Nơi hiệu triệu con tim vùng lên chống giặc

Ngày 20-2-1961, tại chùa Tà Miệt trên (xã Lương Phi, Tri Tôn), Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (UBMTDTGPMNVN) tỉnh An Giang đã chính thức ra mắt. Đây là dấu mốc quan trọng trong tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên theo Đảng, một lòng quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, Nhà bia lưu niệm tại chùa Tà Miệt trên vẫn còn ghi dấu sự kiện hào hùng ấy.

Nhà bia lưu niệm là địa điểm ghi dấu lịch sử hào hùng

Một lòng với cách mạng

Theo tài liệu lịch sử, ngày 20-12-1960, UBMTDTGPMNVN tỉnh An Giang được thành lập tại Ô Lâm - Núi Tô (Tri Tôn) với 14 vị ủy viên. Trong đó GS Bùi Đức Tâm đảm nhận vai trò Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm: ông Vũ Hồng Đức (đại biểu Đảng), bà Huỳnh Thị Từ Tâm (đại biểu nhân sĩ), ông Võ Thái Bảo (đại biểu lực lượng vũ trang) và hòa thượng Thích Chơn Như (đại biểu Phật giáo Thiền Lâm).

Ngày 20-2-1961, UBMTDT GPMNVN tỉnh chính thức ra mắt nhân dân tại chùa Tà Miệt trên. Trước hàng trăm đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo, nhân sĩ trí thức và cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân, GS Bùi Đức Tâm đã đọc lời hiệu triệu, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và binh sĩ, công chức yêu nước… hăng hái đứng lên, đoàn kết dưới ngọn cờ UBMTDTGPMNVN đánh tan ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngụy quyền, thành lập một chính phủ liên minh dân tộc, dân chủ theo đường lối hòa bình, trung lập tiến tới thống nhất đất nước.

Từ khi UBMTDTGPMNVN tỉnh ra đời đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang trên địa bàn chiến đấu chống giặc trên khắp các chiến trường. Thực hiện lời kêu gọi của mặt trận, Đảng bộ và nhân dân huyện Tri Tôn vừa xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, vừa ra sức đấu tranh bảo vệ, chống địch càn quét lấn chiếm. UBMTDTGPMNVN tỉnh đã phát động phong trào đấu tranh chống phá cuộc bầu cử Tổng thống ngụy (tổ chức vào ngày 9-4-1961). Mặt trận giải phóng từ huyện đến xã lần lượt được thành lập, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân xây dựng cuộc sống mới, phát triển các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ…

Thời gian này, phong trào cách mạng lan rộng trong giới đồng bào đô thị, đặc biệt là thanh niên, học sinh, giáo chức. Ở nông thôn, các tôn giáo, quần chúng tín đồ tham gia nuôi chứa, ủng hộ tiền, của cho cách mạng.Thư kêu gọi, truyền đơn được gởi đến tận nhà ngụy quân, ngụy quyền các cấp, vận động trở về với nhân dân.Đến tháng 7-1977, Đại hội UBMTTQVN tỉnh lần thứ nhất được tổ chức, đồng chí Hồ Chí Sơn được bầu làm Chủ tịch.

Phấn đấu xứng danh vùng đất anh hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ, Lương Phi là một trong những vùng trọng điểm của chiến trường. Những năm 1960, Tỉnh ủy An Giang và các cơ quan trọng yếu của tỉnh đều đóng tại căn cứ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) để chỉ huy cuộc kháng chiến. Dựa vào lợi thế núi Dài, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Tây Nam cũng chọn Ô Tà Sóc là chỗ trú quân, cùng bộ đội địa phương đấu tranh kiên cường với Mỹ - ngụy vốn được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn rất nhiều. Tại địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer này, khi UBMTDTGPMNVN tỉnh chính thức ra mắt và phát lời hiệu triệu, đồng bào đã chung sức, chung lòng ủng hộ cách mạng, làm nên những chiến thắng hào hùng.

Năm 2015, lần đầu tiên sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, An Giang tổ chức Tết quân - dân. Và địa điểm được lựa chọn cho sự kiện quan trọng này chính là xã Lương Phi. Chỉ trong 1 tháng, gần 2 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp để thực hiện nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa, góp phần thắt chặt hơn nữa tình quân - dân từ thời chiến đến thời bình. “Thời chiến tranh, bộ đội ở nhà dân.Thời bình, bộ đội ở doanh trại nên điều kiện gần dân ít hơn. Tôi thấy việc tổ chức Tết quân - dân là một cách đổi mới phương thức dân vận trong quân đội, cũng là cách “đền ơn đáp nghĩa” nhân dân vùng đất anh hùng đã đùm bọc cách mạng trước đây. Không khí Tết quân - dân năm 2015 ở Lương Phi giống như Tết kháng chiến ngày xưa” - ông Nguyễn Thanh Dân, nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhớ lại.

Ngày 20-2-2019, tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 58 năm ngày ra mắt UBMTDTGPMNVN tỉnh An Giang và lễ viếng Nhà bia lưu niệm tại chùa Tà Miệt trên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm tiếp tục kêu gọi MTTQ các cấp trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tuyên truyền vận động nhân dân chung tay góp sức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh, chăm lo cộng đồng dân cư phát triển toàn diện, đặc biệt là xây dựng Lương Phi sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Yêu cầu của lãnh đạo huyện đang được người dân Lương Phi chung sức, chung lòng cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện. Dự kiến giữa năm 2019, Lương Phi sẽ trở thành xã thứ 3 của huyện Tri Tôn được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (trước đó là xã Vĩnh Gia và Tà Đảnh).

Năm 2013, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp các ngành liên quan xây dựng Nhà bia lưu niệm địa điểm ra mắt UBMTDTGPMNVN tỉnh tại chùa Tà Miệt trên. Đây là nơi ghi dấu một trong những sự kiện lịch sử hào hùng của quân và dân An Giang.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/noi-hieu-trieu-con-tim-vung-len-chong-giac-a245140.html