Nói không với tệ nạn xã hội

Nhằm bảo vệ và giúp công nhân lao động (CNLĐ) tránh xa các tệ nạn xã hội, nhận biết rõ những tác hại của ma túy, HIV/AIDS, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong CNLĐ…

Thực tế cho thấy, vẫn còn có những CNLĐ đang thiếu kiến thức, kỹ năng để nhận biết, phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Chính vì thế, nhằm giúp CNLĐ được nâng cao kiến thức về phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn nguy hiểm cho bản thân, đồng nghiệp và gia đình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức trong CNLĐ.

CNLĐ hăng say sản xuất để tăng thu nhập và luôn nói không với tệ nạn xã hội

Theo Chủ tịch Công đoàn các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản, Công đoàn các KCN - CX luôn xác định công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong CNLĐ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhiệm vụ này đã và đang được triển khai thường xuyên qua việc tổ chức các lớp tuyên truyền cho cán bộ công đoàn và CNLĐ bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, nhân dịp Tháng Công nhân, Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS…

Công đoàn các KCN – CX cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tư vấn pháp luật miễn phí cho CNLĐ, cung cấp thông tin cho đoàn viên, CNVCLĐ về những kiến thức trong phòng, chống HIV/AIDS… Song song với đó, các cấp công đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao nhằm giúp CNLĐ rèn luyện sức khỏe, đồng thời, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, LĐLĐ TP Hà Nội đã đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô chủ động phối hợp với ngành hữu quan và chuyên môn trong triển khai Tháng hành động, đồng thời lồng ghép trong hoạt động công đoàn, để công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ mang lại hiệu quả thiết thực.

Thông qua đó, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ về sự ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, tích cực hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam cho biết, hằng năm, công đoàn công ty đều tổ chức hội thi thể dục thể thao trong CNLĐ, hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của công đoàn thông qua việc tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp CNLĐ rèn luyện sức khỏe để đảm bảo cho lao động sản xuất mà còn giúp CNLĐ tránh xa những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm…

Cùng với đó, được sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn công ty đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho CNLĐ về hiểm họa của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp, cần sa và các chất hướng thần, từ đó nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho CNLĐ. Thực tế, trong công ty có hàng nghìn công nhân đang lao động sản xuất nhưng không có trường hợp nào mắc phải tệ nạn ma túy, HIV/AIDS.

Ngoài ra, tại những khu trọ có tổ công nhân tự quản, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong CNLĐ cũng được triển khai hiệu quả. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu trọ có tổ công nhân tự quản, CNLĐ thuê trọ thường xuyên được tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, gắn với các hoạt động, phong trào của tổ chức công đoàn.

Cụ thể là tuyên truyền, giáo dục, vận động CNLĐ tại nhà trọ không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy; nêu cao cảnh giác, phát hiện và tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, chống lại các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, mại dâm…

Các tổ công nhân tự quản cũng thường xuyên tổ chức và duy trì các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như bóng chuyền hơi, bóng bàn…; thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật trong CNLĐ, trong đó tập trung tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và tuyên truyền các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNLĐ.

Qua các hoạt động đó, tình hình an ninh trật tự tại các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân luôn được giữ ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống và bài trừ tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác trong CNLĐ.

Anh Nguyễn Văn Hiện, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về các loại tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, HIV/AIDS. Qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi nhận biết được tác hại và cách phòng ngừa các loại tệ nạn, từ đó kiên quyết nói không với tệ nạn xã hội, AIV/AIDS.

Đồng thời, từ những kiến thức tích lũy được, tôi cũng thường xuyên chia sẻ với người thân và bạn bè của mình về tác hại của ma túy, kèm theo những chia sẻ đó là lời khuyên, lời nhắn nhủ mọi người hãy tránh xa tệ nạn xã hội. Đối với CNLĐ, quan trọng nhất là có sức khỏe để lao động sản xuất, đem lại lợi nhuận cho công ty và thu nhập cho bản thân, gia đình. Chính vì thế, bên cạnh việc hăng say lao động, tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động thể thao vừa để rèn luyện sức khỏe vừa để hạn chế thời gian rảnh rỗi để không vướng phải những tệ nạn xã hội.”

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, LĐLĐ TP Hà Nội đã đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô chủ động phối hợp với ngành hữu quan và chuyên môn trong triển khai Tháng hành động, đồng thời lồng ghép trong hoạt động công đoàn, để công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong đó, tập trung vàomột số nội dung chủ yếu như: Tuyên truyền Luật Phòng, chống HIV/AIDS; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền như: Xây dựng các panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và các KCN - CX; sử dụng hiệu quả, phổ biến các ấn phẩm truyền thông của Tổng Liên đoàn về tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội tới đoàn viên, CNVCLĐ; Tăng cường việc cung cấp thông tin cho đoàn viên, CNVCLĐ về những kiến thức trong phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống thông tin cơ sở, trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử của các cấp Công đoàn Thủ đô… sẽ góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ về sự ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, tích cực hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đây là Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-khong-voi-te-nan-xa-hoi-83871.html