Nói không rồi lại tăng giá SGK

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mới đồng ý về chủ trương nhưng NXB Giáo dục Việt Nam vẫn quyết định điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 với mức tăng bình quân từ 1.000-1.800 đồng/cuốn

Tối 29-3, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có thông báo tăng giá sách giáo khoa (SGK) năm học 2019-2020, dự kiến phát hành từ tháng 4 tới đây. Trước đó, ngày 6-3 đơn vị này khẳng định năm học 2019-2020 giá SGK vẫn giữ nguyên như những năm học trước.

Tự ý tăng giá

Thông báo trên được đưa ra tối 29-3, theo đó, giá bán các bộ SGK từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng từ 6.500-25.800 đồng mỗi bộ, mức tăng bình quân mỗi cuốn từ 1.000-1.800 đồng.

Thông tin này lập tức gây sốc dư luận bởi cách đây chưa đầy 1 tháng, khi thông tin NXB Giáo dục Việt Nam tăng giá SGK được đưa ra, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam không tăng giá SGK trong năm học 2019-2020. Ngay sau đó, ngày 6-3, NXB Giáo dục Việt Nam ra thông báo giữ nguyên giá SGK như hiện nay.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tại nhiều nhà sách đã xuất hiện các cuốn SGK mới do NXB này in ấn và phát hành, với mức giá tăng tùy theo từng cuốn. Lý giải về việc tự ý tăng giá sách khi chưa được bộ chủ quản đồng ý, đại diện NXB Giáo dục cho biết vì Bộ GD-ĐT có chủ trương cho phép điều chỉnh nên NXB Giáo dục đã thông tin cho các đơn vị trực thuộc có kế hoạch in ấn theo mức giá mới.

Trên thực tế, NXB Giáo dục Việt Nam từng có đề nghị duyệt tăng giá SGK và Bộ GD-ĐT chấp nhận về mặt chủ trương nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng bộ chưa chấp thuận đề xuất tăng giá. Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, cũng khẳng định bộ chỉ chấp nhận về chủ trương chứ không phải ý kiến chính thức cho phép tăng giá ngay trong năm học tới.

Khi bị Bộ GD-ĐT "tuýt còi", lãnh đạo NXB Giáo dục nói sẽ sửa lại giá mới theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT bằng cách huy động công nhân các nhà in, cán bộ công nhân viên của NXB ở các bộ phận khác nhau hỗ trợ việc dán lại giá cũ đè lên giá mới đã in ở bìa 4. Nói là vậy nhưng chưa đầy một tháng sau, NXB Giáo dục Việt Nam đã "bẻ còi", phát đi thông báo tăng giá SGK như nói trên.

Vì sao phải tăng giá SGK?

Lý giải việc tăng giá SGK, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết NXB hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, vì là doanh nghiệp nên phải tự cân đối, tự hạch toán hoàn toàn, không có sự trợ giá từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, suốt 8 năm qua, giá SGK không thay đổi, còn các chi phí đầu vào như phí nhân công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận chuyển đều tăng. Điều này khiến cho hoạt động xuất bản, phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam bị lỗ trong những năm gần đây. Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh SGK năm 2016 lỗ 43,3 tỉ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỉ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, NXB Giáo dục Việt Nam đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành của Chính phủ xem xét được điều chỉnh giá bán SGK từ năm học 2019-2020. Do SGK là mặt hàng nhạy cảm, có tác động tới toàn bộ xã hội nên Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu NXB rà soát cơ cấu, chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và báo cáo bộ xin ý kiến chính thức. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện theo Thông báo 108 của Văn phòng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã họp, đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh giá SGK hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản... Để làm cơ sở điều chỉnh giá, Bộ GD-ĐT đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, điều chỉnh lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác bù lỗ kinh doanh SGK, bảo đảm mức giá hợp lý, chia sẻ khó khăn với các bậc phụ huynh.

Mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, phát hành khoảng trên 100 triệu bản SGK. Với giá điều chỉnh mới, NXB này thu về ít nhất hơn 100 tỉ đồng/năm từ tăng giá sách. Con số này chưa kể đến giá sách bổ trợ, sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam cũng tăng khá mạnh từ năm học tới.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/noi-khong-roi-lai-tang-gia-sgk-20190330220426497.htm