Nỗi khắc khoải từ sâu thẳm

Kỷ niệm về ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), quá khứ và hiện thực bức tranh sinh động về Hà Nội hào hoa luôn là nỗi nhớ, là đề tài mà bao năm qua từ giới sử học đến nghệ sĩ đều khắc khoải từ miền sâu thẳm trong tâm hồn.

Nhà sử học Lê Văn Lan: Kết tinh từ nghìn năm lịch sử.

Khắc sâu trong tâm trí của nhà sử học Lê Văn Lan, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là ngày trọng đại đối với mọi người dân Hà Nội, là khoảng thời gian xúc động và ý nghĩa nhất. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những hình ảnh về đoàn quân giải phóng tiến vào Hà Nội vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. “Lúc đoàn quân giải phóng tiến vào Thủ đô, là ngày những người dân sống trong vùng tạm chiến như tôi đây thực sự có được tự do!” – nhà sử học lê Văn Lan xúc động khi nói về ngày giải phóng Thủ đô 65 năm về trước.

Nhà sử học Lê Văn Lan (ảnh PL)

Nhà sử học Lê Văn Lan (ảnh PL)

Chia sẻ niềm vui về ngày giải phóng, nhà sử học Lê Văn Lan kể: “Tôi có 3 người anh đi bộ đội, 1 người đã hi sinh trong một chiến dịch ở Bắc Kạn. Hai người anh còn lại đã làm cách mạng từ khi thành lập Trung đoàn Thủ đô. Tôi ngày ấy cũng từng giúp các anh hoạt động cách mạng. Vẫn còn nhớ những hộp bánh bích quy được đục đáy để cho truyền đơn vào và tôi là người đã mang những hộp bánh bích quy đựng đầy truyền đơn ấy đi để rải khắp phố phường, vừa đi vừa hát. Ngày quân giải phóng tiến vào là lúc tôi đã 18 tuổi, học xong tú tài toàn phần”.

Nói về công cuộc giải phóng Thủ đô, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, công cuộc giải phóng Thủ đô trong năm 1954 khác với những công cuộc giải phóng trước đó. Nhưng để đạt được kết quả ấy là nhờ vào những bài học trước đây, từ phương thức đấu tranh đến thế trận, tư tưởng. Điều này đã làm nên một cuộc tổng hòa sức mạnh ở thời đại Hồ Chí Minh. Công cuộc giải phóng vào ngày 10/10 rất lẫy lừng và ý nghĩa, nhờ có công cuộc giải phóng Thủ đô mới có thể giải phóng được toàn miền Bắc, có được hậu phương lớn và vững chắc để giải phóng toàn đất nước.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, ngày 10/10/1954 có ý nghĩa rất lớn đối với toàn quốc và Hà Nội. Miền Bắc tiến lên con đường Xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Trong lịch sử, thành Thăng Long cũng có nhiều lần vẻ vang như thế. Nhưng lần này, ở thời hiện đại, chiến thắng này là sự kết tinh của truyền thống, sự cố gắng và cả sự hy sinh từ nghìn năm lịch sử của Thăng Long – Hà Nội.

Nhà văn Chu Lai: Hà Nội cái đẹp từ miền xa thẳm

Trong số những tác phẩm rất thành công về đề tài người lính thì nhà văn Chu Lai vẫn có một góc riêng dành cho Hà Nội. Cách đây chừng 30 năm, ông viết cuốn tiểu thuyết “Phố”. Bối cảnh của “Phố” là cuộc sống của những người lính hoặc cựu chiến binh sống trên phố Lý Nam Đế, con phố tập trung các cơ quan và khu tập thể của quân đội ở Hà Nội, giai đoạn đầu những năm đổi mới.

Nhà văn Chu Lai (ảnh CTV)

Nhà văn Chu Lai chia sẻ, cuộc đời ông có hai mảng đời gọi là sâu sắc thì một là căn phố lính này, mảng kia là những cánh rừng trận mạc. Trận mạc thì cũng có vài nghìn trang sách rồi, căn phố lính này mới chỉ dừng ở một cuốn. Nhưng cũng có chút thú vị để khoe, vì hình như từ khi có cuốn “Phố”, người ta không còn gọi nhiều cái tên phố Lý Nam Đế nữa mà thường thuận miệng gọi bằng cái danh xưng quân sự hơn: Phố nhà binh.

Nhà văn Chu Lai tiết lộ, ban đầu ông chỉ định viết thử bằng một truyện ngắn có tên “Phố nhà binh”, sau thấy cảm xúc, thấy vốn sống còn chứa chan nên mở tuyến, mở luồng cho nó thành tiểu thuyết, một thứ tiểu thuyết đời thường và đậm chất Hà Nội. “Vậy mà cũng đã gần 30 năm rồi kia à? Nếu bạn không nhắc thì tôi cứ tưởng nó mới gần đây.

Biết làm sao được khi cái quy luật sáng tạo là vô cùng nghiệt ngã. Sống ở Hà Nội suốt chặng dài tuổi thơ, vào chiến trường còn sống trở về, sống tiếp thêm hàng chục năm mới thấm được cái hồn Hà Nội để cho ra đời được mấy trăm trang sách về nó, thế cũng là nhiều và thế cũng là ít. Nhưng thôi, tình yêu Hà Nội được tỏ bày bằng một cuốn sách, một vở kịch, một bộ phim, dăm ba truyện ngắn viết thao thiết, hết mình, tự nghĩ cũng không lấy gì hổ thẹn, bởi nó như tiếng sét mối tình đầu, nổ ngang trời một cái rồi thôi luôn, nếu còn lai rai nổ nữa, có khi cái tình đó nhạt phai, nhàm chán dần…”

Cái từ trường văn học khi đã nhập được vào hồn âm nhạc thì sẽ trở thành một sự cộng hưởng thú vị, từ tiểu thuyết “Phố”, nhạc sĩ Trọng Đài đã cho ra đời hai ca khúc khá ấn tượng. Một là, “Hà Nội đêm trở gió” cho vở kịch cùng tên. Hai là, “Chị tôi” cho phim “Người Hà Nội”. Và cũng từ hai ca khúc trữ tình có mùi văn học sâu đậm này, ca sĩ Mỹ Linh bắt đầu đặt chân lên con đường để trở thành một Diva.

Khi hỏi: “Người ta hay nói đến cái “chất hào hoa” của người Hà Nội. “Chất hào hoa” ấy có được thể hiện trong những tác phẩm của nhà văn Chu Lai?”, ngẫm nghĩ giây lát, ông nói: “Khó nhỉ, nhưng vẫn có thể thấy được đấy. Đó là trong những cuốn sách về chiến tranh, thế nào cũng có một nhân vật chính là dân Hà Nội.

Chỉ có dân Hà Nội mới nửa đêm vượt qua một nghìn mét nước đầy mìn bẫy của kẻ thù để được ghé tai vào vách nghe giọng một cô bác sĩ người Hà Nội nghe đâu mới hành quân vào. Chỉ thế thôi, chỉ thế là tâm hồn được tưới ướt, là bỗng như có cả một Hà Nội hiển hiện trong giọng nói, có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi đó, để rồi lại bơi một nghìn mét nước trở về, vật mình trên võng ngủ mộng mơ.

Rồi cả cái anh chàng tên là Hùng, đội trưởng đặc công đã về già trong “Ăn mày dĩ vãng” kia nữa, nếu không có chất Hà Nội thì khó có thể để cả quãng đời còn lại chỉ nhọc nhằn, bẽ bàng đi tìm một bóng giai nhân đã chết, đã chôn, đã bắn một tràng AK lên trời vĩnh biệt mà sao giờ đây em lại sống, lại đang là một bà quan đầu tỉnh cứ khăng khăng một mực chối bỏ người thân, chối từ dĩ vãng…”

Tò mò rằng: “Ông có thấy mình là một người hào hoa?”, liền nhận ngay câu trả lời: “Không, tôi chả có một tý hào hoa nào. Những năm tháng trận mạc phải gồng hết sức mình lại, những năm tháng viết lách còn gồng mình khốn khổ hơn, đầu óc, tâm hồn, hình dáng con người đã úa tàn, bụi bặm, thô rám đi nhiều lắm, còn chỗ nào cho sự hào hoa ẩn trú nữa! Tuy vậy, nếu rơi vào một hoàn cảnh nhạy cảm, một tình huống đòi hỏi chất trữ tình như lang thang trên những dặm dài đất nước hay ngồi giữa những cô gái thị thành, sơn cước hoặc sinh viên chẳng hạn, chả biết tôi ăn nói, mặt mũi, mắt nhìn thế nào mà sau đó lại thường nhận được những lời nhận xét khá đáo để: Ông ấy, chú ấy, già rồi mà vẫn còn tỏ ra đa tình, lãng mạn và có duyên nhỉ? Thôi thế cũng là được, là cái chất Hà thành vẫn chưa bị cuộc sống nhai mất, vẫn có thể phát lộ chỗ này chỗ khác nếu có văn cảnh”.

Nói về mảnh đất Hà Thành, nhà văn Chu Lai cho hay: “Hà Nội có hai niềm tự hào mà khó ở nơi nào có được, đó là cây xanh, hồ nước và nhan sắc con gái. Cái nhan sắc dường như luôn đi ngược lại cơ chế kinh tế như một sự chống lại, một sự thách thức, kinh tế càng khó khăn, vẻ đẹp càng sâu sắc, một vẻ đẹp buồn buồn, hướng nội, làm lay động hàng triệu trái tim đa tình. Thời thị trường mở cửa, các cô gái Hà Nội vẫn đẹp, càng đẹp hơn, đẹp chói chang nhưng là cái đẹp hướng ngoại, dễ chóng mặt nhưng ít bâng khuâng. Bởi cái đẹp hướng nội xa xăm ấy đã toát lên một triết lý mơ hồ: Đàn bà là đêm hôm, là bí ẩn, là để cho đàn ông chống gậy lọ mọ đi tìm suốt đời nhưng… không tìm được. Và một khi đã tìm được là hết, là cả hành tinh sẽ không còn hội họa thi ca. Cũng như tôi, tôi đã tận ngôn cạn chữ ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của họ nhưng sau hàng ngàn trang tôi vẫn chưa hiểu họ là gì cả, bởi thế cho nên có thể tôi… vẫn còn viết được”.

Cũng có lúc thấy ngột ngạt trước những đổi thay quá nhanh của Hà Nội, muốn tìm đến một nơi thanh vắng để mơ mộng, để viết thêm một cái gì đó, và cũng để sống nốt những năm tháng cuối đời, vậy nên nhà văn Chu Lai đã bỏ lại Hà Nội mà đi. Một thời gian ngắn, ông cùng vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng chuyển vào sống tại vùng Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhưng, mới sống được ít ngày, chừng hai tháng, lại cô đơn, lẻ loi, trống vắng không chịu nổi, thế là ông lại khăn gói làm nước mã hồi.

“Cũng chỉ vì đã quen, đã nhớ cái nơi mình đã định bỏ đi đấy thôi. Thì ra Hà Nội không chỉ là một mảnh đất thông thường mà nó còn là một nơi hội tụ tất cả kỷ niệm, hồn khí của mình. Xa, coi như kẻ mất hồn, trở về là lẽ đương nhiên. Và không ít kẻ đã trở về. Vì thấy nhớ vô cùng. Nhớ về tất cả. Nhớ the thắt. Nhớ hàng sấu, nhớ mái ngói cổ kính, nhớ ngọn gió heo may thu về, nhớ con đường xanh những tán cây, nhớ dáng hình con gái, nhớ mặt nước màu chì… Và lạ quá, nhớ cả những cái tưởng chừng như không đáng nhớ, không muốn nhớ như cái nóng nung lửa mùa hè, cái rét tê tái mùa đông, cái chật chội bụi bặm không chịu được...”

Nhà văn Vũ Đảm: Phát triển mà không hòa tan

Tôi chính thức trở thành công dân Hà Nội vào tháng 9 năm 1993 khi chân ướt chân ráo từ miền quê lúa Thái Bình bước vào Trường Viết văn Nguyễn Du để học tập, một ngôi trường nhỏ nhắn, mái ngói đỏ tươi nằm trên đường Đê La Thành. Hà Nội ngày đó quyến rũ 23 nhà văn, cây bút từ mọi miền cả nước tụ hội về học, ngoài những giờ lên lớp, chúng tôi thường hay đạp xe đi lang thang đến các tòa soạn báo gửi thơ, truyện, bài viết và dĩ nhiên chúng tôi không quên đi thăm thú Hà Nội.

Nhà văn Vũ Đảm (ảnh P.C)

Một Quốc Tử Giám uy nghiêm với những cụ Rùa đá to lớn cõng trên lưng tấm bia đá ghi danh những nhân tài của đất nước. Thế mới biết cha ông ta từ ngàn xưa đã biết nhìn xa trông rộng nên khẳng định chắc chắn rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, muốn giang sơn được bền vững, muốn dân giàu nước mạnh thì phải biết trọng dụng nhân tài – đó là bức thông điệp cha ông gửi cho mãi mãi mai sau!

Những phố cổ, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Chiếu, Hàng Đào… đan xen với nhau với đủ loại hàng hóa nhưng quyến rũ nhất vẫn là những ngôi nhà cổ mái ngói rêu phong và cả những ngôi chùa, ngôi đình trầm mặc cả hàng trăm năm. Người Hà Nội sống ở phố cổ thật nền nã, mến khách, còn những cô gái phố cổ thì khỏi phải nói, xinh xắn thướt tha trong tà áo dài khiến đám văn nhân chúng tôi cũng mê mẩn cõi lòng.

Những chiều thu Hà Nội, trong tiết trời âm u, gió heo may se se lạnh hay trong cái nắng vàng hanh hao, chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cafe trên đường Nguyễn Du, ngửi mùi hoa sữa mà mình từng nghe trong câu hát hay lại đạp xe ngơ ngẩn ngắm nhìn hàng trăm, hàng ngàn chiếc lá vàng trút xuống đường Phan Đình Phùng, đẹp và lãng mạn như trong phim nhưng hoàn toàn hiện thực trong mùa thu lá đổ.

Hồ Gươm xanh thẳm bởi nước hồ và những hàng cây đổ bóng soi mình trong nước, đứng bên mép nước trong đền Ngọc Sơn, mắt dõi ra tháp Rùa đang mờ ảo trong làn sương, nghe như văng vẳng bên tai truyền thuyết về Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy. Hiếm hoi lắm mới có lần được chứng kiến cụ Rùa nổi lên khỏi mặt hồ, bơi quanh quanh đó mấy vòng, thế là người đi đường đổ xô đến để chiêm ngưỡng cụ. Bây giờ cụ Rùa đã ra đi nhưng đâu đây bóng dáng cụ vẫn như thấp thoáng trên mặt hồ để ngắm nhìn một Thăng Long ngàn năm văn hiến đang trên đà phát triển.

Còn đây là hồ Tây lộng gió, những con sóng nối nhau xô mãi, xô mãi. Hồ Tây quả là một tác phẩm vĩ đại mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, nó không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tiêu nước về mùa mưa lũ, nguồn thủy sản cho người dân, là lá phổi khổng lồ điều hòa khí hậu, mà nó còn làm mê đắm lòng người bởi vẻ đẹp mênh mông của nó, bởi tiếng chuông chùa Trấn Vũ ngân nga, bởi tiếng chim sâm cầm, bởi sương sa bao phủ mặt hồ và bởi hoàng hôn đổ bóng nhuộm đỏ cả hồ Tây.

Sông Hồng như một dải lụa đỏ rực phù sa vắt qua Hà Nội, ngồi trên triền đê, mắt xa xăm, thả cho hồn bay theo gió, thấy cuộc đời mới mát mẻ làm sao. Bây giờ sông Hồng đã có những cây cầu vững chãi, Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì bắc qua. Rất nhiều những ngôi nhà cao vút cũng đã mọc lên, nhiều khu đô thị văn minh ra đời. Người ta cũng dự định sẽ xây dựng một thành phố hiện đại, sầm uất ở hai bên bờ sông Hồng. Một Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại đang vươn mình trỗi dậy để chào đón hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, nghỉ ngơi và hưởng thụ.

Hà Phong - Phúc Chương (ghi)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/noi-khac-khoai-tu-sau-tham-97682.html