Nỗi khổ đau sau cuộc hôn nhân tan vỡ

Ông buông tay bà không phải bởi hết yêu, ông biết rõ điều đó. Ngặt nỗi, lòng hận chất ngất khiến những lời ông thốt ra khi đối diện với bà luôn đầy cay nghiệt. Ông biết như vây sẽ tổn thương vợ nhưng ông vốn không thể... kiệm lời.

Rõ ràng ông Thắng biết, chọn bà Tuyết rồi nên nghĩa vợ chồng ban đầu đều xuất phát từ quyết tâm của cá nhân ông. Nói trắng ra, ông là người ngạo mạn, hả hê khi cướp được bà trên tay người đàn ông khác. Ông cho rằng, trước cứ về một nhà, sau “không yêu rồi cũng sẽ yêu”, huống hồ ông si mê bà như vậy, ông không tin bà sẽ không xiêu lòng.

Thuở ấy, ai cũng nói ông Thắng đẹp trai, có máu “sát gái”. Mười người con gái tiếp xúc thì hết chín người mê ông. Ngoài vẻ hào hoa phong nhã, ông lại xuất thân trong một gia đình giàu có, với một người đàn ông hoàn mỹ từ hoàn cảnh, nhân thân... đã nhiều cô gái ước mình được một lần làm người phụ nữ của người đàn ông đó. Trước khi gặp bà Tuyết, ông Thắng công nhận mình sống...buông thả, thay người tình như thay áo. Trong số những cô gái đi qua cuộc đời ông không ai là không xinh đẹp, thân hình nóng bỏng thu hút mọi ánh nhìn, vậy nhưng đối với ông tất cả đều nhàn nhạt. Đôi lúc có cảm giác, ông đến với những người phụ nữ ấy chỉ để giải quyết vấn đề tế nhị, cũng có kiểu như ông đang cố gom “bộ sưu tập người tình” để ngạo nghễ với đời rằng ông là người thứ gì cũng có, chỉ cần ông muốn.

Biết bà Tuyết là hoa đã có chủ nhưng vì ông trúng tiếng sét ái tình nên bất chấp mọi thủ đoạn để có được bà. Ông âm thầm cho người ra tay khiến người đàn ông của bà Tuyết điêu đứng rồi ông lại vờ vịt đưa tay ra cứu lấy trước mặt bà. Sau cùng, ông quyết định một lần giải quyết dứt điểm khiến người tình của bà phải bỏ đi biệt xứ. Dĩ nhiên ông đã “cướp” được bà. Bà Tuyết cũng vì mối tình khắc cốt ghi tâm, đương nhiên đau đến thấu tim gan. Nhưng có lẽ cái đau của bà nằm ở chỗ bị ông Thắng “cướp” đi sau khi cho bà dùng thuốc. Bằng cách đê hèn ấy ông Thắng đã có được bà, người mà ông nói chỉ cần một lần chạm mặt thì những người phụ nữ khác đều không có ý nghĩa tồn tại. Đời ông quyết chỉ có thể gắn kết với người phụ nữ này mà không với bất kỳ một ai.

Mặc dù đã có được bà Tuyết nhưng ông lại không hề thoải mái như vẫn nghĩ. Việc người ông yêu trở thành “đàn bà” trước khi đến tay mình lại cho ông có cảm giác bị phản bội, thất vọng, mất mát, thua thiệt... Đã vậy, ông có được bà Tuyết cũng như chỉ có được phần xác, trái tim của bà, ông biết vĩnh viễn nó đã không ở chỗ ông. “Tôi đã có thai, tôi chỉ muốn báo cho anh biết nhưng tôi không muốn giữ, tôi tin anh hiểu lý do!”, bà Tuyết thông báo với ông rất hờ hửng. Bà không muốn sinh ra đứa trẻ với một người bà không yêu. Ai cũng ngưỡng mộ ông, duy chỉ có bà đối với ông chỉ muốn dùng hai chữ “kinh tởm”. Ông đã dùng thủ đoạn xấu xa để có được bà, cho nên đứa trẻ vốn không nên sinh ra.

“Đứa bé phải được sinh ra, nếu em có suy nghĩ vứt bỏ đừng trách tôi. Nên nhớ sự tồn tại của gia đình em đều nằm trong cái gật đầu của tôi... Biết điều thì em nên ngoan ngoãn làm vợ tôi, bằng không...”, ông Thắng nắm chặt cằm bà Tuyết, gằn lên từng chữ một, giọng lạnh lùng, đầy sát khí. Không còn đường lui, bà Tuyết gật đầu về làm vợ ông mà lòng dường như đã chết hẳn. Rõ ràng người bà yêu sâu đậm không phải là ông, rõ ràng người bà muốn cùng sinh con không phải là ông vậy nhưng những gì bà muốn đều trở nên ngược chiều.

Ông Thắng đã từng nghĩ rằng, cuộc đời mình không còn “trong trắng” thì cũng không nên cưỡng cầu mà đòi hỏi người phụ nữ của mình phải vẹn nguyên, cho nên việc này ông xem như bỏ qua. Vậy nhưng khi sống với bà ngần ấy năm, cũng đã có với nhau một mặt con, trái tim bà vẫn luôn đóng chặt. Chẳng lẽ, trái tim đó đã thực sự “chết”? Ông không cam lòng, ông không thể, thực cả đời này ông không thể là một kẻ thua. Không biết từ khi nào từ tình yêu trân trọng, ông lại trở nên hận thù. Ông không tiếc lời mắng nhiếc bà, càng chọc ngoáy vào điểm đau nhất trong lòng bà, ông lại thấy mình hả hê của người chiến thắng. Ông chính là dùng cách bà càng đau, ông càng nói để đối phó người đàn bà có trái tim bằng đá.

Kiểu của ông là “chiến tranh khép kín”, người ngoài vẫn nhìn vào gia đình ông với cái nhìn ngưỡng mộ. Cho nên, khi ông và bà đường ai nấy đi, ai cũng thấy nuối tiếc. Cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm này tan vỡ, người đời luôn đặt ra câu hỏi “Vì sao?”. Ông Thắng quyết định buông tay bà Tuyết không phải bởi hết yêu, ông biết rõ điều đó. Ngặt nỗi lòng hận chất ngất khiến những lời ông thốt ra khi đối diện với bà luôn đầy cay nghiệt. Ông biết như vây sẽ tổn thương vợ nhưng ông vốn không thể... kiệm lời.

Nhỏ Lan sống với ông. Không nói ra, thẩm sâu ông Thắng biết sự tồn tại của Lan như mũi dao đâm thẳng vào lòng bà khiến vết thương không thể nào khép miệng. Có lẽ việc ông chịu buông tay là điều bà Tuyết không hề nghĩ tới. Bởi bà biết tính chiếm hữu, đắc thắng, cố chấp và tàn nhẫn của ông không dễ gì để nói đến hay tiếng buông tha. Với bà mà nói, đây như một ân huệ của ông khiến bà cảm kích nhất trong cuộc đời. Đến cùng bà biết, sự cố chấp của ông cộng với sự cố chấp không buông bỏ quá khứ của bà chính là ngòi thuốc nổ được kích hoạt. Tận cùng của sự chấp niệm chính là không ai chịu bỏ xuống cái tôi của mình.

Lan-con gái của hai người vướng vào vòng lao lý với tội danh “Lừa dảo chiếm đoạt tài sản” nhận mức án 9 năm tù. Ngày đưa ra xét xử, cả ông Thắng và bà Lan đều có mặt. Trong số 900 triệu đồng Lan lừa của người ta, cô lấy ra 300 triệu đồng đưa cho mẹ. Lan nói, cô rất thương mẹ, muốn mẹ có tiền chữa bệnh, có tiền trang trải cuộc sống, cô không muốn nhìn thấy mẹ vất vả, cô đơn. Trong ký ức của cô, mẹ là người đã chịu đựng nhiều tổn thương; trong ký ức của cô cũng có hình ảnh mình bị mẹ ghét bỏ, ruồng rẫy; trong ký ức của cô cũng có vô số những mất mát đau lòng... Nhưng sau cùng, người ấy vẫn là người mẹ mà cô yêu thương, không thể ghét bỏ, càng không thể làm ngơ.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, vì sao lại lấy tiền người khác đưa cho mẹ? Vì sao nói mẹ cũng thương cô nhưng trong suốt khoảng thời gian bị bắt bà không một lần đến thăm? Lan chỉ duy nhất trả một câu trả lời “mẹ tôi có những nỗi khổ riêng!”. Nỗi khổ riêng là gì, có thể không ai biết nhưng cô, cha cô và bà ấy có thể hiểu. Chẳng lẽ đến bây giờ mẹ cô vẫn chưa thể buông bỏ những hận thù, vẫn đang còn hằn học vì sự tồn tại của cô? Tốt hơn hết có lẽ cô không nên nghĩ đến. Cô hiểu được tất cả, thế nhưng, hiểu là hiểu, mà đau đớn thì vẫn là đau đớn...

Với Lan, 9 năm tù có lẽ đã không còn ý nghĩa gì khi mà cô đang phải đối mặt với án tử từ căn bệnh ung thư. Cuộc đời ngắn ngủi, vứt đi hận thù để đối diện với nhau, nhất thiết cứ phải dìm nhau trong bể khổ như vậy hay không?. Cô sẽ trả giá cho sự sai lầm trong cuộc đời của mình, còn cha mẹ cô thì sao?

Nhìn con gái đứng ngay gần cạnh nhưng khoảng cách trong lòng như dài thêm ra, bà Tuyết dâng lên một cõi ân hận. Trước mắt con gái bà là những bước gập nghềnh, khốn khổ. Bà đã tự cho rằng mình đúng, muốn gạt hai người này ra khỏi cuộc đời để kết thúc những khổ đau nhưng hóa ra cuối cùng, quay đầu lại mới phát hiện ra, bà là người tạo thêm ngàn vạn đớn đau.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/noi-kho-dau-sau-cuoc-hon-nhan-tan-vo-49871.html