Nỗi khổ của nhiều hộ dân sống bên miệng 'hà bá'

Cắm biển 'khu vực sạt lở nguy hiểm', với chiều dài hơn 700m, dọc bờ kênh Mỏ Cày thế nhưng gần hai tháng trôi qua, hàng chục hộ dân ảnh hưởng vẫn bám trụ lại khu vực này và sống trong lo lắng.

Năm 2013, hơn 70 hộ dân ven sông Mỏ Cày, đoạn qua thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nhận được quyết định thu hồi đất làm công trình bờ kè.

Sau 5 năm, công trình vẫn chưa triển khai vì thiếu vốn. Một số hộ dân mượn tiền mua đất xây nhà nhưng chưa nhận được đền bù đã quay về nơi ở cũ, khu vực sạt lở nguy hiểm.

Vụ sạt lở ven sông Mỏ Cày vào ngày 16-6 vừa qua, khiến 3 căn nhà của người dân tại khu phố 7 (thị trấn Mỏ Cày) thiệt hại đến 90%. Chính quyền địa phương đã cắm biển “khu vực sạt lở nguy hiểm”, với chiều dài hơn 700m, dọc bờ kênh Mỏ Cày.

Gần hai tháng trôi qua, hàng chục hộ dân ảnh hưởng vẫn bám trụ lại khu vực này và sống trong lo lắng. Nhiều vết nứt mới xuất hiện, có nguy cơ sụp bất kỳ lúc nào vì dòng sông khá sâu.

Vụ sạt lở khiến hơn nửa căn nhà của ông Đinh Văn Xuân trôi theo dòng nước. Đây là tài sản tích góp, dành dụm của gia đình cuốn theo dòng nước, thiệt hại trên 200 triệu đồng.

Chung cảnh ngộ với ông Xuân, đêm đó nhiều căn nhà khác cũng sụp xuống sông. Do không có đất chuyển đến nơi ở mới, nhiều hộ dân bám trụ căn nhà cũ dù biết rõ rất nguy hiểm.

Hiện trường nhiều căn nhà ven sông Hậu (phường Thành Phước, Bình Minh, Vĩnh Long) bị trôi sông.

Cạnh bên là căn nhà ông Phạm Văn Phong (43 tuổi), phần nhà vệ sinh phía sau đã sụp xuống sông trong vụ sạt lở. Gia đình ông Phong mua trụ xi măng, cát về làm kè tạm, gia cố móng và dời toàn bộ chỗ ngủ cùng những tài sản có giá trị lên nhà trên. “Giờ không ai dám đến phía cạnh mé sông vì nguy cơ sạt lở rất cao”, ông Phong nói.

Theo người dân địa phương, năm 2013, ngành chức năng đã đo đạc, gửi bảng thống kê giá hỗ trợ, đền bù đến từng hộ để tiến hành xây dựng “công trình kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày”.

Nhiều gia đình vay mượn tiền mua nền nơi khác xây nhà mới. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa triển khai nên họ phải quay lại căn nhà cũ vì thiếu nợ.

Bà Huỳnh Thị Hừng (78 tuổi) cho biết: “Cả đất và nhà tôi dự kiến được đền bù 140 triệu đồng. Tôi bàn với con gái dùng hết số tiền tiết kiệm, vay mượn mua đất trên bờ và xây nhà”.

Tiền đất 130 triệu đồng, vật tư và tiền công hết 70 triệu nhưng gia đình bà mới trả được tiền đất. Do thiếu nợ và chờ tiền hỗ trợ, bà Hừng cùng con gái quay lại căn nhà cạnh bờ sông. Ngày cũng như đêm, hai mẹ con luôn thấp thỏm, lo âu vì sợ sạt lở.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mỏ Cày cho biết: “Đa số bà con đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có đất để di dời đến địa điểm mới. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng bờ kè đã có nhưng không có vốn nên chưa triển khai”.

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre có tờ trình gửi đến Bộ, ngành Trung ương xin bố trí vốn khẩn cấp thực hiện dự án kè chống xói lở sông Mỏ Cày, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Quy mô đầu tư dự kiến, tuyến kè dài 2.953m, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Trung ương cũng đã bố trí cho Bến Tre 140 tỷ đồng, xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông, bở biển.

Trong đó, 60 tỷ đồng xây dựng bờ kè ven biển huyện Thạnh Phú, 40 tỷ đồng xây dựng bờ kè ven biển huyện Ba Tri và 40 tỷ đồng xây dựng bờ kè tại cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).

Tương tự, ông Huỳnh Thiện Đức (ngụ phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Vụ sạt lở vào tháng 8-2017, khiến căn nhà ông cho vợ chồng con gái sụp xuống sông Hậu. Sau vụ sạt lở, UBND phường Thành Phước xét duyệt cho một nền tái định cư và hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới.

4 năm trước, ông Đức sử dụng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là căn nhà đang ở và nhà đã cho con gái vay vốn ngân hàng. Cuối năm, ông Đức tất toán, trả nợ ngân hàng mới tiếp tục làm hồ sơ vay lại.

“Hôm xảy ra sạt lở, tôi cũng vừa trả nợ ngân hàng xong” ông Đức nói và trần tình, may là gia đình còn có tiền trả cho ngân hàng. Nếu còn thiếu nợ mà tiền ngân hàng chưa trả được thì gia đình cũng không biết làm thế nào. Vì nhà đất đã trôi sông, sổ đỏ cũng chẳng có giá trị nữa.

Ông Nguyễn Quốc Khương, Chủ tịch UBND phường Thành Phước cho biết, sạt lở bờ sông Hậu vào năm 2017, khiến 34 hộ dân bị ảnh hưởng và buộc phải di dời khẩn cấp. Chính quyền địa phương đã bố trí nền nhà, hỗ trợ người dân đến khu vực mới tái định cư.

Nếu trường hợp nhà đất của người dân bị sạt lở xuống sông, nhưng sổ đổ còn trong ngân hàng vì chưa trả nợ được thì địa phương báo cáo cơ quan cấp trên, trao đổi với phía ngân hàng để có hướng xử lý.

“Vì đây là trường hợp thiên tai khó có thể tránh khỏi. Những hộ bị ảnh hưởng trong đợt sạt lở vừa qua đều được xem xét, hỗ trợ tùy theo mức độ thiệt hại. Các hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm ăn thì địa phương sẽ xem xét và tạo điều kiện”, ông Nguyễn Quốc Khương nói.

Trần Lĩnh – Như Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/noi-kho-cua-nhieu-ho-dan-song-ben-mieng-ha-ba-504722/