Nơi khởi đầu xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống mỗi người

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, gia đình vẫn là nền tảng của xã hội. Cấu trúc của gia đình ở mỗi thời đại ít nhiều thay đổi, nhưng những giá trị cốt lõi vẫn không hề suy chuyển. Và trong cuộc sống hiện đại ngày nay, 'nếp nhà' với những giá trị cơ bản như nhân cách đạo đức, lối sống... ngày càng trở nên quan trọng để nuôi dưỡng những tế bào lành mạnh cho xã hội.

"Cháu mời ông bà ăn cơm. Con mời bố mẹ ăn cơm"... những âm thanh trong trẻo, ấm áp ấy dường như đã trở nên quen thuộc trong những bữa ăn của gia đình Việt bao đời nay. "Kính trên, nhường dưới", ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, cha mẹ... là truyền thống được những thế hệ người Việt Nam đi trước răn dạy thế hệ đi sau, bắt nguồn từ những điều giản đơn trong cuộc sống hàng ngày. Và từ chính những hành vi của ông bà, cha mẹ đã trở thành tấm gương để con trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Nếp sinh hoạt truyền thống trong mỗi gia đình góp phần quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của mỗi người. (Ảnh chụp tại gia đình ông Phạm Quang Chiến, phường Hồng Hải, TP Hạ Long)

Nếp sinh hoạt truyền thống trong mỗi gia đình góp phần quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của mỗi người. (Ảnh chụp tại gia đình ông Phạm Quang Chiến, phường Hồng Hải, TP Hạ Long)

Những năm gần đây, dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống; phê phán gay gắt những hành động đồi bại, thói hư tật xấu đang diễn ra phổ biến hằng ngày. Từ chuyện trẻ em bị ngược đãi, xâm hại; cán bộ y tế làm giả phiếu xét nghiệm máu; những trường hợp con trẻ đánh nhau, xúc phạm bạn bè ngay trên ghế nhà trường; những kẻ thủ ác ra tay rùng rợn và lạnh lùng dù tuổi đời còn rất trẻ... đã gây chấn động dư luận xã hội.

Ngoài những tác động khách quan từ môi trường sống, có lẽ một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu giáo dục của gia đình. Các cuộc điều tra cho thấy, rất nhiều thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật đã chỉ ra rằng nhiều đối tượng phạm tội đều từng thiếu vắng sự thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong gia đình. Bởi vì khi được yêu thương và giáo dục, chắc chắn con người ta sẽ không tìm đến những phương pháp tiêu cực như vậy để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, những tiêu chí về đạo đức, lối sống cũng dần có những thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Đơn cử như trong việc giáo dục con trẻ, đã xuất hiện hiện tượng “lệch chuẩn”, giáo dục không đồng đều trong 1 bộ phận phụ huynh, khi không ít người quan niệm rằng trong thời đại ngày nay, đạo đức, con ngoan chỉ là học giỏi. Những nền nếp truyền thống như vâng lời, lễ phép, chăm chỉ, tự giác làm việc nhà… dường như dần bị coi nhẹ.

Một bộ phận cha mẹ khác lại tiếp thu nền giáo dục phương Tây, nuông chiều và cho phép con hành xử theo lối “tự do ngôn luận”, “thích gì làm nấy”. Và hệ lụy là 1 thế hệ trẻ em chỉ toàn kiến thức sách vở, trường lớp, thiếu kiến thức xã hội, yếu kỹ năng mềm hoặc ngược lại, quá già dặn hoặc xuất sắc trong những công việc của người lớn như làm MC, hùng biện, diễn xuất… nhưng lại mất đi sự ngây thơ trong tâm hồn con trẻ. Và rõ ràng, cái gì quá cũng đều không tốt. Sự cân bằng, hài hòa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và những yếu tố hội nhập, tiên tiến, chắc chắn sẽ góp phần tạo nên 1 thế hệ tinh anh cả về thể chất và tinh thần.

Ông bà, cha mẹ chính là những là tấm gương để con trẻ noi theo.( Ảnh chụp tại gia đình anh Tạ Thành Công, phường Hồng Hà, TP Hạ Long)

Thực tế đã cho thấy, rõ ràng, việc giáo dục đạo đức lối sống, cách cư xử trong mỗi gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống ngày nay. Quá trình ấy ngoài được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, còn cần có sự phối hợp của nhà trường và xã hội. Giáo dục trong gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ, nền móng xây dựng đạo đức, lối sống, trong khi giáo dục tại nhà trường và xã hội là các nhân tố quan trọng giúp định hình và hoàn thiện nhân cách có được từ gia đình.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành con cái biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ; đồng thời cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, bất hiếu của con trẻ.

Mặt khác, mỗi gia đình cũng cần xây dựng nếp sống khoa học: rèn cho con nền nếp học tập và đức tính tốt như tự suy nghĩ, tìm tòi, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng, ngăn nắp. Văn hóa lao động, sinh hoạt, tiêu dùng, giao tiếp… cũng cần được rèn luyện và uốn nắn ngay từ nhỏ; cùng với đó là ý thức, thói quen lao động chân tay hàng ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu lười nhác, ỷ lại, dựa dẫm, cẩu thả… Những điều ấy hoàn toàn có thể được rèn giũa qua những bữa cơm sum họp, những phút giây đoàn tụ quây quần của tất cả các thành viên trong gia đình.

Và chính từ những khoảnh khắc hạnh phúc ấy, nếp nhà dần được dựng xây, tình cảm và sự thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình cũng được bồi đắp. Quan trọng hơn, mỗi bậc cha mẹ, ông bà không chỉ cần quan tâm, chăm sóc mà còn phải tôn trọng, hiểu đúng về con trẻ để việc giáo dục đúng, đạt hiệu quả. Hãy làm bạn và đặt mình vào hoàn cảnh của các con để từ đó cha mẹ, ông bà có thể hiểu được các mối quan hệ, cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn, sở thích, niềm vui, nỗi buồn của con trẻ, giúp con trẻ nhận ra lỗi lầm mà không cần đến đòn roi, la mắng. Hãy tạo dựng một môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm, nơi mọi thành viên trong gia đình có thể sẻ chia và gắn kết.

Tình cảm gia đình được bồi đắp từ những khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn. (Ảnh chụp tại gia đình bà Nguyễn Thị Bằng, phường Hà Lầm, TP Hạ Long)

Năm nay, “Bình an - Hạnh phúc” được lựa chọn làm chủ đề cho Ngày Gia đình Việt Nam. Sự bình an và hạnh phúc ấy có thể là 1 phạm trù lớn lao, song cũng bắt nguồn từ chính những niềm vui giản đơn trong mỗi gia đình Việt. Đó là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới, yêu thương cha mẹ và hòa thuận với anh chị em; là những người cha mẹ yêu thương con nhưng cũng nghiêm khắc răn đe khi cần thiết, là những người ông, người bà dành thời gian quây quần bên con cháu, truyền lại gia phong của bao đời… Và đạo đức, lối sống khi được giáo dục đầy đủ sẽ hình thành nên nhân cách của mỗi người, để từ những cá nhân đó sẽ tạo nên những gia đình tốt, góp phần dựng xây 1 xã hội tiến bộ và văn minh.

Mai Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/noi-khoi-dau-xay-dung-nhan-cach-dao-duc-loi-song-moi-nguoi-2489434/