Nơi khởi nguồn phong trào ''Ba sẵn sàng''

Trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỷ XX có một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Hà Nội, sau đó trở thành phong trào chung của cả nước, đó là phong trào thanh niên 'Ba sẵn sàng'. Phong trào xuất phát từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thanh niên Hà Nội tại lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” đêm 9-8-1964.

Năm 1964, thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) có phong trào “Tam bất kỳ” (Đi bất kỳ đâu; làm bất kỳ nhiệm vụ gì được Đảng, Nhà nước yêu cầu; hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ nào cũng chấp nhận). Lúc đó, đất nước ta đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ - ngụy ở miền Nam, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam.

Năm 1964-1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam, tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam. Với tinh thần cả nước là chiến trường, thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Bắc, ngoài việc học tập và sẵn sàng phục vụ xây dựng miền Bắc thì luôn sẵn sàng chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Nhận thấy phong trào “Tam bất kỳ” trước đây không còn phù hợp nữa, tháng 5-1964, Đoàn trường ĐHSPHN đã mở rộng thành phong trào “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Từ năm 1965-1975, phong trào “Ba sẵn sàng” của Đoàn trường ĐHSPHN triển khai và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, rộng khắp của thanh niên, sinh viên với những nội dung cụ thể. Ví dụ như sẵn sàng chiến đấu; bảo vệ miền Bắc để giữ vững sản xuất và học tập, nghiên cứu; sẵn sàng chi viện cho miền Nam. Hàng nghìn sinh viên ĐHSPHN đăng ký lên đường ra trận. Rất nhiều sinh viên, cả nam và nữ, đã viết đơn bằng máu gửi lên Đoàn trường, lên Đảng ủy để xin nhập ngũ. Có nữ sinh viên giả trai để được đi chiến đấu. Thậm chí có người đã giấu gạch trong người cho đủ cân nặng để được vào bộ đội. Không ít sinh viên dù đã có quyết định triệu tập đi học tập ở nước ngoài nhưng vẫn làm đơn xin ở lại để ra chiến trường.

Điển hình trong số đó là trường hợp của Phó Bí thư Đoàn trường ĐHSPHN Đặng Xuân Rương. Là em ruột của Tổng Bí thư Trường Chinh, mặc dù nhận được giấy triệu tập đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô nhưng đồng chí Đặng Xuân Rương đã dứt khoát chọn nhập ngũ, chỉ đi nghiên cứu sinh sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất. Cuối năm 1970, đồng chí Rương đã hy sinh anh dũng tại mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị. Một sinh viên khác của Trường ĐHSPHN là Phạm Tiến Duật cũng nhập ngũ trong bối cảnh như vậy. Ông đã trở thành nhà thơ của chiến trường, theo sát bước chân của các binh đoàn, có những sáng tác tâm huyết, có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với tuổi trẻ cả nước thời đó.

Phong trào “Ba sẵn sàng” thể hiện được lý tưởng sống vô cùng sâu sắc, vô cùng đẹp đẽ của thanh niên. Không có gì cao đẹp hơn ngoài tinh thần sẵn sàng cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam. Và rất nhiều người đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Họ để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Những người ở lại Thủ đô quyết tâm xây dựng miền Bắc, chi viện cho miền Nam, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong các trận đánh phá của giặc Mỹ. Trong những năm đó, sinh viên ĐHSPHN nhiều khi phải học tập trong điều kiện cực kỳ khó khăn ở nơi sơ tán: Trường lớp tạm bợ, tài liệu sách vở thiếu, điện không có, nếu thắp đèn dầu thì nguy cơ bị máy bay Mỹ đánh bom. Có những sinh viên khi học phải chui vào gầm tượng của chùa, thắp đèn dầu lên để học... Khó khăn là vậy nhưng giảng viên, sinh viên vẫn duy trì phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, tinh thần quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược luôn tràn ngập trong tim mỗi người.

Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, tối 9-8-1964, tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng, Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” chống Mỹ cứu nước trên toàn thành phố. Phong trào “Ba sẵn sàng” lúc đó đã như “mồi lửa” thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội. Sau khi phong trào được phát động, ngay tuần đầu tiên đã có hơn 80.000 thanh niên Thủ đô đăng ký nhập ngũ, và chỉ một thời gian ngắn sau đó đã lên đến hơn 200.000 người.

Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”. Ảnh: Tư liệu

Tháng 3-1965, Trung ương Đoàn chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” có bổ sung và nâng cao nội dung: Vừa chiến đấu, sản xuất, học tập vừa xây dựng cuộc sống. Từ một phong trào phát động trong thanh niên Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố, vùng Duyên hải Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ. Trong vòng một tháng, toàn miền Bắc đã có hơn 1.000.000 đoàn viên và thanh niên biểu thị lòng quyết tâm đăng ký thực hiện “Ba sẵn sàng”: “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần”. Điển hình là tỉnh Sơn La với hơn 40.000 đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào, trong đó có gần 20.000 đoàn viên, thanh niên đăng ký nhập ngũ. Sau năm 1965, phong trào “Ba sẵn sàng” có thay đổi nội dung phù hợp với thực tế: Sẵn sàng chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.

Phong trào “Ba sẵn sàng” có sức sống rất lớn, đi vào cuộc sống, lan tỏa trong mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập trong giai đoạn đó. Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc cùng với phong trào “Năm xung phong” của miền Nam đã động viên, khích lệ tinh thần tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên hăng hái vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói, thông điệp “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần” luôn thường trực cùng nhịp đập của hàng triệu trái tim tuổi trẻ. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam ở thế kỷ XX.

Phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên một thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, đó là lòng yêu nước, biết hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Phong trào “Ba sẵn sàng” không chỉ có giá trị trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, mà vẫn luôn phát huy giá trị trong thời bình. Đó chính là cơ sở, nền tảng tinh thần để Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Thanh niên tình nguyện”, để các thế hệ thanh niên hôm nay tiếp bước cha anh, gánh vác sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong thời đại mới. Tinh thần “Ba sẵn sàng” cũng nhắc nhở thế hệ thanh niên ngày nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh với bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993635/noi-khoi-nguon-phong-trao-ba-san-sang