì bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần có tiếng nói chính thức và tổ chức truyền thông về quy định kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y dành cho chó, mèo. Không chỉ là để góp phần loại trừ bệnh dại, quy định cần thiết đó còn nhằm để hoạt động mua, bán thịt chó, mèo được quản lý chặt và sẽ dần chấm dứt như mong mỏi của số đông.

NGUYÊN THY

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/noi-khong-voi-thit-cho-cho-tieng-noi-cua-bo-truong-792525.html