Nỗi hoang mang của sinh viên ngành y khoa ở Ấn Độ

Đối mặt lượng công việc khổng lồ, nguy cơ mắc Covid-19 và phải bỏ dở việc học, nhiều sinh viên y khoa không khỏi lo lắng về tương lai khi đất nước ngập trong làn sóng dịch bệnh.

Từ 26/4, Siddharth Tara, sinh viên sau đại học ngành y khoa tại Bệnh viện Hindu Rao ở New Delhi, đã sốt và đau đầu dai dẳng. Anh đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 nhưng kết quả vẫn chưa có do hệ thống y tế quốc gia đang quá tải, theo Channel News Asia.

Bệnh viện nơi Tara công tác luôn thiếu nhân viên, muốn anh tiếp tục làm việc cho đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19.

Ngày 27/4, Ấn Độ ghi nhận 323.144 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên hơn 17,6 triệu, chỉ sau Mỹ. Bộ Y tế Ấn Độ cũng báo cáo thêm 2.771 trường hợp tử vong chỉ trong 24 giờ qua. Các chuyên gia cho rằng những con số này còn chưa phản ánh đúng thực tế.

“Tôi không thể thở được. Trên thực tế, tôi còn có nhiều triệu chứng hơn các bệnh nhân của mình. Sao họ lại bắt tôi làm việc?”, Tara hỏi.

 Làn sóng dịch mới nhất khiến hệ thống y tế vốn đã mong manh của Ấn Độ lâm vào khủng hoảng. Ảnh: AP.

Làn sóng dịch mới nhất khiến hệ thống y tế vốn đã mong manh của Ấn Độ lâm vào khủng hoảng. Ảnh: AP.

Đáng báo động

Trước tình hình hiện nay, những thách thức Ấn Độ đang phải đối mặt phần nào càng thêm khốc liệt bởi sự yếu kém của hệ thống y tế.

Ấn Độ có 541 trường đại học cao đẳng y tế, 36.000 sinh viên sau đại học. Hơn một năm qua, họ phải đối mặt lượng công việc khổng lồ, nợ lương, tiếp xúc với virus tràn lan và hoàn toàn bỏ dở việc học.

Tại 5 bang đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt dịch Covid-19 này, sinh viên sau đại học đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các nhà quản lý. Họ cho biết đã kêu gọi chính quyền chuẩn bị cho làn sóng dịch thứ hai nhưng bị phớt lờ.

Jignesh Gengadiya (26 tuổi) biết rằng anh sẽ làm việc 24 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần khi đến trường Cao đẳng Y tế Chính phủ ở thành phố Surat, bang Gujarat. Tuy nhiên, điều Gengadiya không ngờ đến là anh trở thành bác sĩ duy nhất chăm sóc 60 bệnh nhân thường và 20 bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt.

“Bệnh nhân phòng chăm sóc đặc biệt cần được chú ý liên tục. Nếu có hơn một bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm, ai sẽ giúp tôi?” Gengadiya hỏi.

Đội ngũ nhân viên y tế Ấn Độ đối mặt lượng công việc khổng lồ cùng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: AP.

Bệnh viện Hindu Rao, nơi Tara làm việc, như một bức tranh thu nhỏ minh họa tình hình thảm khốc của đất nước. Nơi này tăng thêm giường cho bệnh nhân Covid-19 nhưng không thuê thêm bác sĩ, khiến họ phải làm khối lượng công việc tăng gấp 4 lần. Thậm chí, các bác sĩ cấp cao còn từ chối điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

“Tôi hiểu rằng các bác sĩ có kinh nghiệm đã cao tuổi và dễ bị nhiễm virus hơn. Nhưng như chúng ta đã thấy, trong đợt bùng dịch này, virus tấn công cả người già và trẻ nhỏ", Tara nói.

Bình thường, 2 bác sĩ chịu trách nhiệm khoảng 15 giường bệnh. Bây giờ, con số là 60.

Không chỉ không tăng thêm, số lượng nhân viên y tế còn giảm khi nhiều người dương tính với SARS-CoV-2. Tháng 3, gần 75% sinh viên y khoa sau đại học trong một khoa phẫu thuật mắc Covid-19, theo thông tin từ một sinh viên giấu tên vì sợ ảnh hưởng.

Bác sĩ Rakesh Dogra, làm việc tại Hindu Rao, nhận định gánh nặng chăm sóc bệnh nhân dồn lên vai các sinh viên y khoa sau đại học. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mọi người có vai trò khác nhau, các sinh viên sau đại học điều trị bệnh nhân còn bác sĩ cấp cao chịu trách nhiệm giám sát.

Dù không thuê thêm nhân lực trong đợt bùng dịch thứ hai, Bệnh viện Hindu Rao được một số bệnh viện lân cận hỗ trợ bác sĩ tạm thời.

Cần được quan tâm

Ấn Độ chỉ chi 1,3% GDP cho chăm sóc sức khỏe, ít hơn tất cả nền kinh tế lớn.

Sau một năm, bác sĩ Subarna Sarkar chia sẻ cô cảm thấy như bị phản bội vì bệnh viện cô làm việc hoàn toàn mất cảnh giác trước đại dịch.

“Tại sao họ không thuê thêm nhiều người hơn? Tại sao cơ sở hạ tầng không được nâng cấp? Giống như chúng tôi không học được gì từ làn sóng dịch đầu tiên vậy”, cô nói.

Đến tận 21/4, Bệnh viện Sassoon ở thành phố Pune, nơi cô làm việc, mới cho biết sẽ thuê thêm 66 bác sĩ và tăng số giường cho bệnh nhân Covid-19 từ 525 lên 700. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 11 bác sĩ mới được bổ sung.

Để đối phó với đợt dịch mới bùng phát, các nhà chức trách thành phố Pune hứa hẹn sẽ có thêm giường bệnh phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo Sarkar, điều đó là chưa đủ.

“Số giường bệnh tăng mà không có nhân lực thì chẳng có gì khác. Đó chỉ như bình phong mà thôi".

Ấn Độ ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục. Ảnh: AP.

Vì tình hình dịch phức tạp, các nhân viên y tế tại Sassoon cho biết chính quyền đã bỏ qua các quy tắc an toàn. Ví dụ, nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 trong một tuần có thể đi thẳng đến khu chung làm việc với các bệnh nhân khác.

Theo tiến sĩ Sundararaman thuộc Đại học Pennsylvania, điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Vào tháng 3, 80 trong số 450 sinh viên sau đại học của Bệnh viện Sassoon có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhưng họ chỉ được nghỉ dưỡng sức tối đa 7 ngày.

Bên cạnh đó, việc tập trung dồn nhân lực sinh viên y khoa các ngành về chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đang khiến tình hình thêm tồi tệ.

Tại một trường cao đẳng y tế ở thành phố Surat, các sinh viên cho biết họ thậm chí chưa được theo dõi một bài giảng học thuật nào. Bệnh viện địa phương đã tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ tháng 3/2020 và các sinh viên y khoa sau đại học hầu như dành toàn bộ thời gian để chăm sóc họ. Thành phố này đang ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc Covid-19 và 22 trường hợp tử vong mỗi ngày.

Việc phải tập trung cao độ vào đại dịch cũng khiến nhiều sinh viên y khoa không khỏi lo lắng về tương lai.

Sinh viên học trở thành bác sĩ phẫu thuật không biết cách cắt bỏ ruột thừa, các bác sĩ chuyên khoa phổi chưa học được nhiều về ung thư phổi và các sinh viên khoa sinh hóa đang dành toàn bộ thời gian để theo dõi kết quả xét nghiệm.

"Tình trạng cứ như thế này thì sẽ đào tạo ra loại bác sĩ gì?", Shraddha Subramanian, bác sĩ nội trú khoa phẫu thuật Bệnh viện Sassoon, đặt câu hỏi.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-hoang-mang-cua-sinh-vien-nganh-y-khoa-o-an-do-post1209040.html