Nỗi khổ tâm của sếp... nữ

Với nam giới đã nhiều áp lực, phụ nữ khi đặt lên vai mình cái trọng trách 'đầu tàu' khó khăn còn nhân lên gấp bội. Đi sớm về muộn, nhiều hôm muốn sum họp gia đình, nấu một bữa cơm cho chồng con cũng khó.

Nỗi khổ tâm của sếp... nữ

Nỗi khổ của sếp nữ

Thời buổi kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau từng ly từng tí. Là lãnh đạo một doanh nghiệp quản lý hàng trăm nhân viên, nếu không biết cách tranh thủ tình cảm của đối tác thì khó mà có được hợp đồng. Không ký được hợp đồng nghĩa là nhân viên sẽ “ngồi chơi xơi nước”, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lương cho họ, không được chậm trễ một ngày.

Chậm lương, nhân viên nghỉ việc, doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa. Chị Nguyễn Thu Hà - Giám đốc một công ty về sản xuất đá thương mại cho biết: “Nhiều người thấy mình hay la cà quán xá lại cho là sướng. Cứ thử ở trong địa vị của mình một ngày mà xem, chỉ một ngày thôi, đảm bảo nếu không thấy... chán hoặc ôm đầu mới là chuyện lạ...”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiếp khách chỉ là một cái “gạch đầu dòng” trong hàng núi công việc từ lớn đến nhỏ, có tên lẫn không tên mà một người ở cương vị lãnh đạo phải giải quyết thường xuyên. “Dĩ nhiên còn có các nhân viên dưới quyền chịu trách nhiệm quản lý các phòng ban nhưng mình vẫn cứ phải để mắt đến. Khi hàng loạt các loại công văn, giấy tờ phải ký mà mình lại không nắm chắc tình hình hoạt động của công ty thì ký cọt làm sao? Đấy là chưa kể những rắc rối luôn nảy sinh trong nội bộ công ty, giữa những nhân viên với nhau mà mình phải đứng ra dàn xếp là điều không bao giờ tránh khỏi” chị Hà chia sẻ.

Rất nhiều chị khi trò chuyện với chúng tôi đều thừa nhận phụ nữ tham gia công tác quản lý, cụ thể là lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty tư nhân hay nhà nước có nhiều thuận lợi hơn nam giới nhưng lại gặp phải những khó khăn không tên khác.

Bên bàn đàm phán công việc, có những lúc họ tỏ ra mạnh mẽ nhưng khi khác lại trở nên mềm mỏng, dịu dàng và lúc cần cũng không kém phần quyết liệt. Nhiều người cứ nghĩ phụ nữ mà “nhúng tay vào” thì việc gì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ được giải quyết, nhưng không hẳn là như vậy. Nhan sắc cũng là một lợi thế nhưng thời buổi nam nữ bình quyền nhan sắc không phải là tất cả.

Chị Nguyễn Thu Hà giãi bày: “Đi gặp gỡ đối tác, thấy mình ăn mặc gọn gàng lịch thiệp họ cũng có cảm tình nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đó thôi! Điều quan trọng đối với họ là những vấn đề trong dự án mà mình đưa ra có sức thuyết phục và có tính khả thi, khi thực hiện có đem lại hiệu quả kinh tế hay không? Đã xác định làm kinh tế có nghĩa là bằng mọi cách phải đem lại lợi nhuận, dù ít hay nhiều. Phải biết người biết ta thì mới có cơ hội làm ăn lâu dài với nhau được...”

Cần lắm sự chia sẻ, thông cảm

Công việc ngập đầu khiến chị Nguyễn Thu Hà không mấy khi có thời gian dù chỉ là một ngày trọn vẹn dành cho gia đình. Chị thường đi sớm về khuya, mọi công việc nhà lẫn học hành của con, đều do một tay chồng chị đảm đương, bên cạnh sự “hậu thuẫn” của ông bà hai bên nội ngoại và người giúp việc.

Thiên chức của người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng cho con và quán xuyến việc nhà nhưng khi đã tham gia công tác quản lý nhiều khi họ đành phải chấp nhận hy sinh. Qua tâm sự của những người phụ nữ chấp nhận dấn thân trên thương trường, tôi biết không ai trong các chị lại không thèm muốn và mơ ước niềm hạnh phúc đơn sơ và bình dị ấy. Và họ cũng chẳng dại gì mà mang ra đánh đổi! Cuộc sống buộc các chị phải như thế vì có rất nhiều người đang trông đợi vào tài năng, sự tháo vát của người lãnh đạo của mình. Nhưng không phải lúc nào người chồng, trong hoàn cảnh đó cũng có thể thấu hiểu để thông cảm và sẻ chia với công việc của vợ.

Ảnh minh họa

Chị Mai giám đốc một công ty nội thất tâm sự: “Khi quyết định lao vào thương trường, mình đã lường trước và vạch ra những khó khăn mình sẽ gặp phải nhưng không ngờ nó lại khốc liệt và phải đánh đổi nhiều như thế! Được cái nọ mất cái kia, mình cũng biết như vậy nhưng điều khiến mình day dứt và ân hận nhất là suýt chút nữa mình đã đánh mất đi một mái ấm gia đình...”.

Chị Mai có chồng và hai đứa con, một trai một gái. Chồng chị là chuyên viên ở một cơ quan ngang bộ, anh đang tham gia nghiên cứu khoa học. Anh chị yêu thương nhau và thương yêu các con, một gia đình thật sự là tổ ấm. Nhưng kể từ khi chị Mai thành lập Công ty và bước ra thương trường thì giữa hai anh chị bắt đầu có những bất đồng. Anh Quân, chồng chị, không muốn vợ mình quá mải mê với công việc kiếm tiền mà sao nhãng đi bổn phận của một người vợ, người mẹ. Chị Mai lại không hiểu được điều đó! Rồi anh góp ý và chị “vặc lại”.

Cuộc sống của hai anh chị từ đấy bắt đầu có những rạn nứt âm thầm. Mối bất hòa càng lúc càng lớn khi ai cũng cho rằng mình đúng và cho đến một hôm, hai đứa con sau khi học bài xong đã đi ngủ, anh quyết định thức đợi chị về để hai vợ chồng nói chuyện thẳng thắn với nhau. “Cũng may là lúc đó mình còn tỉnh táo để nhận ra những điều anh ấy nói không phải là không có lý.

Chính các con mình nhiều khi còn giận dỗi, chúng trách mình vô tâm nữa là anh! Đã đành chồng con đôi khi chưa hiểu hết và thông cảm với những công việc mình làm nhưng nếu chỉ quan tâm đến công việc thôi thì chính mình mới là người ích kỷ...” - Chị Mai chia sẻ. “Hôm đó, vợ chồng mình đã nói chuyện với nhau cho tới sáng và cả hai cùng nhận ra được chân giá trị của nhiều điều trong cuộc sống. Phải hiểu biết và quan tâm đến người khác, phải biết thông cảm và sẻ chia, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức... thì gia đình mới thực sự bền vững...”.

Sóng gió đã qua, gia đình chị Mai lại quay trở về với những tháng ngày hạnh phúc. “Phụ nữ làm sếp không phải là việc dễ dàng, đơn giản!” - cả chị Hà và chị Mai đều thừa nhận với tôi như thế. Gia đình và công việc, đối với người phụ nữ đều quan trọng nhưng tùy từng thời điểm, các chị phải biết tự cân bằng.

Suy nghĩ của các chị đều giống nhau khi cho rằng trong cuộc sống và công việc, thiên chức của người phụ nữ đối với gia đình các chị còn thiếu sót nhiều. Các chị còn nợ chồng nợ con những bữa ăn sum họp; sự quan tâm, săn sóc... nợ nhiều những thứ khác mà vì công việc các chị đã phải đánh đổi, thậm chí hi sinh. Chính vì thế mà các chị cần, cần lắm ở chồng con sự cảm thông, chia sẻ khi các chị... làm sếp!

Sơn Nguyễn

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/noi-kho-tam-cua-sep-nu-d170015.html