Nói 'không' với giấy tờ giả

Thời gian gần đây, lực lượng Công an cả nước đã giám định và phát hiện hàng vạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô, mô tô, giấy phép lái xe là giả. Vấn nạn giấy tờ giả đang thực sự đáng báo động khi chỉ nhấp chuột tìm kiếm lập tức xuất hiện hàng triệu đường link liên quan đến mua bán văn bằng, chứng chỉ giả.

Thậm chí, các đối tượng ngang nhiên mời chào, rao bán giấy khám sức khỏe, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả trên mạng xã hội chỉ với giá từ 50 đến 500 nghìn đồng.

Các chuyên gia an ninh cảnh báo, đáng lo ngại là tội phạm công nghệ cao sử dụng máy in có độ phân giải cao, sử dụng những màu mực chính không pha tạp và in bằng phương pháp phun màu, in laser màu trên nền giấy tương ứng. Vì vậy, về hình dáng, đặc điểm, màu sắc bên ngoài rất rõ nét, giống hoàn toàn so với các loại giấy tờ thật, rất khó phát hiện nếu không có các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng.

Điển hình như tối 25-8, Bộ Công an và các lực lượng phối hợp tổ chức đột kích khám xét 7 địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, bắt tổng cộng 20 người liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả quy mô toàn quốc. Tại các địa điểm, Công an thu giữ lượng lớn tang vật máy móc, thiết bị và giấy tờ giả các loại như: Giấy tờ nhà đất, bằng lái xe, giấy đăng ký xe, bằng cấp các loại, thẻ nhà báo...

Được biết, đường dây này hoạt động trong nhiều tháng nay với lượng khách hàng giao dịch thông qua mạng xã hội lên tới hàng chục nghìn người.

Điều đáng nói, các giấy tờ giả thành phẩm được cho là giống như thật, mắt thường nhìn rất khó phát hiện đang được các đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân; nhiều vụ có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Thực tế thời gian qua, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hầu hết các hành vi lừa đảo đều thông qua các loại giấy tờ, chứng thực giả để đánh vào lòng tin của con người.

Dù lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá hàng trăm ổ nhóm làm giấy tờ giả, nhưng loại tội phạm này vẫn còn “đất sống” khi người dân vẫn có nhu cầu về giấy tờ giả, nhất là giấy khám sức khỏe, hồ sơ xin việc làm, hợp đồng lao động, hộ khẩu, văn bằng, chứng chỉ... để hợp thức hóa các thủ tục hành chính.

Rõ ràng, không thể “xóa sổ” tận gốc vấn nạn giấy tờ giả nếu không có sự chung sức của toàn xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung đối với việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng. Mức phạt cao nhất đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ từ 10 - 20 triệu đồng.

Theo nhiều chuyên gia, chế tài xử lý trên chưa đủ sức răn đe các đối tượng làm giả giấy tờ cũng như những người tiếp tay cho loại tội phạm nguy hiểm này.

Để người dân quyết tâm nói “không” với giấy tờ giả, thiết nghĩ, cùng với tăng cường phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì việc quản lý đăng ký dân cư bằng mã số định danh cá nhân và thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ là giải pháp quan trọng để loại bỏ triệt để tình trạng làm giả giấy tờ liên quan đến công dân.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-khong-voi-giay-to-gia-post432916.html