Noi gương Bác từ những việc làm gần gũi, thiết thực

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ bản chất, giá trị và ý nghĩa của việc nêu gương và chính bản thân Người đã trở thành tấm gương sáng ngời về thực hành nêu gương. Ngày nay, lớp lớp thế hệ con cháu Bác Hồ vẫn một lòng nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác; và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương cũng không ngoại lệ.

Đã có 60 tham luận gửi tới Hội thảo, thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm, sự tâm huyết của tác giả đối với Bác Hồ.

Đã có 60 tham luận gửi tới Hội thảo, thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm, sự tâm huyết của tác giả đối với Bác Hồ.

Những câu chuyện được kể lại trong Hội thảo khoa học “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” tổ chức mới đây là minh chứng. Hội thảo do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức.

Gương sáng tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải

TS Nguyễn Xuân Sang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, chia sẻ: Noi gương Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) đã quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu rõ rệt số người chết, mất tích trên biển.

Nhiều năm gần đây không còn những đám tang tập thể của ngư dân trên biển. Hai năm 2017 – 2018, Trung tâm điều động tàu đi tìm kiếm cứu nạn 193 lần, cứu được gần 2 nghìn người gặp nạn trên biển.

Trong đó có 34 vụ tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đẩy lùi sự ngăn cản của các tàu thuyền nước ngoài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sáu tháng đầu năm nay, Trung tâm đã thực hiện thành công 36 lượt cứu nạn bằng tàu chuyên dụng, cứu và hỗ trợ 592 người gặp nạn trên biển.

Với đặc thù công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, hầu hết các vụ việc xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu, cực kỳ nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, biển động... trong lực lượng cứu nạn hàng hải đã xuất hiện những thuyền trưởng quả cảm, quyết đoán, những thuyền viên, nhân viên cứu nạn đầy trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ. Họ thường được ví von là những “sói biển” trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Ông Sang xúc động nói: Giữa biển khơi mênh mông, nhiều thời điểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, người “Thuyền trưởng - Sói biển” phải có những quyết định nhanh, kịp thời để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cứu nạn và người bị nạn. Người “Thuyền trưởng - Sói biển” phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, xông pha vào các điểm tai nạn, qua đó quy tụ, phát huy sức mạnh của toàn tổ, đội cứu nạn.

Có được những kết quả trên đây, theo ông Sang là một quá trình phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động toàn Trung tâm.

“Họ ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển là những người chiến sỹ trên tuyến đầu của ngành Hàng hải Việt Nam, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Cái gì có lợi cho dân, phải hết sức làm”, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tất cả vì Tổ quốc thân yêu, vì nhân dân phục vụ”, ông Sang tâm niệm.

Ngành Kiểm sát học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ

TS Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSNDTC thì đúc kết, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản to lớn của Đảng và của cả dân tộc ta, là khoa học lý luận cơ bản của cách mạng Việt Nam; “Noi gương Hồ Chí Minh” gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, gắn liền với lời của Người răn dạy cán bộ ngành KSND.

Ông Quảng cho hay, thông qua việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ kiểm sát đã rút ra một số nhận thức cốt lõi, gồm công minh, chính trực, tôn trọng sự thật khách quan, thận trọng.

Thực tiễn kết quả giải quyết bất kỳ vụ án nào đều kết tinh đầy đủ 5 chuẩn mực Bác đã dạy, không thể tách biệt tiêu chuẩn nào. Người cán bộ kiểm sát phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có trong mình cả 5 đức tính, thiếu 1 trong các đức tính này thì không thể trở thành người cán bộ kiểm sát chân chính theo tư tưởng của Bác.

Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội phòng không năm 1966.

Thấm nhuần phương châm hành động xuyên suốt 5 đức tính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, hàng năm VKSNDTC ban hành xấp xỉ 90 nghìn yêu cầu xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, hơn 60 nghìn yêu cầu điều tra; yêu cầu khởi tố 700 – 800 vụ án hình sự; trực tiếp khởi tố hàng chục vụ án và bị can. Đáng chú ý, hủy bỏ hàng trăm quyết định không khởi tố vụ án và quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ 800 lệnh, quyết định bắt tạm giữ, tạm giam trái pháp luật...

Bên cạnh đó, toàn ngành ban hành hàng nghìn kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm. Nổi bật, công tác đấu tranh, xử lý các vụ án đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; việc quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ông Quảng khẳng định, thời gian tới, toàn ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, XII gắn với lời dạy cán bộ kiểm sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, phấn đấu xây dựng ngành KSND ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng đạo đức công vụ theo tư tưởng trọng dân

Đến từ Cần Thơ, TP nằm ở vị trí trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ Lê Văn Thành nhận thức rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và việc phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng đảng.

Bác Hồ đã nêu cao các giá trị dân chủ, thân dân, trọng dân, quý dân, tất cả vì nhân dân. Các chuẩn mực đạo đức công vụ theo đó cũng được xây dựng, bao hàm trong đạo đức cách mạng, thể hiện ở những nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Ở Cần Thơ, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trong vào việc đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.

Soi rọi thực tiễn những năm qua, dù còn không ít khó khăn nhưng Đảng ủy Khối cơ quan Dân Chính Đảng Cần Thơ luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường chấn chỉnh và nâng cao vai trò của đảng viên trong thực thi đạo đức công vụ; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc.

Đảng viên luôn thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mình vì lợi ích chung của xã hội, của nhân dân; biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, thể hiện được sự gần gũi, thân thiện với nhân dân; luôn ý thức rõ về cái cần làm và mong muốn được làm vì nhân dân, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/noi-guong-bac-tu-nhung-viec-lam-gan-gui-thiet-thuc-468812.html