Nơi hạnh phúc bắt đầu

'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình'.

Quả thật, gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và cũng là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc. Gia đình, hai tiếng thiêng liêng ấy được thể hiện qua các mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt trong một nhà với nhau. Nó tạo nên sức mạnh vững chãi, giúp chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn, khổ đau trong cuộc đời. Nó cho ta sự bình yên và an toàn mà không bất kỳ nơi nào có được. Ở nơi đó, ta luôn nhận được sự cảm thông, tình cảm bao dung vô bờ bến. Nơi đó là nguồn sức mạnh giúp ta xua tan những mệt mỏi hiện tại; tiếp thêm động lực để ta cố gắng phấn đấu trong tương lai. Gia đình, không chỉ là ước mơ bình thường mà còn là ước mơ sâu xa nhất của mỗi người cần có trong cuộc đời. Bởi đó là nơi khởi nguồn cho mọi hạnh phúc bắt đầu.

Ông bà ta thường bảo: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Hạnh phúc trong gia đình trước hết được vun vén bởi đôi bàn tay tảo tần, dịu hiền của người phụ nữ. Đó là những bữa cơm được chuẩn bị có thể đơn giản, đạm bạc nhưng luôn chan chứa tình yêu thương; là những phút giây ngập tràn tiếng cười hạnh phúc của các thành viên trong gia đình xuất phát từ sự kết nối của người phụ nữ. Dẫu bận trăm công ngàn việc nhưng bao giờ họ cũng biết cách chu toàn cho tổ ấm gia đình.

Hạnh phúc gia đình nếu không có sự chung tay sẻ chia từ đôi vai của người đàn ông, hẳn cũng sẽ không thể nào được trọn vẹn. Đàn ông được xem là trụ cột quan trọng trong gia đình, hiểu theo nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần. Trụ có vững thì nhà mới chắc, mới kiên cố. Người đàn ông là người cầm chịch, là chỗ dựa vững chắc để các thành viên còn lại trong gia đình trông vào, nương tựa. Sự gắng sức, bình tĩnh, quyết đoán và mẫu mực của họ là những yếu tố thiết yếu để duy trì hạnh phúc gia đình.

Đối với những đứa trẻ, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, chắp cánh cho ước mơ của các em được bay cao, bay xa. Và cũng chính các em là thành viên không thể thiếu cấu thành nên hai tiếng gia đình một cách trọn vẹn. Trong gia đình, con cái chăm chỉ học hành, sống có lý tưởng, có hoài bão; biết yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ,… đó là nguồn khích lệ rất lớn, tạo động lực phát triển cho cả gia đình. Ngược lại, gia đình là bến đỗ, chỗ dựa bình yên; là nơi sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia, giúp đỡ để các em hiện thực hóa ước mơ hay có thể đứng dậy bước tiếp mỗi khi vấp ngã.

Còn có cả những gia đình vốn chẳng có quan hệ vợ chồng hay huyết thống. Là những đứa trẻ khi vừa mới lọt lòng đã bị bỏ rơi; những người mẹ, người cha già cả, ốm đau, bệnh tật bị cháu con hắt hủi; những người vô gia cư, tha phương cầu thực,… Họ được đón nhận từ những tấm lòng thơm thảo, những tổ chức từ thiện làm nên một gia đình. Gia đình ấy là trại trẻ mồ côi, là trung tâm bảo trợ, là viện dưỡng lão,... Cũng từ những mái nhà chung này, niềm vui, cuộc sống mới, hạnh phúc mới đã bắt đầu nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Với họ, chưa bao giờ, hai tiếng gia đình lại có ý nghĩa và đáng trân quý đến thế.

Câu chuyện cảm động về người đàn bà cả đời sống trong cảnh không chồng, không con, không nhà cửa, không giấy khai sinh và chứng minh thư…, ngỡ như cuộc đời bà sẽ tiếp tục trôi đi trong chính căn bếp tồi tàn cho đến hết đời. Thế nhưng, như một phép màu nhiệm, bà được những người tử tế quan tâm, yêu thương đón về trong một trại dưỡng lão. Và lần đầu tiên trong đời, người ta thấy bà mỉm cười, nụ cười thật rạng rỡ, thảnh thơi, mãn nguyện.

Chúng ta có một gia đình để yêu thương và được yêu thương, đó là diễm phúc, là món quà vô giá, không gì có thể đánh đổi. Mỗi thành viên trong gia đình hãy là những ngọn nến cháy hết mình để thắp lên ánh sáng lung linh cho tổ ấm của mình thêm đẹp, thêm vui, cũng là ươm mầm cho những điều hạnh phúc.

LÊ XUYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202007/tan-van-noi-hanh-phuc-bat-dau-903209/