Nơi… góc trời Tây Bắc

Tôi rong ruổi dọc ngang trên những cung đường Tây Bắc đã mấy lần, thế nhưng phải đến chuyến đi Lai Châu vừa rồi, khi qua Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo hung hãn tôi mới phần nào có lại cảm xúc đặc biệt từ nơi đây. Có đi mới thấy, trên dải đất này ngoài phong tục mới lạ, những nét văn hóa riêng… không ít địa phương đã tính đến phương án phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch từ bản sắc truyền thống.

Đa dạng sinh kế từ du lịch cộng đồng

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) cách thành phố Lai Châu hơn 30km. Sin Suối Hồ nằm chênh vênh trên sườn núi cao thế nhưng ít năm gần đây, địa danh này trở thành khu du lịch cộng đồng nổi tiếng của Lai Châu, là “mô hình điểm” thành công trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch từ bản sắc truyền thống đang là một hướng đi đúng trên dải Tây Bắc. Ảnh: Giang Nam

Phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch từ bản sắc truyền thống đang là một hướng đi đúng trên dải Tây Bắc. Ảnh: Giang Nam

Hôm tôi đến, trưởng bản Sin Suối Hồ tên Vàng A Chỉnh niềm nở đón vào khu nhà homestay của anh. Vừa đi vừa giới thiệu, anh bảo, từ cổng vào đến các biển chỉ dẫn đều được viết bằng kết dây thừng, họa tiết trang trí rào, bàn ghế, nhà, cọn nước đều được tận dụng từ chính chất liệu của núi rừng, hòa trong tiếng chim hót, tiếng suối róc rách... Chính cái sự mộc mạc, có sao dùng thế ấy là nét thu hút khách tây, khách ta.

Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái. Với sự tương đồng về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa những năm gần đây du lịch Tây Bắc đang tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt, thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng Khu vực này lớn song hiện vẫn chưa khai thác hết do người dân chưa được đào tạo bài bản để làm du lịch, thiếu kỹ năng giao tiếp, làm dịch vụ. Để khắc phục điều này, các địa phương cần có chiến lược lâu dài, bền bỉ tuyên truyền, hướng dẫn người dân.

Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái. Với sự tương đồng về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa những năm gần đây du lịch Tây Bắc đang tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt, thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng Khu vực này lớn song hiện vẫn chưa khai thác hết do người dân chưa được đào tạo bài bản để làm du lịch, thiếu kỹ năng giao tiếp, làm dịch vụ. Để khắc phục điều này, các địa phương cần có chiến lược lâu dài, bền bỉ tuyên truyền, hướng dẫn người dân.

Nhắc đến câu chuyện đổi mới tư duy, nâng cao đời sống của Vàng A Chỉnh mới thấy để làm được du lịch cộng đồng vừa khó lại vừa dễ. Khó ở chỗ làm sao đổi mới tư duy lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng người dân trong bản, còn dễ lại nằm ở chính bản thân mình, uy tín của mình. Chẳng thế mà, để người trong bản thấy cái lợi từ du lịch, anh luôn “nói đi đôi với làm”, tạo lập uy tín.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ, hiện 702 nhân khẩu đều là dân tộc Mông đang tích cực xây dựng nông thôn mới kết hợp làm du lịch. Cụ thể, đã có 20 nhà làm homestay, trong đó có 9 gia đình dựng nhà tổ chim xinh xắn nằm trên những thân cây cổ thụ, có trụ đỡ chắc chắn. Đường vào bản Sin Suối Hồ sạch sẽ không khí trong lành, dọc sườn núi có những nếp nhà sàn gỗ, và những nếp nhà vách đất, mái lá nhiều năm tuổi giữa cây ngàn gió núi rất nên thơ. Cũng từ ngày xây dựng nông thôn mới, nhà nào nhà nấy tích cực làm kinh tế, chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang chè, cam, mộc lan… Các gia đình làm homestay đã có thu nhập 50-60 triệu đồng/năm, trồng thêm lan thu được 100-200 triệu đồng/năm nên bà con tích cực đầu tư, học hỏi và sẵn sàng đón du khách.

“Riêng trong bản, người dân đều quán triệt không hút thuốc, không chơi cờ bạc, không uống rượu, không vứt rác bừa bãi. Từ năm 2015, bản cũng không còn người nghiện hút…” – anh Vàng A Chỉnh khoe về những đổi mới trong đời sống sinh hoạt.

Giống như Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, xã Mường So có hơn trăm nóc nhà là nơi đang được huyện Phong Thổ “chọn mặt gửi vàng” cho mô hình nông thôn mới gắn với du lịch. Nơi đây, dù chưa thực sự thấy được chuyển biến rõ nét như Sin Suối Hồ nhưng nhờ du lịch, đời sống người dân đã ít nhiều thay đổi. Hôm ấy, tôi tìm đến ngôi nhà sàn của gia đình ông Thùng Văn Được – ngôi nhà sàn bằng gỗ của người Thái Trắng được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Thấy có khách lạ ghé thăm, chủ nhân của ngôi nhà bề thế nhất bản vội vàng xỏ dép ra chào. Ông kể, năm 2015 khi các chủ trương về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu phổ biến đến từng hộ dân, gia đình ông bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về du lịch cộng đồng. Rồi cứ thế vừa làm, vừa học hỏi, mỗi năm cũng túc tắc khách đến, khách đi. Điểm làm ông phấn khởi là, khách khi về cứ lưu luyến mãi với ngôi nhà cổ này.

Tạo thương hiệu du lịch riêng

Nhắc đến phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch từ bản sắc truyền thống, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường So Bùi Công Lịch cho biết, năm 2012-2015, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, từ đóng góp xây dựng đường giao thông (99% bê tông), cải tạo môi trường nhà, ngõ xóm, trồng hoa và thực hiện nếp sống mới. Để nông thôn mới đi vào chiều sâu, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự chung tay của người dân theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường So, hiện xã đã đạt được những kết quả nhất định, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại vẫn còn nhiều song chính quyền xác định vẫn nỗ lực tìm hướng đi, vừa tìm tòi, vừa khắc phục khó khăn.

Một góc bình yên ở Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Ảnh: Giang Nam

Trên hành trình khám phá Lai Châu, tôi nhận thấy mảnh đất này còn nhiều tiềm năng du lịch chưa khai thác hết. Mỗi địa phương tại tỉnh Lai Châu đều có những lợi thế riêng, những hạn chế nhất định cũng là điều khó tránh khỏi. Chẳng hạn, một trong những yếu tố đầu tiên là ở những bản du lịch hiện nay vẫn thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài ra, làm sao để người dân giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như tăng tính kết nối giữa các điểm đến nhằm phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc một cách lâu dài cũng là điều trăn trở. Với điều này, không khó để thấy trước ảnh hưởng của đời sống kinh tế, không ít bản làng của đồng bào dân tộc ở các địa phương đã bị đô thị hóa, nhà sàn bị người dân dỡ bỏ thay thế bằng bê tông, lợp mái tôn, làm hàng rào thép. Nhiều nơi, người dân tộc không còn giữ được nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập, quán bị mai một, ngay cả trang phục dân tộc đã ít mặc hơn…

Nhãn tiền và gần hơn khi đề cập đến khó khăn, ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sin Suối Hồ chia sẻ, nhiều người mới đặt chân đến Sin Suối Hồ đã phải thốt lên “Đường xóc, đường xấu và khó đi…”. Điều này xã cũng nhận thấy, nhưng hạn chế về tiềm lực kinh tế khiến những con đường đẹp khó thành hiện thực. Một điều khó nói nữa là, tại dải đất này, khi hạ tầng hoàn thiện vẫn thường trực bị hỏng hóc trước những giãn động tự nhiên. Cảnh đường sụt lún, hư hại sau bão là khó tránh khỏi.

Khó khăn và những hạn chế mà ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sin Suối Hồ đề cập là có cơ sở và đang diễn ra trong đời sống thực tế. Tuy nhiên, với riêng cá nhân tôi, những tiềm năng nơi Sin Suối Hồ nói riêng và Lai Châu nói chung hoàn toàn đủ để “lấp” đi những hạn chế. Vì sao ư? Bởi chỉ sau khi đi lên bản, đắm mình trong thiên nhiên du khách sẽ nhanh chóng quên đi cái vất vả của con đường ấy. Tiếp xúc với những con người, phong tục nơi dải đất này có thể thấy rõ ràng việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đang là một trong những bước đi đúng hướng. Mô hình ngoài gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa bản địa còn tạo nền tảng giúp người dân vùng cao biên giới được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục tốt nhất./.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-goc-troi-tay-bac-121070.html