Nỗi khổ làm du lịch 'chui' ở Bình Ba

Trời phú đảo Bình Ba thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa vẻ đẹp hoang sơ. Vào dịp cuối tuần, Bình Ba đón khoảng 3.000 – 5.000 du khách đến đây tham quan. Có điều là du lịch 'chui'.

Khách du lịch đến đảo Bình Ba

Khách du lịch đến đảo Bình Ba

Ngư dân tự phát làm du lịch

Nghe dân đảo giới thiệu, 5h chiều, tôi đi tìm vợ chồng trẻ Hậu Thi, được ví như người khai phá du lịch ở Bình Ba. Tôi trình bày lý do buổi gặp, bà chủ “chốt” luôn: “Bây giờ không tiếp chuyện anh được, em phải chuẩn bị đồ ăn cho đoàn khách cả 100 người. Sau 7h tối anh quay lại”.

Đến hẹn,vẫn phải chờ khá lâu vì ôngbà chủ liên tục chạy qua chạy lại bưng bê đồ ăn cho khách, vừa tranh thủ ngồi nói chuyện. “Ngày mai, thứ Bảy, có khoảng 3.000 khách du lịch ra đảo Bình Ba chơi. Dân cả đảo tập trung đi kiếm tiền. Nhà hàng em trả công 400 – 500 ngàn đồng/người/ngày mà vẫn khó kiếm người giúp việc. Vợ chồng căng ra làm cả nhà nghỉ, nhà hàng, canô chở khách”, bà Ngô Thị Kiều Thi cho hay.

Chưa dứt lời lại ngừng để nghe điện thoại. Nói chưa xong, máy khác đổ chuông: “Giá 1,2 triệu đồng chỉ ăn cơm với cá thường và phòng nghỉ một đêm. Bây giờ một khách ăn thêm nửa con tôm hùm sẽ tăng lên 300 ngàn đồng. Khách khá giả thì ăn con tôm hùm cho biết”, bà Thi nói với hướng dẫn viên du lịch đặt suất ăn trước.

Chồng bà Thi, ông Lâm Tân Hậu, vốn làm nghề biển, nuôi trồng thủy sản, chữ “du lịch” bẻ đôi không biết. Năm 2011, tình cờ có mấy du khách đi “phượt” theo tàu ra Bình Ba, đang lơ ngơ hỏi đường thì gặp ông Hậu. “Lúc đó cả đảo Bình Ba không có quán ăn. Mấy ông đói bụng, nhờ vợ tui nấu cơm ăn. Đêm họ dẫn nhau ra ngoài bãi Nồm căng bạt nằm ngủ. Vào bờ họ tung hình ảnh đảo Bình Ba lên mạng, vài tuần sau có đoàn “phượt” khác kết nối với tui từ xa để hướng dẫn và nấu cơm cho ăn”, ông Hậu kể lại.

- Có phải du lịch Bình Ba “phất lên” từ đây?

- Chưa đâu. Mấy ông “phượt” thường hay tìm đến những đất lạ khám phá. Về sau có một công ty du lịch ở Sài Gòn ra đây đi khảo sát và yêu cầu tui hợp tác làm ăn, giữ đầu mối tại Bình Ba. Mỗi lần họ đưa ra 40 – 100 khách. Lúc đầu vợ chồng tui không nhận làm vì lớn quá. Vợ chồng mới cưới nhau, nhà nghèo xơ xác, chỉ có mấy cái chén ăn cơm và hai cái xoong. Lo đám giỗ chừng 10 người mà còn đi mượn đồ tùm lum khắp xóm. Mấy ông nói cứ làm đi, có họ hỗ trợ “nghiệp vụ”. Trời ơi, nghe chữ “nghiệp vụ”, tui còn sợ hơn nữa. Dân du lịch ăn ở sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ, vợ chồng tui dân biển rặt, ăn nói như sóng biển đập vô vách đá. Họ nài nỉ mãi, thôi cũng nhắm mắt nhận liều. Đón đoàn khách đầu tiên 30 người ra đảo, tui huy động tất cả anh em trong nhà mang xoong, chén... cho mượn và phụ nấu nướng.

- Còn chỗ ngủ ở đâu?

- Đi mượn nhờ trong nhà dân. Số lượng khách đưa ra đảo do tui quyết định. Nếu tui đi mượn nhà dân được 50 chỗ, điện báo vô Sài Gòn biết, họ đưa ra đúng 50 người. Có chuyến ra đây 100 người, đảo vui nhộn hẳn lên. Toàn dân nhà giàu đi chơi, họ ra đây ngủ với dân biển, nghe họ kể chuyện cuộc sống biển cả, được ăn hải sản tươi, ngắm những bãi biển đẹp... Họ thích lắm.

Thời điểm đó cả đảo Bình Ba chỉ có 3 chiếc xe máy, ông Hậu đi mượn được 1 chiếc, “tăng bo” khách ra các bãi biển như con thoi. Ông vừa lo hậu cần, chỗ nghỉ, chở khách, hướng dẫn viên... Thời điểm đó, vợ chồng ông có cái bè nuôi tôm hùm nhỏ cũng trở thành điểm du lịch luôn.

“4h sáng, em phải thức dậy lo chuẩn bị đồ mọi thứ, gánh xuống bến ghe chở ra bè tôm. Nhóm lửa nấu bánh canh, khoảng 6h30, ghe chở khách du lịch ra ăn sáng tại bè. Làm được một thời gian, khách càng ngày càng đông, bè tôm quá tải. Nên làm cái nhà hàng nổi nhỏ ở gần bờ để cho khách đi lại thuận tiện. Đây là cái quán ăn, nhà hàng chuyên nghiệp đầu tiên tại Bình Ba”, bà Lâm Thị Kim Chi kể ngày đầu hợp tác làm du lịch với ông Hậu.

Một cơ sở lưu trú tại Bình Ba

Được ngày nào biết ngày đó

Lượng khách đổ ra ngày càng nhiều, các dịch vụ phát triển theo tăng rất mạnh như nhà nghỉ, nhà hàng, vận tải đường biển, xe ôm trên đảo, mua bán hải sản... Có thể kể đến dịch vụ đưa khách tham quan vòng quanh đảo bằng xe U-oát là nét độc đáo ở đây.

Người đưa xe điện ra Bình Ba là hai vợ chồng ở tận Sóc Trăng. “Tôi đi chữa bệnh ở TP HCM, nằm cùng phòng với chị ấy. Tôi kể chuyện đảo Bình Ba, ra viện được thời gian, vợ chồng ấy tìm đến chơi, sắm chiếc xe điện chở khách, sau đó tăng thêm 2 chiếc. Mấy người trên đảo làm theo. Chạy được một thời gian, công an giao thông ở đất liền ra cấm không cho chạy nữa, vì chạy đường đồi núi không an toàn”, bà Chi kể lại.

Dân Bình Ba đâu có chịu ngồi không, đi lùng khắp nơi mua những chiếc xe Uoát mang về chạy dịch vụ thăm quan. Nữ tài xế duy nhất trên đảo Hoàng Nguyên Ngọc Nhi kể lại: “Chiếc xe này em mua tận Gia Lai. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật có thể chạy được 5 – 7 chuyến, giá mỗi chuyến 300 – 350 ngàn đồng, thời gian khoảng hơn 1 giờ. Đa số xe ở đây là “xe già”, mỗi năm phải đưa vào bờ kiểm định hai lần, khá tốn kém. Mỗi chuyến đi kiểm định, cả tiền phà, tiền sửa chữa mất khoảng 13 triệu. Nếu chạy xe hàng ngày, có đồng nào ăn hết đồng đó. Mang xe đi kiểm định có khi phải vay nóng đập vô. Hiện cả đảo có 45 chiếc xe như vậy”.

Nhi có bằng Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn hóa. Buổi sáng và chiều chạy xe, buổi trưa bán quán hàng ăn vặt ở chợ, buổi tối đi dạy kèm, từ lớp 1 đến lớp 5.

Câu chuyện Bình Ba phát triển “nóng” như trên, ngay đến ông Hậu cũng thốt lên: “Là người làm du lịch từ ngày đầu đến hôm nay, nhìn tốc độ phát triển du lịch ở Bình Ba “chóng mặt”, tui còn thấy sợ luôn. Mở rộng cơ sở kinh doanh ra mấy cũng bị quá tải. Nhiều người đi vay tiền ngân làm lớn, cũng giống như trò chơi may rủi. Làm du lịch ở đây được ngày nào thì biết ngày đó”.

Bình Ba có 46 cơ sở lưu trú, với 476 phòng, 65 ca nô và 12 tàu gỗ chở khách, 28 nhà hàng bè nổi trên biển. Đảo Bình Hưng có 14 cơ sở lưu trú, với 141 phòng. Năm 2018, đảo Bình Ba đón 300 nghìn lượt khách du lịch, 6 tháng đầu năm 2019, có trên 150 nghìn khách. Đảo Bình Hưng (xã Cam Bình) năm 2018, đón trên 200 nghìn lượt khách, 6 tháng đầu năm 2019, có trên 44 nghìn lượt khách.

Dịch vụ đi xe U-oát quanh đảo

Vướng mắc từ đâu?

Chuyện “làm du lịch ở đây được ngày nào thì biết ngày đó” còn thể hiện qua nhiều điều khác. Ông Nguyễn Kim Ta, chủ Công ty TNHH một thành viên Bình Ba, Cam Ranh, cho hay: “Tôi là chủ doanh nghiệp được phép kinh doanh mọi thứ, mấy chiếc môtô nước tôi được cấp giấy đăng kiểm hẳn hoi. Vậy mà môtô của tôi mới ló đầu ra chạy, bị công an giao thông Cam Ranh bắt phạt 4 triệu đồng/chiếc. Hỏi họ lý do phạt, họ trả lời: “Do chưa có cấp phép vùng nước”. Ông nội, ông bố và tôi đều sinh ra, rồi lớn lên ở vùng biển này. Làm nghề biển nghèo túng quá, mở ra làm ăn thêm, bị phạt. Đầu tư kinh doanh dịch vụ mà sao như đi “đánh bạc” vậy?”.

- Đó, mô tô nước của anh vẫn đang chạy dưới biển, có ai phạt đâu?

- “Nhắm mắt” chạy liều, mấy ông ra bắt phạt cũng ráng chịu. Họ nói cấm xây khách sạn, sau lưng anh là khách sạn “5 sao” đó. Phía trước có mấy cái khách sạn đang xây dựng cao mấy tầng, mà có cấm được ai đâu. Hàng ngày có hàng nghìn khách đổ về bãi biển này chơi, đây là nhu cầu thực tế, không cưỡng lại được.

Một cán bộ biên phòng trên đảo bật mí: “Đa số họ làm theo kiểu “lách luật”, lúc đầu xin giấp phép xây dựng nhà ở. Xây xong rồi, họ chuyển sang làm nhà nghỉ. Dù nhà to, nhà nhỏ đều không treo bảng “khách sạn”. Nếu ai có chữ “khách sạn” sẽ bị ngành văn hóa xử phạt”.

Các đảo du lịch thuộc xã đảo Cam Bình còn đang đứng trước áp lực rác thải, từ dân cư trên đảo và hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến đây, đặc biệt rác thải nhựa tồn đọng rất lớn. “Tại bãi Nồm, xã xuống họp với mấy người kinh doanh trên bãi đóng tiền thuê người thu gom rác. Cứ bổ “đầu dù” 50.000 đồng/tháng/cây dù. Đa số bà con đồng ý, chỉ còn một hộ có 65 cây dù đặt dưới bãi cho khách du lịch thuê, không chịu. Xã chịu luôn, không ai đứng ra “cầm trịch” giải quyết”, ông Nguyễn Văn Xoáy, người kinh doanh dù ở bãi Nồm, cho hay.

Vì sao xảy ra những chuyện “tréo ngoe” trên? Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho hay: “Hoạt động du lịch tự phát diễn ra tại đảo Bình Ba và Bình Hưng đã hình thành từ lâu. Tuy nhiên năm 2015, Thủ tướng có Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ban hành quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh”. Tại Điều 37 nêu: “... Riêng khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch”. Vì vậy người dân hai đảo xã Cam Bình phát triển du lịch là vi phạm quy định, dù thực tế người dân ở đây vẫn làm du lịch, khách vẫn chen nhau đến”.

Ngày 24/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 159/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Về đề nghị điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg theo hướng cho phép tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch tại khu vực đảo Bình Ba, Hòn Chút, Mũi Hời: Bộ Quốc phòng phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khảo sát thực tế vị trí các đảo Bình Ba, Hòn Chút, nghiên cứu quy hoạch các khu vực có thể cho phép tỉnh phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là du lịch có yếu tố nước ngoài, thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Với khu vực Mũi Hời, thực hiện theo Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ”.

Riêng tôm hùm, dân nuôi được tại đảo, nên lúc nào nguồn cung cũng thừa, phải chở hàng vào đất liền bán. Còn nhiều loại hải sản khác ở đảo không đủ cung cấp, phải chuyển từ đất liền ra. 100% các loại rau củ và các nhu yếu phẩm khác cũng đưa từ đất liền ra. Dân Bình Ba sợ nhất là nguồn nước sinh hoạt, nước phải chở bằng tàu ra, giá mỗi khối nước ngọt là 120.000 đồng, ở những nơi xa, giá cao lên đến 300.000 đồng/khối. “Mới tuần trước, nhà nghỉ tui đón đoàn khách 16 người, họ sử dụng nước nhiều quá, bay hết một tàu chở nước. Giá tiền phòng chỉ có 300.000 – 400.000 đồng/phòng, tính ra bị “âm” qua tiền phòng hết. Coi như bị lỗ mấy ngày phục vụ”, một chủ nhà kể.

Dù các loại mặt hàng phải đưa từ đất liền ra bán trên hòn đảo du lịch, nhưng giá bằng hoặc thấp hơn ở đất liền. Người dân trên đảo chỉ chào bán một giá để mua, không nói theo kiểu trên trời để khách trả giá hạ xuống.

Hải Luận

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/noi-kho-lam-du-lich-chui-o-binh-ba-488020.html