Nỗi khổ của người dân Nam Sudan

Tại Nam Sudan, Washington Post cho biết nếu muốn ăn thịt gà, một giáo viên phải tiết kiệm thu nhập trong 2 tháng mà vẫn có thể không đủ tiền mua. Đây cũng là tình cảnh khó khăn chung của nhiều người dân quốc gia Đông Phi này, trong bối cảnh khan hiếm thực phẩm trong nước và phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu có giá đắt đỏ.

Phụ nữ Nam Sudan mang lương thực cứu trợ về nhà. Ảnh: AP

Tháng 7-2013, tức 2 năm sau khi Nam Sudan tuyên bố độc lập và trước khi nội chiến nổ ra, mức lương của một giáo viên hoặc viên chức chính phủ là 350 USD/tháng. Nhưng sau 5 năm nội chiến, mức lương hiện tại vào khoảng 6 USD/tháng do sự mất giá của đồng nội tệ. Và đối với các giáo viên, giá hộp sữa 1,8 lít hiện nay tiêu tốn 2,7 USD - tức gần một nửa thu nhập hàng tháng của họ.

Nửa thập niên nội chiến đã tàn phá nền kinh tế Nam Sudan và khiến 380.000 người thiệt mạng. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ),1/3 dân số Nam Sudan đã di tản, mỗi giây trôi qua lại có một người rơi vào cảnh bị đói và hàng trăm ngàn người có nguy cơ chết đói ở quốc gia trẻ nhất thế giới. Nhiều khu vực của Nam Sudan - bao gồm các khu vực nông nghiệp quan trọng - gần như không còn người sống, do người dân đã chạy đến nơi khác vì sự an toàn hoặc tìm kiếm thức ăn. Điều đó đồng nghĩa những người ở lại phải dựa vào hàng nhập khẩu vốn rất đắt đỏ do đồng nội tệ mất giá.

Theo một báo cáo công bố đầu năm nay, ngay cả đối với những thực phẩm có sẵn thì giá cả cũng quá cao, với chi phí cho một bữa ăn tốn gấp 2 lần thu nhập hằng ngày. Nicholas Kerandi - chuyên gia phân tích an ninh lương thực tại Tổ chức Lương Nông LHQ - cho biết, một số người dân Nam Sudan chỉ ăn 1 bữa mỗi ngày, trong khi số khác cắt chi phí học tập hoặc chăm sóc y tế.

Hồi năm ngoái, LHQ đã tuyên bố nạn đói ở một số vùng của Nam Sudan và cho biết hàng triệu người dân khác đang trong tình cảnh nguy hiểm. Ngay sau đó, hàng tỉ USD đã được rót vào viện trợ lương thực cho quốc gia Đông Phi này. Trong đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với 1,78 tỉ USD kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, với riêng năm 2018 là 336 triệu USD. Song chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 đã đe dọa cắt tài trợ cho Nam Sudan nếu cuộc nội chiến tại đây không chấm dứt.

Mặc dù Nam Sudan đã tiếp nhận hàng tỉ USD viện trợ lương thực, nhưng các cuộc tấn công nhằm vào việc giao hàng, đường sá xấu, lũ lụt... khiến thực phẩm thường không đến với những người cần nó. Tổng thư ký LHQ từng cho hay Nam Sudan là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với nhân viên cứu trợ.

Được biết, dầu là mặt hàng xuất khẩu chính của Nam Sudan. Ngoài ra, nước này còn có thể dựa vào xuất khẩu các tài nguyên khác như vàng, nông lâm sản. Song phần lớn khu vực sản xuất hiệu quả nhất của Nam Sudan - gọi là Equatoria - đã gần như vắng bóng người do cuộc chiến lan đến đó cách đây 2 năm.

NGUYỆT CÁT

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/noi-kho-cua-nguoi-dan-nam-sudan-a104080.html